Cái kết đắng cho cô giáo tiểu học bỏ nghề đi buôn ma túy

23/04/2018 08:21

Về thành phố, đối diện với cơm áo gạo tiền, những đắng cay của cuộc sống khiến cho Nguyễn Thị Hằng, SN 1971, quê ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An, cô giáo vùng núi năm nào trở thành một con người khác. Để rồi, khi nhận bản án chung thân liên quan đến ma túy, Hằng đã mất tất cả, gia đình tan nát, sự nghiệp tiêu tan...

Cô giáo bản với những vết trượt dài...

Theo lời phạm nhân Nguyễn Thị Hằng thì trước khi xảy ra những bi kịch cuộc đời mình, cô từng là một cô giáo dạy tiểu học. Là cô gái thành phố, công tác tại huyện miền núi, nhưng Hằng bảo rằng đó là những ngày tháng vui vẻ, ý nghĩa của cuộc đời mình. Dù công tác ở vùng núi khó khăn, nhưng hàng ngày, Hằng được dạy chữ cho những đứa trẻ trong bản. Những ánh mắt ngây thơ ấy cứ cuốn hút cô vào những bài giảng của thời điểm ấy.

Công việc ổn định, Hằng lấy chồng, một anh chàng sống bằng nghề buôn bán, nhà cũng ở TP Vinh. Chồng buôn bán hay phải đi xa, Hằng thì vốn là cô giáo cắm bản nên thời gian dành cho gia đình vốn đã ít nay lại càng hạn chế. Đứa con trai chào đời là một thách thức lớn đối với một cô giáo tiểu học, cắm bản như Hằng. Trước công danh sự nghiệp, trước hạnh phúc gia đình và cả đứa con bé bỏng cần sự quan tâm chăm sóc của mẹ, buộc Hằng phải có một sự lựa chọn. Cô bảo nghĩ lại ngày đó, cô không hiểu tại sao lại hiền lành đến vậy.

Mặc dù, những đồng nghiệp cũng có nhiều khó khăn như Hằng, nhưng những cô giáo ấy vẫn cắm bản, cắm lớp. Còn Hằng, trước những lời căn vặn của gia đình và những lời bóng gió đầy dỗi hờn của chồng, cộng thêm sự không dứt khoát của Hằng nên cô đã tặc lưỡi. Hằng bỏ lớp, bỏ trường, bỏ những em nhỏ ở vùng cao để về TP Vinh sống cùng gia đình.

Hằng bảo, những ngày đầu nghỉ lớp, cô nhớ quay quắt những đứa trẻ, nhớ những cặp mắt ngây thơ của học trò, nhớ cả những bài giảng đầu tiên cho các con. Nhưng rồi, thực tế cuộc sống, Hằng phải bươn chải để kiếm tiền, gánh vác cùng chồng. Cô bắt đầu ra chợ Vinh tiếp cận và học buôn bán. Đáng lẽ, thấy được sự cố gắng và thay đổi của Hằng, người chồng phải quan tâm động viên, cổ vũ tinh thần để vợ có thể tự tin vững bước trong cuộc sống.

Thế nhưng, cuộc sống của Hằng lại không được hạnh phúc ấy. Cũng theo lời Hằng thì mỗi lần bị thâm hụt vốn, cô lại bị chồng chê bai, thậm chí đưa ra những lời nói cay độc. Nhiều lúc mệt mỏi, Hằng cũng thấy nản nhưng cô làm gì còn đường lui khi mà ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng có ai giúp cô ngoài 3 đứa con nhỏ với một ít tiền mà hàng tháng anh chồng đưa cho.

Rồi khó khăn một lần nữa lại ập đến trong ngôi nhà của Hằng khi một ngày “giông bão” ấy, Hằng phát hiện chồng mình nghiện ma túy. Hằng biết điều đó qua trực giác của một người vợ và qua việc số tài sản trong nhà cứ ngày một biến mất một cách khó hiểu. Bàng hoàng và hụt hẫng, Hằng chưa biết sẽ phải làm thế nào để cáng đáng chuyện gia đình thì có người thì thầm vào tai cô, hứa sẽ trả công hậu hĩnh nếu Hằng dắt mối để họ mua ma túy. Nghĩ lại cảnh nhà, nghĩ đến số tiền hàng ngày anh chồng ném vào làn khói trắng trong khi công việc buôn bán của Hằng ở chợ chẳng đáng là bao, Hằng thấy tâm trí rối bời.

Cô đủ nhận thức để hiểu rằng dính vào việc mua bán ma túy, tất sẽ có ngày phải vào trại giam nhưng nếu không làm thì tài sản bao năm vợ chồng tích lũy được rồi cũng bị anh chồng ném vào nghiện ngập hết. Nhìn trước thấy cảnh gia đình đứng bên bờ vực thẳm, cân nhắc, phân vân, cuối cùng Hằng nhận lời với điều kiện chỉ làm trung gian giới thiệu người mua với kẻ bán, còn Hằng sẽ không dính dáng gì tới việc cầm ma túy hay vận chuyển. Nhận bản án chung thân về tội mua bán trái phép chất ma túy, người phụ nữ ấy như chết lặng. “Lúc ấy, vì kém hiểu biết pháp luật, tôi chỉ nghĩ mình làm trung gian mua bán, không trực tiếp cầm vào hàng thì khó lòng bị phát hiện. Nào ngờ, hành vi ấy của tôi đã tiếp tay, đẩy biết bao gia đình rơi vào bi kịch. Để rồi đây, chính tôi cũng phải trả bản án quá đắt về hành vi của mình...”, phạm nhân Nguyễn Thị Hằng tâm sự.

Một lớp học mà phạm nhân Nguyễn Thị Hằng tham gia giảng dạy

Niềm hy vọng còn đọng lại...

Sau một thời gian ở trại tạm giam, Hằng được chuyển về trại giam số 5 Bộ Công an cải tạo bản án chung thân, Hằng choáng váng song cú sốc lớn nhất đối với cô chính là cái chết của đứa con trai lớn. Theo lời Hằng, cô có 4 đứa con nhưng giờ chỉ còn 3 đứa. Đứa con trai lớn mà vì nó, Hằng đã bỏ việc để ở nhà chăm con, không may thiệt mạng trong một lần tham gia giao thông. Hằng đau nỗi đau bản thân tù tội thì ít mà xót xa cho đứa con yểu mệnh của mình thì nhiều. Đã rất nhiều đêm, nghĩ tới con, Hằng trằn trọc không sao ngủ được, nước mắt ướt đầm gối. Hằng bảo trong số bốn người con, Hằng thương con trai út nhất nhưng đứa con trai lớn lại là người mà Hằng có rất nhiều kỷ niệm.

“Giờ đây, sau 12 năm thụ án, gia cảnh của tôi có nhiều thay đổi, hai đứa con gái đã lập gia đình, cuộc sống cũng tạm ổn định. Tuy nhiên, tôi lăn tăn nhất là đứa con trai út. Lúc tôi vướng vào lao lý, cháu nó mới đang học lớp 7. Thế nhưng vì hụt hẫng chuyện bố vào trung tâm cai nghiện, còn mẹ đi tù nên nó đã bỏ học. Dù được các chị động viên, nhưng nó một mực không đến trường.

Nhiều đêm, cứ nghĩ lỗi con thất học là do mình không bản lĩnh mà lòng tôi trĩu nặng. Không biết bao nhiêu đêm, khi đối diện với bốn bức tường giam, tôi âm thầm khóc. Nhưng giờ cháu nó đã trở thành một thanh niên trưởng thành, tuy công việc còn rất lông bông nhưng tôi tin cháu sẽ không hư hỏng ..”, phạm nhân Nguyễn Thị Hằng chia sẻ.

Vào trại giam với những ưu phiền của cuộc sống, phạm nhân Nguyễn Thị Hằng nhiều lúc tưởng chừng như không thể đứng vững. Thế nhưng, chính những lúc cùng cực ấy, cô lại được những cán bộ quản giáo của trại giam quan tâm, chia sẻ. Nắm được tâm tư của Hằng, ngoài giờ lao động, cán bộ còn tạo điều kiện cho cô tham gia vào đội văn nghệ. Bởi trước đây, khi ở trường, Hằng cũng đã tham gia nhiều hoạt động bề nổi của điểm trường mình công tác. Vì vậy, khi ở trong trại giam được tham gia vào đội văn nghệ, được cất cao giọng hát trên sân khấu, cô thấy lòng nhẹ nhàng hơn và cũng vì thế, những ưu phiền của cuộc sống cũng vơi bớt.

Ở trại, Hằng đã được cán bộ tạo điều kiện, tin tưởng giao cho việc xóa mù chữ cho những phạm nhân chưa biết đọc, biết viết. Lại được dạy học, Hằng rất vui mừng, mặc dù dạy người lớn khác nhiều so với dạy trẻ con. Theo lời Hằng thì điều khó khăn nhất trong việc xóa mù ở trại là các phạm nhân mù chữ hầu hết là những người dân tộc thiểu số, không biết tiếng Kinh. Sự khác nhau về tiếng nói cũng là một khó khăn, nhưng dường như cái nghiệp vụ sư phạm trong cô vẫn còn rất nhiều.

Vì vậy, không những giảng trên lớp, về buồng giam, chị em nào chăm học, Hằng vẫn dạy. Phạm nhân Nguyễn Thị Hằng bảo rằng, chính những bài giảng ấy đã tiếp thêm động lực và thúc đẩy cô sống vui vẻ và cải tạo tốt trong trại giam. “12 năm sống trong trại giam và ngày về của tôi cũng còn xa lắm. Nhưng khi được tiếp thêm động lực, tôi tin những khó khăn trước mắt của mình sẽ dần qua nhanh và như vậy cơ hội được trở về bù đắp cho các con có lẽ cũng rất gần...”, nói rồi phạm nhân Nguyễn Thị Hằng đưa đôi mắt hướng về phía trời xa.

}
Top