Các địa phương hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
(Chinhphu.vn) - Trước tình hình dịch COVID-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, các địa phương đã đồng loạt hưởng ứng Tháng Hành động bằng cách duy trì các hoạt động ngăn chặn, phòng ngừa HIV/AIDS lây nhiễm trong cộng đồng, cấp phát thuốc, điều trị liên tục cho người nhiễm HIV/AIDS; đồng thời có những sáng kiến mới được áp dụng vào công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Nhân viên Trạm Y tế xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh) lồng ghép hoạt động tuyên truyền HIV/AIDS cho người dân
Chương trình giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV/AIDS đến tuyến huyện, xã, thôn bản
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Tuyên Quang cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, số lũy tích người nhiễm HIV/AIDS được phát hiện trên địa bàn tỉnh là 2.525 người. Trong đó, số mới phát hiện là 2 người, số lũy tích tử vong do AIDS là 865 người. Có 920 bệnh nhân HIV đang được điều trị bằng ARV, trong đó có 32 bệnh nhân mới điều trị. Hiện nay, dịch HIV/AIDS đã xuất hiện ở 7/7 huyện, thành phố; có 129/138 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS.
Bác sỹ Hoàng Thị Tuyết, phụ trách Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, các giải pháp phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh luôn được triển khai đồng bộ. Theo đó, tập trung vào các hoạt động tư vấn, xét nghiệm sàng lọc; điều trị bệnh nhân bằng thuốc kháng virus ARV; triển khai chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con… Trong năm, một số dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực. Có thể kể đến như Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS đã hỗ trợ mua thẻ BHYT cho trên 400 người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo, lao động tự do... Dự án Dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS do AHF tài trợ đã hỗ trợ xét nghiệm đo tải lượng virus cho các điểm xét nghiệm tại huyện Sơn Dương, Yên Sơn, thành phố và Trại giam Quyết Tiến...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng chống HIV/AIDS cũng gặp không ít khó khăn do dịch bệnh. Các nhóm đồng đẳng tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang tạm dừng hoạt động. Vật phẩm cấp phát miễn phí như bơm kim tiêm, bao cao su đã hết. Các nguồn tài trợ cho chương trình can thiệp giảm hại bị cắt giảm. Hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng bị hạn chế...
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngành Y tế tỉnh tiếp tục tăng cường phối hợp tuyên truyền về hiểm họa của đại dịch; thông tin, giáo dục, thay đổi hành vi phòng chống HIV/AIDS trong nhân dân, đặc biệt trong nhóm nguy cơ cao; phát động phong trào phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội gắn với xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư... Ngành cũng tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ chất lượng trong dự phòng lây nhiễm HIV, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Đặc biệt, đẩy mạnh chương trình can thiệp giảm tác hại phòng lây nhiễm HIV/AIDS đến tuyến huyện, xã, thôn bản; duy trì hoạt động của các cơ sở điều trị Methadone; phát huy hiệu quả hoạt động của các nhóm đồng đẳng...
Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ, tốc độ lây lan của dịch HIV/AIDS thời gian qua được kiềm chế đáng kể, số người nhiễm HIV và tử vong do AIDS giảm hàng năm. Qua đó tạo cơ sở và điều kiện để tỉnh hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh.
Triển khai website tự xét nghiệm HIV
Tại Nghệ An, bác sĩ Nguyễn Song Hà, Trưởng Khoa phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2021, qua hoạt động tư vấn xét nghiệm, toàn tỉnh đã phát hiện thêm 222 trường hợp dương tính. Nâng tổng số người nhiễm HIV/AIDS còn sống ở tỉnh lên 6.004 người, trong đó số người đang điều trị HIV bằng thuốc kháng virus (ARV) là 4.715 người. Số người còn lại không điều trị là do đi làm ăn xa, đi điều trị nơi khác và có thể chưa thực hiện điều trị. Nhìn chung, việc tự bảo vệ, bảo vệ cộng đồng vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào chính ý thức người nhiễm. Và còn có những người nhiễm chưa được tiếp cận để đưa vào điều trị.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng phải nói rằng, Nghệ An vẫn đảm bảo khá tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tỉnh vẫn duy trì hoạt động 9/9 phòng xét nghiệm khẳng định HIV trên địa bàn, đảm bảo chất lượng xét nghiệm HIV; đa dạng hóa dịch vụ xét nghiệm HIV tại các cơ sở tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV, các cơ sở y tế, tại cộng đồng, xét nghiệm lưu động tại 21 huyện, thành, thị; tư vấn, chuyển gửi thành công người nhiễm HIV từ cơ sở xét nghiệm đến kết nối điều trị HIV/AIDS… 9 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã tư vấn và xét nghiệm HIV cho 89.944 người.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiếp tục mở rộng các can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, đặc biệt là đối với các nhóm nguy cơ cao và các vùng trọng điểm dịch. Hoạt động truyền thông trực tiếp được thực hiện qua đội ngũ chuyên trách, cộng tác viên, đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, số lượt truyền thông về HIV/AIDS là 14.307 lượt, tổng số lượt người được truyền thông là 191.301.081 lượt. Về hoạt động cung cấp vật dụng can thiệp giảm tác hại trong 9 tháng cả tỉnh đã thực hiện cấp phát cho các nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, MSM, vợ/chồng/bạn tình của người nhiễm nhiều bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn.
Hoạt động điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, duy trì hoạt động tại 12 cơ sở điều trị Methadone và 20 điểm cấp phát thuốc trên địa bàn tỉnh. Tổng số bệnh nhân đang điều trị Methadone là 1.095 người, tổng số bệnh nhân đang điều trị Buprenophine tại 9 cơ sở là 65 người… Hoạt động chăm sóc, điều trị HIV/AIDS tại 21/21 huyện, thành, thị được duy trì ở 25 cơ sở chăm sóc và điều trị, cấp phát thuốc tại xã, phường ở 8 huyện.
Sáng tạo mới của Nghệ An trong bối cảnh dịch COVID-19 là đề xuất, triển khai mô hình xét nghiệm không chuyên qua website. Hệ thống cán bộ y tế giới thiệu website này cho người dân. Người dân thông qua website để đặt lấy test nhanh (nước bọt) về tự xét nghiệm HIV. Test nhanh sẽ được cán bộ y tế Nghệ An gửi phát nhanh về tận địa chỉ người nhận. Sau test nhanh, người tự xét nghiệm chụp hình ảnh gửi lên website và cán bộ y tế sẽ cập nhật, gọi điện tư vấn. Cách làm này sẽ hạn chế được việc tiếp xúc trực tiếp. Sau 10 tháng triển khai, website đã có 1.982 đơn hàng, cho kết quả có 80 test nhanh phản ứng HIV, 78 người được xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV. Tất nhiên, sáng kiến này vẫn có những nhược điểm nhất định khi người ở vùng sâu, vùng xa có hạ tầng thông tin kém vẫn chưa thể tiếp cận.
Trong thời gian nhiều địa phương phải thực hiện phong toả, giãn cách do dịch COVID-19, Nghệ An cũng đã chủ động áp dụng quy định của Bộ Y tế để cấp 3 tháng thuốc điều trị ARV và thuốc điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện. Cán bộ y tế sẵn sàng đến tận nhà đưa thuốc cho người nhiễm, người nghiện… Đối với nhóm MSM, Nghệ An thực hiện tiếp cận thông qua cộng tác viên – đại diện các câu lạc bộ MSM để tuyên truyền, tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ kỹ thuật.
Độ bao phủ PrEP ngày càng rộng
Tính đến quý III năm 2021, lũy tích số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện ở tỉnh Khánh Hòa là 2.636 trường hợp. Lũy tích số người nhiễm HIV/AIDS đã tử vong đến 30/9/2021 của tỉnh là 1.285; 1.351 trường hợp đang còn sống và được quản lý tại các địa phương. Tỷ lệ người nhiễm HIV trong tỉnh chiếm 0,21% dân số (2.636 ca HIV/AIDS so với dân số 1.246.420).
Toàn tỉnh Khánh Hòa có 8/9 huyện, thị xã, thành phố (chiếm 86,3%) với 128/139 xã, phường có người nhiễm HIV/AIDS. Vậy nên công tác bao phủ thuốc ARV trong điều trị là mục tiêu quan trọng.
BS Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa cho biết: PrEP được triển khai mạnh tại thành phố Nha Trang, Khánh Hòa từ cuối năm 2019. Đến nay đã mở rộng bao phủ đến các huyện/thành phố trong tỉnh này như: Cam Ranh, Ninh Hòa… Nhiều người nhiễm HIV tiếp cận điều trị bằng thuốc sức khỏe và đời sống đều ổn định. Phương pháp điều trị cũng như khả năng thích ứng với PrEP của các bệnh nhân đều cho kết quả khả quan. Chính vì thế, thuốc ngày càng được nhiều người lựa chọn. Độ bao phủ PrEP trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng rộng. Hầu hết các nhóm yếu thế và người có nhu cầu đều được tư vấn, tiếp cận và sử dụng.
Để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt kết quả, trong thời gian tới, Khánh Hòa sẽ đa dạng hóa dịch vụ tư vấn, xét nghiệm HIV tại cơ sở y tế, tại cộng đồng và tự xét nghiệm HIV. Đẩy mạnh việc kết nối các dịch vụ, từ dự phòng, tư vấn, xét nghiệm đến điều trị HIV/AIDS và các hỗ trợ xã hội cần thiết khác. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả tới mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, từng gia đình, từng người dân, nhất là thanh, thiếu niên và nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV. Lồng ghép, phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời tỉnh sẽ triển khai rộng rãi, linh hoạt và hiệu quả các giải pháp chuyên môn trong phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường các giải pháp can thiệp giảm tác hại và phòng ngừa lây nhiễm HIV, chú trọng can thiệp cho nhóm đối tượng nguy cơ. Bảo đảm cung ứng kịp thời và đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Tăng cường điều trị bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus (ARV)
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Quảng Ninh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS. Tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông; triển khai tư vấn, xét nghiệm và sàng lọc; điều trị bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus (ARV), góp phần nâng sức khoẻ cho người bệnh, giúp họ giảm kỳ thị và hoà nhập cộng đồng.
Từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hoạt động, truyền thông phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh chủ yếu qua hệ thống loa, đài phát thanh, truyền hình, trang điện tử, fanpage... Theo thống kê của ngành Y tế, toàn tỉnh đã tiến hành 56.505 lượt truyền thông dưới các hình thức, thu hút gần 2 triệu lượt người tham gia.
Các chương trình can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV đối với người nhiễm HIV được các đơn vị, địa phương triển khai bài bản. Hiện 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có mạng lưới cộng tác viên, tuyên truyền viên đồng đẳng tham gia can thiệp giảm tác hại tại cộng đồng; can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm người có nguy cơ cao.
Hoạt động can thiệp giảm tác hại được duy trì và triển khai tại 7 địa bàn trọng điểm gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Đông Triều, Uông Bí, Móng Cái và Quảng Yên, cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao, nghiện chích ma tuý, mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới và nhóm di biến động. Tập trung vào các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi; hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, sử dụng bao cao su đúng cách; vận động, giới thiệu tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ (khám chữa bệnh, tư vấn xét nghiệm tự nguyện...), đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Từ đầu năm đến nay, nhân viên tiếp cận cộng đồng, các cộng tác viên, các phòng tư vấn, cơ sở y tế trong toàn tỉnh đã tiếp cận và cấp gần 440.000 bơm kim tiêm sạch, 227.509 bao cao su cho các đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và nhóm mại dâm.
Quảng Ninh tiếp tục mở rộng độ bao phủ các dịch vụ và nâng cao chất lượng của dịch vụ dự phòng, xét nghiệm HIV, BHYT và điều trị HIV/AIDS đến mọi người dân. Từ đầu năm đến nay, các phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh đã thực hiện 107.846 mẫu xét nghiệm sàng lọc, phát hiện 374 mẫu HIV dương tính; đã làm xét nghiệm PCR chẩn đoán HIV cho 55 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV (trong đó 55 trẻ đều có kết quả xét nghiệm PCR âm tính).
Hiện nay, ngành Y tế Quảng Ninh hiện duy trì hoạt động của 12 phòng khám ngoại trú điều trị ARV, trong đó có 1 phòng khám ngoại trú nhi. Công tác điều trị HIV bằng ARV được thực hiện hiệu quả với 5.100 bệnh nhân; trong đó 5.041 người lớn, 59 trẻ em. Ngoài ra có 126 bệnh nhân điều trị trong trại giam. Quá trình xét nghiệm theo dõi cho thấy tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV có tải lượng HIV thấp dưới ngưỡng ức chế đạt 94% (839/891 mẫu thực hiện). Hiện có 94,8% bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS ở cộng đồng có BHYT và có 2.878 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV từ nguồn BHYT.
Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai ở tất cả các địa phương trong tỉnh, trong đó có 6 cơ sở sản khoa cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Từ năm 2019, Quảng Ninh triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc kháng HIV (PrEP) ở các phòng khám ngoại trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả và Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn cho hơn 158 bệnh nhân.
Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục duy trì điều trị methadone cho 1.009 bệnh nhân tại 5 cơ sở điều trị methadone ở Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn, Đông Triều. Điều trị methadone giúp cho người nghiện ma tuý dạng thuốc phiện không còn dùng chung bơm kim tiêm do tiêm chích ma tuý, góp phần làm giảm sự lây truyền HIV, viêm gan B, viêm gan C và một số bệnh xã hội, cải thiện sức khỏe, tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội được ổn định.
Với những giải pháp đồng bộ triển khai thực hiện thời gian qua, tốc độ lây lan của dịch HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đã được kiềm chế ở mức thấp hơn so với mục tiêu đề ra, số người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS phát hiện hằng năm đều giảm. Vấn đề kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã giảm nhiều so với trước đây...
Giang Oanh