Các tuyến trọng điểm về vận chuyển ma túy qua địa bàn hải quan

25/09/2015 16:49

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), trên địa bàn hoạt động của hải quan, tình hình mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy của bọn tội phạm diễn ra phức tạp. Hầu hết tại các tuyến cửa khẩu đường bộ, cảng biển, sân bay quốc tế và bưu điện quốc tế đều phát hiện tội phạm hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới.

Lực lượng hải quan kiểm tra hành lý tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng

Trong nước, trên tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc, tội phạm vận chuyển heroin, các sản phẩm từ cây cần sa từ Việt Nam đi Trung Quốc, vận chuyển ma túy tổng hợp dạng ATS, thuốc gây nghiện, hướng thần từ Trung Quốc về Việt Nam. Các cửa khẩu trọng điểm là: Móng Cái (Quảng Ninh), Hữu Nghị, Tân Thanh (Lạng Sơn), Tà Lùng, Trà Lĩnh (Cao Bằng), Thanh Thủy, Phó Bảng (Hà Giang), Lào Cai, Mường Khương (Lào Cai).

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tội phạm vận chuyển heroin, ma túy tổng hợp, các sản phẩm từ cây cần sa về Việt Nam và vận chuyển, buôn lậu tiền chất từ Việt Nam sang Lào. Các cửa khẩu trọng điểm là: Tây Trang (Điện Biên), Chiềng Khương, Loóng Sập (Sơn La), Na Mèo (Thanh Hóa), Nậm Cắn (Nghệ An), Cầu Trao (Hà Tĩnh), Cha Lo (Quảng Bình), Lao Bảo (Quảng Trị), Bờ Y (Kon Tum).

Trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, tội phạm vận chuyển heroin, cần sa, ma túy tổng hợp về Việt Nam, vận chuyển, buôn lậu tiền chất từ Việt Nam sang Campuchia. Các cửa khẩu trọng điểm là: Xa Mát, Mộc Bài (Tây Ninh), Vĩnh Xương, Tịnh Biên (An Giang), Hà Tiên (Kiên Giang).

Trên tuyến hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh, cửa khẩu trọng điểm là: Sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Bưu điện quốc tế Hà Nội và Bưu cục chuyển phát nhanh TPHCM.

Trên tuyến biển và cảng biển quốc tế, tội phạm vận chuyển cocain, cần sa, tiền chất, ma túy tổng hợp, heroin theo cả 2 chiều từ nước ngoài vào Việt Nam và từ Việt Nam đi các nước, đặc biệt là đi Australia, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc… Địa bàn trọng điểm là: Các cảng biển khu vực TPHCM, Hải Phòng, vùng biển Quảng Ninh trên vịnh Bắc Bộ, vùng biển Kiên Giang trên vịnh Thái Lan.

Các đối tượng cầm đầu là tội phạm ma túy có tổ chức chặt chẽ, hoạt động chuyên nghiệp là người nước ngoài cấu kết với tội phạm là người Việt Nam trực tiếp điều hành hoạt động hoặc cung cấp tài chính, nguồn hàng và giấu mặt không bộc lộ hoạt động và sử dụng phương thức thuê những người nghiện ma túy, cư dân khu vực biên giới, những người gặp khó khăn về kinh tế, dân tộc thiểu số, dân trí thấp tham gia vận chuyển hoặc những người bị bọn tội phạm chuyên nghiệp lôi kéo, lợi dụng và con đường phạm tội.

Trên tuyến hàng không nổi lên các đối tượng người Châu Phi, Nam Mỹ, Thái Lan, Việt Nam. Nhất là các đối tượng thường xuyên bay không rõ lý do, không nghề nghiệp cụ thể nhưng đi lại, du lịch hoặc thăm thân nhiều.

Theo ông Nguyễn Phi Hùng, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, tội phạm ma túy triệt để lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi của nhà nước trong thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như: Khai báo không đúng với thực tế hàng hóa, khai báo sai tên hàng, số lượng, chủng loại; lợi dụng chính sách doanh nghiệp ưu tiên trong thông quan điện tử để trà trộn, cất giấu ma túy vào hành hóa xuất nhập khẩu; cất giấu trong người, phương tiện, hành lý xuất nhập cảnh; pha, tẩm tiền chất và ma túy vào các loại đồ uống, hóa mỹ phẩm, nước hoa, các loại thực phẩm phổ biến như bánh kẹo, thuốc lá, chè khô, cà phê, mắm tôm, dầu gió và các loại bột; gia cố cất giấu giữa các cạnh, vách thùng đựng hàng hóa; cất giấu trong gỗ, khung xe đạp, phụ tùng ô tô, tượng, tranh sơn dầu, loa thùng, túi xách thiết kế 2 đáy…

Đáng chú ý, thời gian gần đây, các đối tượng sử dụng Việt Nam là địa bàn trung chuyển ma túy ngày càng gia tăng. Nguyên nhân một phần lợi dụng sự thuận lợi trong hoạt động xuất, nhập cảnh của Việt Nam. Bên cạnh đó, sau khi trung chuyển qua Việt Nam, các đối tượng sẽ che giấu được nguồn gốc của lô hàng, người có giấu ma túy từ đó tránh được sự kiểm soát chặt chẽ tại nước nhập khẩu, nhập cảnh. Luồng hàng chủ yếu là cocain từ Nam Mỹ, methaphetamine từ Trung Quốc, heroin từ khu vực Tam giác vàng, Trăng lưỡi liềm đỏ qua Việt Nam sau đó tiếp tục chuyển đến Australia, Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Singapore..

Điển hình là chuyên án UPS-155 trong tháng 5/2015 do Cục Điều tra chống buôn lậu xác lập phối hợp với C47, PC47 Hà Nội và Hải quan Hồng Kông đã bắt giữ 62,3 kg cocain và 3 đối tượng người nước ngoài. Các đối tượng đã thuê một công ty là dịch vụ hải quan ở Việt Nam sau đó chuyển nguyên trạng hoặc gia công, đóng bì lại hàng hóa để chuyển sang Hồng Kông và có thể cả Nhật Bản để tiêu thụ. Hoạt động theo cách thức này tương đối an toàn, các đối tượng ít phải lộ mặt và che giấu được nguồn gốc của lô hàng có chứa ma túy.

Theo đại diện Cảnh sát liên bang Australia tại Việt Nam cung cấp, chỉ tính riêng từ tháng 1 đến tháng 12/2013 có 113 vụ vận chuyển ma túy, tiền chất từ Việt Nam sang bị hải quan và biên phòng Úc bắt giữ. Thông tin do Hải quan Úc cung cấp thì từ tháng 1/2014 đến tháng 10/2014, phía bạn đã bắt giữ 70 vụ vận chuyển ma túy, tiền chất từ Việt Nam sang.

Trước tình hình đó, Tổng cục Hải quan đã xây dựng bộ máy chuyên trách phòng, chống ma túy của ngành Hải quan theo 3 cấp, triển khai tại các địa bàn trọng điểm; đào tạo nghiệp vụ kiểm soát ma túy; trang bị các phương tiện phục vụ kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh để phát hiện ma túy tương đối hiện đại; phối hợp với các cơ quan, lực lượng trong nước trong phòng chống ma túy, hợp tác quốc tế phòng, chống ma túy.

Nhờ thực hiện những giải pháp trên, cho đến nay cơ quan hải quan các cấp đã có điều kiện và khả năng để phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện và bắt giữ tội phạm ma túy thông qua thủ tục hải quan, tuần tra, kiểm soát và xác lập các chuyên án đấu tranh có hiệu quả trong các địa bàn hoạt động hải quan. Nhiều đơn vị đã đạt được thành tích cao trong công tác phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy như: Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Điện Biên, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Tây Ninh.

Năm 2011, lực lượng hải quan phối hợp phát hiện và bắt giữ 76 vụ, 109 đối tượng. Năm 2012: 71 vụ, 89 đối tượng. Năm 2013: 84 vụ, 117 đối tượng. Năm 2014: 114 vụ, 155 đối tượng. Năm 2015 (từ tháng 1 đến hết tháng 5/2015): 34 vụ, 35 đối tượng.

Loại ma túy phổ biến nhất là heroin, tiếp đó là ma túy tổng hợp dạng ATS, các sản phẩm từ cây cần sa, cocain, thuốc phiện, các loại thuốc gây nghiện, hướng thần…

}
Top