Cần có bộ tiêu chí mới để phân loại địa bàn trọng điểm, không ma túy

03/07/2025 14:34

(Chinhphu.vn) - Trong bối cảnh tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy ngày càng phức tạp, lan rộng và có xu hướng trẻ hóa, việc ban hành Bộ tiêu chí xác định tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy là yêu cầu cấp thiết, nhằm triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, bảo đảm thống nhất, xuyên suốt và bền vững trong công tác phòng, chống ma túy tại các địa phương.

Cần có bộ tiêu chí mới để phân loại địa bàn trọng điểm, không ma túy- Ảnh 1.

Lực lượng Công an và Bộ đội biên phòng tuần tra khu vực biên giới - Ảnh: BCA

Theo số liệu từ Bộ Công an, tính đến ngày 15/4/2025, toàn quốc có trên 223.700 người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy và người bị quản lý sau cai nghiện ma túy, chiếm 0,23% dân số cả nước. Trong đó, có trên 39.400 người sử dụng trái phép chất ma túy; 166.698 người nghiện ma túy và 17.586 người bị quản lý sau cai nghiện. Đáng chú ý, có trên 1.450 trường hợp có biểu hiện loạn thần, “ngáo đá”, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an ninh, trật tự.

Đặc biệt, tỷ lệ người nghiện, người sử dụng ma túy là nam giới chiếm đến 92,27%; nữ giới chiếm 5,1%; còn lại là thanh niên và trẻ vị thành niên – cho thấy xu hướng ngày càng trẻ hóa trong tệ nạn ma túy. Độ tuổi từ 18-30 có tới trên 73.150 người (35,5%) và từ 12 đến dưới 18 tuổi cũng có tới hơn 3.000 người.

Trong tổng số người sử dụng ma túy, có tới 98,3% có nơi cư trú ổn định, nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ (1,7%) không có nơi cư trú, khiến công tác quản lý, giám sát gặp khó khăn. Đặc biệt, khoảng 43.470 người có tiền sự và gần 42.800 người có tiền án, cho thấy ma túy đang là nguồn khởi phát và là yếu tố thúc đẩy nhiều loại tội phạm khác.

Hiện nay, cả nước còn 99 điểm phức tạp về ma túy,trên  2.590 điểm có nguy cơ phức tạp, cùng gần 3.700 đối tượng bán lẻ trái phép chất ma túy. Khoảng 50% người nghiện, người sử dụng ma túy đang sinh sống trong cộng đồng – đây được coi là nguồn “đầu vào” của nhiều loại tội phạm, đặt ra áp lực rất lớn cho các địa phương trong việc đảm bảo an ninh, trật tự.

Ma túy tổng hợp chiếm khoảng 60% trong số người nghiện, người sử dụng, và tình trạng sử dụng nhiều loại ma túy cùng lúc ngày càng phổ biến, khiến hậu quả nghiêm trọng hơn, khó kiểm soát hơn.

Tại các thành phố lớn, tình trạng tổ chức, lôi kéo, cưỡng bức người khác sử dụng ma túy tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, karaoke... đang có chiều hướng gia tăng, dẫn đến sự hình thành các điểm nóng về ma túy trong nội đô và vùng ven đô.

Hiện nay, các tiêu chí xác định tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy vẫn đang được áp dụng theo Quyết định số 3122/QĐ-BCA ngày 9/8/2010 của Bộ Công an, được xây dựng cho giai đoạn 2011–2015. Tuy nhiên, sau hơn một thập kỷ, tình hình tội phạm ma túy đã thay đổi nhanh chóng về quy mô, tính chất, phương thức hoạt động và mức độ nguy hiểm.

Trong bối cảnh đó, việc ban hành Bộ tiêu chí mới là rất cần thiết để thay thế hệ thống cũ không còn phù hợp. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để phân loại chính xác các địa bàn trọng điểm, phức tạp, xác định rõ địa bàn an toàn và địa bàn không ma túy, từ đó tập trung nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, kém hiệu quả.

Bộ tiêu chí mới cũng sẽ giúp các địa phương xây dựng kế hoạch phòng ngừa và đấu tranh phù hợp, góp phần thống nhất trong chỉ đạo chuyển hóa địa bàn, ngăn chặn sự gia tăng người nghiện, triệt xóa các tụ điểm phức tạp, bóc gỡ hiệu quả các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy.

Hơn nữa, thực hiện Nghị quyết số 163/2024/QH15 ngày 27/11/2024 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 13/3/2025 triển khai chương trình và giao nhiệm vụ xây dựng, ban hành Bộ tiêu chí xác định tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, địa bàn không ma túy.

Đây là bước đi quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 50% số xã, phường không có tệ nạn ma túy, giảm mạnh số người nghiện, hạn chế phát sinh tội phạm ma túy, từng bước đẩy lùi hiểm họa ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Bộ tiêu chí mới còn là công cụ quan trọng để đánh giá hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của chính quyền địa phương các cấp, thúc đẩy sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của nhân dân, tổ chức xã hội và toàn cộng đồng trong xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, không ma túy.

Trong bối cảnh ma túy ngày càng biến tướng tinh vi, xâm nhập sâu vào đời sống xã hội, việc xây dựng công cụ đánh giá đúng thực trạng để đưa ra giải pháp phù hợp là yếu tố then chốt. Việc ban hành Bộ tiêu chí xác định tuyến, địa bàn trọng điểm phức tạp về ma túy, địa bàn không ma túy là có ý nghĩa thiết thực và cấp bách để chuyển hóa vấn nạn này.

T.Giang

}
Top