Các đảo Thái Bình Dương trong "cơn bão" buôn lậu ma túy

28/06/2019 09:18

Đó là tuyến đường vận chuyển ma túy mà rất ít người từng nghe đến: Những lô hàng cocaine và ma túy tổng hợp methamphetamine trị giá hàng tỷ USD từ Mỹ Latinh đến Australia đi theo đường biển qua các đảo Nam Thái Bình Dương, vốn được coi là những địa điểm nghỉ dưỡng hơn là trung tâm trung chuyển ma túy.

Lực lượng Cảnh sát Fiji đặc biệt để mắt tới những du thuyền hay tàu cá nhân đi qua hòn đảo này

Trong 5 năm qua, khu vực này bùng nổ số lượng tàu thuyền, đôi khi chúng mang theo hơn 1 tấn cocaine, thực hiện hành trình xuyên Thái Bình Dương để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng của thị trường ma túy ở Australia. Có thể kể tên tới một loạt quốc gia như Fiji, Vanuatu, Papua New Guinea, Tonga và New Caledonia, khi vùng nước và bãi biển của họ bị biến thành nơi lưu trữ bất hợp pháp các loại ma túy trị giá hàng tỷ USD.

Với Thiếu tướng Sitiveni Qiliho, ủy viên cảnh sát Fiji, kể từ khi đảm nhận vị trí đứng đầu cảnh sát Fiji 2 năm trước, ông không xem phim nữa bởi cuộc đời ông đã đủ kịch tính như một bộ phim bom tấn của Hollywood.

Trong vài tháng qua, ông đã biến thành thợ lặn để xuống biển, tìm kiếm những thùng cocaine trị giá hàng triệu USD được cất giữ trong những cái lưới khổng lồ dưới nước, bắt giữ những kẻ buôn bán ma túy trên biển và thông báo cho các cộng đồng đảo xa rằng những gói hàng bí ẩn đang dạt vào bãi biển của họ là cocaine và không nên cho vào nướng bánh hoặc pha trà.

Fiji, một trong những quốc gia đông dân và phát triển nhất ở Thái Bình Dương, được tạo thành từ hơn 330 hòn đảo trải dài 194.000km2. Thiếu tướng Qiliho ước tính các sĩ quan cảnh sát ở đây dành ít nhất một phần tư thời gian của họ để cố gắng dập tắt việc buôn bán và sản xuất ma túy.

Trên tàu tuần tra Veiqaravi đang đi trên vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây của đảo chính Fiji, ông Qiliho nhắc đến vụ 120 bánh cocaine, mỗi bánh trị giá hàng nghìn USD bị cuốn trôi vào các đảo của nước này năm 2018. Số hàng này được đặt trong chiếc lưới lớn, rộng khoảng 4m2, trôi trong đại dương và có gắn bộ truyền tín hiệu. Tuy nhiên, thời tiết xấu khiến cho lưới nổi lên và rách khi chạm vào san hô.

Hàng trăm kilogram cocaine đã dạt vào các bãi biển Thái Bình Dương xa xôi, những con tàu chở đầy ma túy mắc cạn trên các rạn san hô và người dân địa phương đã phát hiện ra những kho ma túy khổng lồ được cất giấu trong lưới dưới nước gắn với đèn hiệu GPS.

“Nếu kẻ một đường thẳng từ Bogota đến Canberra thì nó đi thẳng qua các hòn đảo này”, Tiến sĩ Andreas Schloenhardt, Giáo sư Luật hình sự tại Đại học Queensland nhận xét.

Thái Bình Dương là điểm trung chuyển trong các đường dây ma túy suốt hàng chục năm qua nhưng các nhà phân tích an ninh và thực thi pháp luật cho rằng hiện tượng này đã tăng lên đáng kể trong 5 năm qua. Kể từ năm 2014, Cảnh sát liên bang Australia đã tham gia thu giữ khoảng 7,5 tấn cocaine được vận chuyển bằng các tàu nhỏ như du thuyền qua khu vực và hướng đến là Australia.

Đáng chú ý, năm 2004, cảnh sát đã thu giữ 120kg cocaine trên một bãi biển ở Vanuatu, được coi là số lượng kỷ lục trong lịch sử ở quốc gia Thái Bình Dương này. Nhưng 9 năm sau, lực lượng chức năng ở đây lại triệt phá một vụ vận chuyển ma túy có số lượng gấp 6 lần con số đó.

Kể từ năm 2016, đã có 6 vụ bắt giữ ma túy lớn ở quần đảo Polynesia thuộc Pháp. Vào năm 2017, một chiếc du thuyền đã bị chặn lại gần New Caledonia với 1.464 tấn cocaine được giấu trong thân tàu, trong khi một chiếc thuyền khác cũng bị phát hiện ở bờ biển phía Đông Australia với hơn 1,4 tấn cocaine trên tàu. Mỗi lô hàng này trị giá hơn 200 triệu USD.

Thiếu tướng Sitiveni Qiliho, Ủy viên cảnh sát Fiji gần đây phải đối phó với hoạt động vận chuyển ma túy trái phép ngày càng gia tăng  

Hệ lụy khó lường

Khu vực này bị cuốn vào đúng tâm bão, khi trữ lượng sản xuất cocaine toàn cầu đang ở mức cao nhất. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ cocaine ở Australia và New Zealand, nơi có tỷ lệ sử dụng cocaine bình quân đầu người cao nhất trên thế giới, đã bùng nổ. Người Australia và người New Zealand cũng trả tiền cho loại ma túy này nhiều hơn so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, làm cho nó trở thành một thị trường sinh lợi đặc biệt.

Ma túy đến Australia thông qua một loạt phương tiện bao gồm tàu chở hàng, tàu du lịch và vận tải hàng không. Hồi tháng 12/2018, một tiếp viên hàng không người Fiji đã bị bắt vì cố nhập khẩu cocaine và vào tháng 3/2019, Cảnh sát Liên bang Australia đã bắt giữ 2 người đàn ông, một nhân viên tại sân bay Sydney vì tham gia đường dây buôn lậu ma túy tổng hợp.

Khi an ninh hàng không bị thắt chặt, việc kiểm soát của hải quan tại các sân bay ở nhiều quốc gia Thái Bình Dương nghiêm ngặt hơn và thực tế là có rất ít chuyến bay trực tiếp giữa Mỹ Latinh tới Australia và New Zealand, các đối tượng chuyển sang vận chuyển ma túy qua đường biển. “Thật không may là Thái Bình Dương trở thành trung tâm của tuyến đường này”, ông Tevita Tupou, quan chức của Tổ chức Hải quan Châu Đại Dương cho biết.

Việc vận chuyển ma túy xuyên quốc gia qua Thái Bình Dương không phải là nguyên nhân duy nhất của vấn đề ma túy nội địa ở Fiji, quan chức cảnh sát Sitiveni Qiliho nói. Ngành công nghiệp du lịch đang bùng nổ và gia tăng sự giàu có ở nước này cũng đóng một phần.

Ian Collingwood, người đã sống phần lớn cuộc đời ở Fiji và rơi vào tình trạng nghiện ma túy tâm sự rằng vấn đề ma túy của quốc gia này không còn có thể gọi là “mới nổi” mà là “có quy mô lớn và sâu rộng”. Ngồi tại một quán cà phê nổi tiếng ở Nadi, ông nói: “Bất kỳ chỗ nào trong vòng 100m bạn đứng cũng có thể mua methamphetamine và cocaine”. Collingwood nói rằng khi có ma túy, bạo lực cũng xuất hiện. “Giống như ở bất kỳ quốc gia khác, những kẻ buôn bán ma túy thường nguy hiểm và tồi tệ. Thời gian gần đây, bọn chúng đã gây ra các vụ bắt cóc, ném vào bụi rậm, đập vỡ xương bánh chè, tạt axit hay giết chết nạn nhân. Trong 1-2 năm qua, tôi đã thấy 6, 7, 8 người chết trong những sự vụ này”, ông nói.

Điều mà quan chức cảnh sát Qiliho lo ngại là người dân bắt đầu giữ lại ma túy để bán. Ông đã nhận được thông tin rằng một số ngư dân giờ không đi biển đánh bắt cá nữa mà thay vào đó là theo đuổi những gói ma túy trôi nổi ở đại dương vì mỗi bánh cũng đáng giá vài nghìn USD.

Một số quốc gia Thái Bình Dương đang bắt đầu chứng kiến nạn nghiện cocaine và methamphetamine nghiêm trọng cũng như tình trạng bạo lực, băng đảng tội phạm và tham nhũng trong giới cảnh sát gia tăng. Ông Brett Kidner, người từng là sĩ quan liên lạc cao cấp cho Cảnh sát Australia  ở khu vực Thái Bình Dương từ năm 2016 đến đầu 2019 cho biết, ban đầu các quốc đảo Thái Bình Dương coi đó là vấn đề riêng của Australia và New Zealand, còn họ chỉ đơn thuần là các điểm trung chuyển. Nhưng cuối cùng, họ bắt đầu thấy tỷ lệ gia tăng đáng kể người sử dụng ma túy trong dân, đặc biệt là ở Fiji, Tonga, Samoa.

Đáng nói, Fiji chưa có cơ quan nào đứng ra thu thập dữ liệu về tình trạng sử dụng hoặc nghiện ma túy, kèm theo đó là không có chuyên gia chăm sóc sức khỏe hay trung tâm cai nghiện. Ian Collingwood cho biết, người ta không nhận thức được rằng nghiện cũng là một căn bệnh. Nếu người nghiện muốn hoặc cần điều trị, họ tới St Giles, bệnh viện tâm thần ở Suva, nơi đã đưa ra báo cáo rằng gần 20% bệnh nhân của họ trong khoảng từ tháng 5/2017 đến tháng 4/2018 được điều trị về lạm dụng chất gây nghiện, chủ yếu là nghiện methamphetamine. “Không ai ở đây mà đã hồi phục. Dù họ có muốn cũng không biết phải làm gì”, ông Collingwood nói.

Ông Brett Kidner, cựu sĩ quan liên lạc cấp cao của Cảnh sát liên bang Australia ở khu vực Thái Bình Dương, nói: “Ác mộng đối với cảnh sát khu vực là mọi người sẽ tiêu thụ ma túy mà không biết nó là thứ gì. Có trường hợp ở Micronesia, cocaine nhặt về được người dân địa phương sử dụng làm bột giặt, cho đến khi họ không thấy có bọt. Mối lo ngại nhất của chúng tôi là người ta nghĩ rằng những gói ma túy này có chứa đường, kem đánh răng hay thực phẩm gì đó như bột nở, và kết quả là các gia đình gánh chịu tác hại không mong muốn. Tại Tahiti năm 2017, một chiếc thuyền chứa đầy cocaine đã phát nổ trên một rạn san hô xa xôi. Vài tuần sau cảnh sát phát hiện người dân trên một hòn đảo gần đó gần như ai cũng nghiện cocaine”.

}
Top