Phòng, chống AIDS: Bối cảnh mới cần có ứng phó mới

30/06/2022 14:44

(Chinhphu.vn) - Chúng ta cần cung cấp nguồn lực đầy đủ và duy trì bền vững để ứng phó, chữa trị, ngặn chặn dịch HIV/AIDS.

Cần các nguồn lực để đẩy nhanh hoạt động phòng, chống AIDS - Ảnh 1.

Việt Nam đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng chống HIV để ngăn tình trạng nhiễm mới HIV cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao

Gia tăng số nhiễm HIV mới

Trong Hội thảo "Đại biểu dân cử với việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội" tổ chức ngày 29/6, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đỗ Thị Lan cho biết, công tác phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Luật Phòng, chống HIV/AIDS và Luật Phòng, chống ma túy đã được sửa đổi, bổ sung nhằm tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực này. Các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố đã tập trung triển khai thực hiện luật, nhiều giải pháp về phòng, chống AIDS và tệ nạn xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực...

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập. Tình hình dịch HIV/AIDS tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng số nhiễm mới, đặc biệt các tỉnh, thành phố lớn, khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm và nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới vẫn cao. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Kết quả đấu tranh với các loại tội phạm về ma túy còn chưa tương xứng với tình hình hoạt động của tội phạm về ma túy hiện nay. Số người sử dụng chất ma túy, chưa xác định tình trạng nghiện, chưa cai nghiện còn cao. Tệ nạn xã hội qua không gian mạng có chiều hướng gia tăng như đánh bạc, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hoạt động môi giới mại dâm sử dụng công nghệ... Thực trạng này đòi hỏi cần có cơ sở pháp lý và giải pháp phòng, chống phù hợp hơn.

Về tình hình HIV của Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS - Bộ Y tế Phạm Đức Mạnh cho biết, tính đến năm 2021, số người nhiễm HIV toàn quốc là 242 nghìn người, số người tử vong do nhiễm HIV năm 2021 là 583 người; số người phát hiện nhiễm 6 tháng đầu năm 2022 là 3.884 người. Tỉ lệ mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ. Đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn và tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các năm, trở thành đường lây chính. Trong đó, tỷ lệ nhiễm HIV tăng rất nhanh trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới.

Cố vấn chương trình Quinten Lataire, Cơ quan phòng, chống AIDS của Liên Hợp Quốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS toàn cầu giai đoạn 2021-2026 ưu tiên 3 chiến lược. Đó là tối đa hóa tiếp cận công bằng và bình đẳng tới các dịch vụ và giải pháp phòng, chống HIV. Xóa bỏ các rào cản để đạt được kết quả mong đợi trong phòng, chống HIV/AIDS. Cung cấp nguồn lực đầy đủ và duy trì bền vững các đáp ứng có hiệu suất cao với HIV, lồng ghép HIV vào các hệ thống chung về y tế, bảo trợ xã hội, đáp ứng nhân đạo và với các đại dịch khác…

Cần các nguồn lực để đẩy nhanh hoạt động phòng, chống AIDS 

Việt Nam đã trải qua 30 năm thực sự đối phó với dịch HIV/AIDS. Hơn 10 năm qua, Việt Nam liên tục đạt mục tiêu "3 giảm", đó là giảm số người mới phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Theo tính toán của các chuyên gia, chúng ta đã tránh cho hơn nửa triệu người không bị nhiễm HIV, gần 200 nghìn người thoát khỏi tử vong do AIDS. Có được những thành tựu này là nhờ thực hiện tốt 2 Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn vừa qua.

Tuy nhiên, việc gia tăng các ca nhiễm mới trong thời gian gần đây, gia tăng nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nam, người chuyển giới… thì chúng ta cần các giải pháp mới để phù hợp tình hình mới.

Theo các chuyên gia, để giải quyết vấn đề trên, Việt Nam cần tổng thể các nguồn lực, nguồn lực về con người, về thiết bị, về tài chính... Đó là tiếp dục đẩy mạnh các biện pháp giảm kỳ thị phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; tăng cường các biện pháp điều trị nghiện ma túy trong can thiệp giảm hại; triển khai biện pháp mới dự phòng trước phơi nhiễm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao (PrEP); bổ sung các loại hình xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm, xét nghiệm cho bạn tình, bạn chích của người nhiễm HIV để tăng cường phát hiện mới người nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, mở rộng điều trị, điều trị ngay cho người nhiễm HIV, điều trị trong ngày, cấp phát thuốc nhiều tháng, điều trị đồng nhiễm lao, viêm gan, các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục, đảm bảo chất lượng điều trị HIV/AIDS...

Đồng thời bổ sung các biện pháp giám sát dịch HIV/AIDS dựa vào ca bệnh, theo dõi liên tục người nhiễm từ khi xét nghiệm chẩn đoán đến khi người nhiễm được điều trị ổn định và theo dõi đến khi một người tử vong (nếu xảy ra), xác định các trường hợp mới nhiễm HIV để đưa ra các đáp ứng y tế công cộng kịp thời.

Đặc biệt các giải pháp đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống HIV/AIDS, tăng cường huy động nguồn lực trong nước, đặc biệt là vai trò của ngân sách địa phương và bảo hiểm y tế.

Như vậy, trong Chiến lược này mục tiêu kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 là khá thách thức đối với Việt Nam, tuy nhiên các chuyên gia và các nhà chuyên môn cũng đã đưa ra các giải pháp mang tính kỹ thuật như tăng cường truyền thông; đổi mới giám sát dịch; chính sách tài chính bền vững; tăng cường sự chủ động và đầu tư từ các nguồn ngân sách địa phương. Việc chung tay của toàn xã hội, cộng đồng và nâng cao nhận thức của người dân cũng là giải pháp góp phần cho việc thực hiện đạt được mục tiêu chấm dứt AIDS vào năm 2030 của Việt Nam.

Giang Oanh

}
Top