Cần đánh giá thực trạng cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng

09/12/2020 15:52

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị giữ biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng, song Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhận thấy, trong thời gian qua, việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở đa số địa phương hiệu quả thấp; đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thực trạng công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng.

Sáng 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành phiên họp thường kỳ tháng 12/2020. UBTVQH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh trình bày báo cáo về tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống ma tuý (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 và được các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ với 102 lượt ý kiến, thảo luận tại Hội trường với 26 lượt ý kiến, 03 ý kiến tranh luận và 03 ý kiến bằng văn bản. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết, quan điểm xây dựng và nội dung chủ yếu của dự thảo Luật.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, trên cơ sở nhận định việc phối hợp giữa các lực lượng chuyên trách phòng, chống ma túy sẽ làm tăng thêm sức mạnh và tính minh bạch trong công tác này. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban dự kiến chỉnh lý dự thảo theo hướng nêu rõ các cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy cho đầy đủ, giữ nguyên tắc chủ trì, phối hợp giữa các cơ quan trong hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy như luật hiện hành và không quy định cụ thể các hoạt động nghiệp vụ để phát hiện tội phạm về ma túy.

Về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng tình với việc bổ sung chương về quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, một số ý kiến băn khoăn về quy định thời hạn quản lý được xác định căn cứ vào độ tuổi; căn cứ yêu cầu xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể trong thời hạn quản lý; trách nhiệm tự khai báo về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy của người sử dụng trái phép chất ma túy, trách nhiệm của gia đình người sử dụng trái phép chất ma túy.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo được chỉnh lý theo hướng: quy định thời hạn quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy là 12 tháng mà không phân biệt độ tuổi; bổ sung quy định làm rõ căn cứ và cơ sở thực hiện các nội dung quản lý đối với người sử dụng trái phép chất ma túy để tránh quy định một cách tùy nghi và bảo đảm tính khả thi.

Về cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng, bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, có ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, thời gian qua, công tác cai nguyện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng còn bất cập, không hiệu quả mà còn làm gia tăng tình trạng nghiện ma túy và buôn bán ma túy; có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị cân nhắc việc duy trì biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng vì không thực hiện được trên thực tế và không hiệu quả; nhưng đồng thời có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị duy trì hình thức cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình và cộng đồng và bổ sung thêm quy định để bảo đảm tính hiệu quả của loại hình cai nghiện ma túy này; có ý kiến đề nghị chỉ áp dụng quản lý, hỗ trợ ở gia đình, cộng đồng khi họ thực hiện xong cai nghiện ma túy trở về để nhằm giúp họ hòa nhập với cộng đồng và phòng ngừa tái nghiện.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị giữ biện pháp cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng vì thực tế hiện nay vẫn còn một số địa phương tổ chức loại hình cai nghiện ma túy này; phù hợp với chủ trương đa dạng hóa các hình thức cai nghiện, đồng thời huy động sự tham gia của cộng đồng và trách nhiệm của gia đình đối với người nghiện ma túy.

Thường trực Ủy ban nhận thấy, trong thời gian qua, việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng ở đa số địa phương hiệu quả thấp vì: người nghiện ma túy không thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ khi tự nguyện thực hiện cai nghiện; điều kiện và khả năng của chính quyền cơ sở về địa điểm và nguồn nhân lực, kinh phí để tổ chức cai nghiện còn nhiều khó khăn; và số lượng người cai nghiện tại gia đình, cộng đồng giảm mạnh từ năm 2014 đến nay, chỉ còn 6/63 tỉnh, thành phố tổ chức cai nghiện cho 4.320 lượt người và chủ yếu chỉ dừng ở khâu cắt cơn.

Do nội dung này, ý kiến còn rất khác nhau, Thường trực Ủy ban đề nghị Chính phủ có báo cáo đánh giá thực trạng công tác cai nghiện tự nguyện tại gia đình, cộng đồng từ đó chỉ ra nguyên nhân dẫn đến không hiệu quả và đưa ra giải pháp khắc phục và đề xuất các quy định cụ thể để bảo đảm việc thực hiện, áp dụng pháp luật thống nhất, hiệu quả.

}
Top