Các bệnh nhiễm trùng cơ hội ở người nhiễm HIV giai đoạn tiến triển

13/10/2016 14:42

Những phát hiện ban đầu về tỷ lệ mắc Cryptoccus (CrAg) và các nhiễm trùng cơ hội khác ở người nhiễm HIV giai đoạn tiến triển, nhằm cung cấp thông tin cho việc triển khai sàng lọc CrAg và các chiến lược khác để giảm tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV giai đoạn tiến triển ở Việt Nam.

Ảnh minh họa

Đó là mục đích của công trình nghiên cứu do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM; Trường Đại học Y Hà Nội; Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), Alanta, Hoa Kỳ; Văn phòng CDC tại Việt Nam thực hiện.

Đông Nam Á là khu vực có tỷ lệ hiện mắc viêm màng não do nấm CrAg ở người nhiễm HIV cao thứ 2 trên thế giới, chỉ đứng sau tiểu vùng Saharan của châu Phi. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị, tùy theo tỷ lệ hiện mắc kháng nguyên CrAg mà các quốc gia nên cân nhắc việc triển khai sàng lọc CrAg trong nhóm người nhiễm HIV giai đoạn tiến triển, đồng thời điều trị bằng Fluconazole liều cao đối với những bệnh nhân không có triệu chứng viêm màng não để ngăn ngừa sớm viêm màng não do nấm CrAg.

Phương pháp các chuyên gia nghiên cứu đưa ra là triển khai sàng lọc CrAg bằng phương pháp xét nghiệm miễn dịch nhanh (LFA) trên những bệnh nhân mới đăng ký điều trị HIV và có kết quả CD4<100 hoặc bằng 100 tế bào/ml tại 22 phòng khám ngoại trú (OPC) tại Việt Nam.

Những bệnh nhân có kết quả xét nghiệm CrAg dương tính được điều trị bằng Fluconazole liều cao theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và hướng dẫn quốc gia. Đối với những bệnh nhân có kết quả CD4 thấp, đồng ý tham gia được thu tuyển vào nghiên cứu, các chuyên gia đo lường tỷ lệ hiện mắc CrAg và nhiễm trùng khác tại thời điểm bệnh nhân được thu tuyển.

Kết quả cho thấy, từ tháng 8/2015 đến tháng 5/2016, 723 bệnh nhân (chiếm 40,5%) trên tổng số 1.787 bệnh nhân đăng ký mới tại 22 OPC có kết quả CD4<100 hoặc bằng 100 tế bào/ml. Trong số những bệnh nhân này, thu tuyển 642 bệnh nhân (tỷ lệ tuyển đạt 89%).

Dữ liệu đầu kỳ của 687 đối tượng nghiên cứu (91,4%) được sở dụng trong phân tích này có 150 bệnh nhân là nữ, chiếm 25,6%. Độ tuổi trung vị đối tượng nghiên cứu là 35 tuổi (khoảng phân vị IQR, 31-41). Kết quả CD4 trung vị tại thời điểm thu tuyển là 25 tế bào/ml (IQR 11-56). Nhiễm trùng cơ hội phổ biến ghi nhận tại thời điểm thu tuyển bao gồm: Lao (31%); nấm candida miệng (15,5%) và viêm phổi do PCP (5,3%). Trong số 17 bệnh nhân xét nghiệm, CrAg dương tính 2,9%; 16 bệnh nhân không có các triệu chứng viêm màng não và được điều trị bằng Fluconazole liều cao. Một bệnh nhân được chuẩn đoán xác định viêm màng não do nấm CrAg và được điều trị theo hướng dẫn quốc gia.

Như vậy, tình trạng bệnh nhân nhiễm HIV đăng ký muộn tại các OPC là rất phổ biến. Điều này góp phần khẳng định sự hạn chế trong việc phát hiện và kết nối người nhiễm HIV với các cơ sở chăm sóc và điều trị. Từ đó, giúp bệnh nhân đạt kết quả điều trị tốt nhất. Tỷ lệ hiện mắc CrAg tương đối thấp là 2,9%, tuy nhiên các nhiễm trùng cơ hội khác như lao, nấm candida miệng và viêm phổi do PCP là khá phổ biến.

Các kết quả nghiên cứu trên sẽ góp phần đánh giá tính khả thi và chi phí triển khai sàng lọc CrAg và tỷ lệ tử, sống sót ở người nhiễm HIV giai đoạn tiến triển ở Việt Nam.
Top