Các nước Tiểu vùng sông Mê Kông hợp tác phòng chống ma túy

10/05/2017 15:05

Sáng 10/5, Hội nghị cấp Bộ trưởng về hợp tác phòng, chống ma túy các nước tiểu vùng sông Mê Kông được khai mạc tại thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia với sự tham dự của 6 nước tiểu vùng sông Mê Kông gồm Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanma, Trung Quốc, Việt Nam và Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC).

Các đại biểu tham dự hội nghị

Đoàn đại biểu Việt Nam do Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an làm Trưởng đoàn.

Hội nghị MOU nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận năm 1993 về hợp tác phòng chống ma túy giữa 6 nước Tiểu vùng sông Mê Kông và UNODC, được tổ chức luân phiên hai năm một lần.

Hội nghị năm nay tập trung kiểm điểm, đánh giá cơ chế hợp tác MOU; thảo luận giải pháp tăng cường hiệu quả điều phối các nỗ lực hợp tác phòng chống ma túy của khu vực; rà soát, đánh giá tình hình, phương thức, thủ đoạn sản xuất, mua bán, vận chuyển và sử dụng trái phép chất ma túy; xây dựng và thống nhất kế hoạch vận động tài trợ cho giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, thông qua đây, các thành viên UNODC thông qua tuyên bố chung cam kết nỗ lực giải quyết hiệu quả vấn đề ma túy trong khu vực và thông qua bản Kế hoạch hành động tiểu vùng lần thứ 10 về phòng chống ma túy giai đoạn 2017-2019 với 4 ưu tiên về lĩnh vực hợp tác về ma túy và chăm sóc sức khỏe, thực thi pháp luật, hợp tác tư pháp và phát triển thay thế bền vững.

Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá tình hình mua bán và vận chuyển ma túy trong khu vực Tiểu vùng sông Mekong rất nguy hiểm, dai dẳng và diễn biến phức tạp. Đáng lo ngại nhất là sản xuất và buôn bán methamphetamine hay (ma túy đá và heroin). Ước tính giá trị mua bán ma túy trong khu vực này lên đến 40 tỷ USD mỗi năm.

Theo báo cáo của các Bộ trưởng cho thấy, việc vận chuyển các loại ma túy bất hợp pháp trong thời gian qua tăng lên tại cả 6 quốc gia. Ở nhiều nơi, các cơ quan chức năng của từng quốc gia không thể đối phó được với tình trạng vận chuyển và mua bán ma túy; ở một số khu vực, hòa bình và an ninh đang bị đe dọa bởi nạn mua bán và vận chuyển ma túy, đặc biệt là ma túy đá.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ke Kim Yan, Phó Thủ tướng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng chống ma túy Campuchia cho rằng, Biên bản ghi nhớ Tiểu vùng khu vực sông Mekong là một nền tảng quan trọng để giải quyết các thách thức về nạn ma túy.

Các đại biểu tham gia hội nghị cũng cho rằng, Khu vực Tiểu vùng sông Mekong là một thị trường ma túy phức tạp và các phương pháp tiếp cận giải quyết trong thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu.

Thay mặt đoàn đại biểu liên ngành Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sơn đã có bài phát biểu nêu bật chủ trương, chính sách cũng như kết quả của Việt Nam trong công tác phòng chống ma túy; đánh giá cao kết quả hợp tác phòng chống ma túy của các nước tiểu vùng trong 25 năm qua, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội tại các nước thành viên, xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giúp ngăn chặn, kiềm chế tốc độ gia tăng và hạn chế thấp nhất hậu quả cho xã hội của tệ nạn ma túy.

Đại diện của Việt Nam cũng khẳng định Việt Nam luôn thực hiện nghiêm túc những cam kết và thỏa thuận đã đạt được, nỗ lực phấn đấu cho các mục tiêu chung của khu vực, vì hòa bình, ổn định, phát triển thịnh vượng và xây dựng một khu vực không có ma túy.

}
Top