Cần giải pháp căn cơ để ngăn chặn tội phạm ma túy
(Chinhphu.vn) - Các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan làm rõ, đánh giá đầy đủ hơn một số loại tội phạm có xu hướng tăng cao trong thời gian qua; đồng thời có giải pháp phòng ngừa xử lý hiệu quả, nhất là tội phạm về ma túy, tội phạm do người nghiện ma túy và người mắc bệnh tâm thần gây ra.
Tội phạm gia tăng gây bất an cho xã hội
Chiều 21/11, thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Thông - đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cùng nhiều đại biểu cho rằng cần có giải pháp căn cơ ngăn chặn tội phạm ma túy.
Qua nghiên cứu Báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023 của Chính phủ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Thông đánh giá cao việc Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp.
Tuy nhiên nhìn chung, thực trạng tội phạm vẫn đang gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại về tài sản, trong đó tội phạm về ma túy là vấn đề mà cử tri và nhân dân là hết sức quan tâm.
Cho rằng tội phạm ma túy đang diễn biến hết sức phức tạp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông dẫn chứng, tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy, nhất là ma túy tổng hợp tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện dịch vụ lưu trú diễn ra ở nhiều địa phương, xuất hiện một số loại ma túy, hình thức núp bóng dưới thuốc lá điện tử, đồ uống, thực phẩm đã gây tác hại nhiều mặt đến người sử dụng, nhất là thanh thiếu niên.
Từ thực trạng này, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần đánh giá và đề ra những giải pháp căn cơ để giải quyết, ngăn chặn loại tội phạm này trong thời gian tới.
Theo đại biểu Lê Hữu Trí (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa), qua các báo cáo cho thấy, các tội phạm trên các lĩnh vực tiếp tục gia tăng, toàn quốc xảy ra 48.100 vụ phạm tội và trật tự xã hội, tăng 18%. Trong đó, các loại tội phạm nguy hiểm tăng mạnh như: Tội phạm giết người, cướp tài sản, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tội phạm xâm hại trẻ em; tội phạm cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự gây rối trật tự công cộng; tội phạm ma túy ngày càng tăng cao và nguy hiểm hơn...
Đại biểu Lê Hữu Trí cho biết, vẫn còn những băn khoăn, lo lắng trước hạn chế, sai sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng của các cơ quan thực thi pháp luật, như vấn đề oan sai, truy tố thiếu căn cứ, sai tội danh, sai khung hình phạt… Vì vậy, đại biểu đề nghị những hạn chế, sai sót, vi phạm về nghiệp vụ cần sớm được khắc phục nhằm tránh các trường hợp bị khởi tố oan sai danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân hoặc bỏ sót tội phạm.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) bày tỏ lo ngại khi các loại hình tội phạm giảm không nhiều, có loại hình tăng. Loại tội phạm phát sinh mới như bắt cóc trẻ em ở nhà trẻ đòi tiền chuộc gây tâm lý lo sợ cho phụ huynh... Điều này thể hiện sự hạn chế nhất định trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm trên một số lĩnh vực.
Từ những thực tế trên, đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị, Chính phủ và các ngành chức năng có đánh giá thật kỹ lưỡng, khách quan, cầu thị về thực trạng. Đồng thời tìm nguyên nhân để có biện pháp khắc phục hữu hiệu - nhất là các vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân.
Cùng chung nhận định trên, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) đề nghị các báo cáo của Chính phủ và các cơ quan Tư pháp cần tập trung làm rõ và cụ thể hơn về kết quả, hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trong đó có các nội dung, có chỉ tiêu nhiệm vụ không đạt theo Nghị quyết số 96 và Nghị quyết số 76 của Quốc hội.
Đồng thời, đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan làm rõ, đánh giá đầy đủ hơn một số loại tội phạm có xu hướng tăng cao trong thời gian qua; giải pháp phòng ngừa xử lý hiệu quả, nhất là tội phạm về ma túy tội phạm do người nghiện ma túy và người mắc bệnh tâm thần gây ra. Làm rõ các giải pháp phòng ngừa đấu tranh triệt phá các loại tội phạm có các hình thức biến tướng mới như núp bóng công ty luật, công ty tài chính để đòi nợ thuê, tội phạm về tín dụng đen và các tội phạm trên không gian mạng...
Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật
Trước diễn biến tình hình tội phạm có xu hướng gia tăng, phức tạp đại biểu Phạm Đình Thanh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) đề nghị, tập trung thực hiện tốt công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của các đối tượng, nhất là tội phạm ma túy. Trong đó Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các cấp chính quyền phải thực sự vào cuộc cùng với cơ quan bảo vệ pháp luật tổ chức thực hiện hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đấu tranh, phòng ngừa và xử lý tội phạm.
Trong phòng ngừa tội phạm, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật, quyết liệt phổ biến để người dân hiểu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, nhất là tội phạm mới, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao. Phải làm cho người dân hiểu, cảnh giác, tự bảo vệ mình và tích cực đấu tranh tố giác hành vi vi phạm tội phạm... Đồng thời kịp thời rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật phục vụ công tác phòng, chống và xử lý tội phạm theo hướng sát với yêu cầu thực tế, tạo điều kiện thuận lợi hơn để lực lượng chuyên trách của các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung tấn công, xử lý tội phạm đạt hiệu quả cao.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) nêu, trong năm 2023, số vụ vi phạm về trật tự xã hội tăng và tăng số người chết, số người bị thương, tăng thiệt hại về tài sản. Nhóm tội phạm phức tạp trở lại (như cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em; tội phạm giết người do mâu thuẫn; một số vụ do người tâm thần, người nghiện ma túy gây án...).
Trong khi đó, với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, mức độ lan tỏa thông tin đã biến đổi mạnh mẽ, việc khai thác các tình tiết ly kỳ, chi tiết của từng vụ án nhằm thu hút người xem, đã tạo ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, hành vi của người tiếp cận thông tin. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, phân tích đánh giá sâu hơn các nguyên nhân đối với nhóm tội phạm này.
Trong đó phân tích các nguyên nhân liên quan đến vấn đề về giáo dục; sự ảnh hưởng tiêu cực của bùng nổ thông tin, sai lệch nhận thức, đưa ra giải pháp căn cơ - nhất là giải pháp về giáo dục hình thành, nuôi dưỡng nhân cách đạo đức con người; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng… Từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.
Đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa
Phát biểu tại nghị trường, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai các phương án, kế hoạch đấu tranh, trấn áp tội phạm về ma túy trên các tuyến, địa bàn trọng điểm; đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh ngăn chặn ma túy từ xa. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy tiếp tục diễn biến phức tạp; số vụ được phát hiện nhiều hơn 17,68%; trong đó có một số đường dây vận chuyển ma túy với khối lượng lớn. Tình trạng sử dụng trái phép ma túy còn diễn ra ở nhiều địa phương.
Về phía Bộ Công an, Bộ cũng đã chỉ đạo lực lượng Công an, nòng cốt là Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đấu tranh mạnh với các loại tội phạm về ma túy và đạt nhiều kết quả, số vụ, đối tượng và vật chứng bị bắt giữ năm sau cao hơn năm trước.
Để tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, trong các báo cáo, Bộ Công an đều cho biết sẽ phối hợp các bộ, ngành, địa phương tham mưu với Chính phủ tiếp tục thực hiện một số giải pháp trọng tâm như: Rà soát, thống kê, xử lý người nghiện, đưa người nghiện đi cai nghiện tại cơ sở cai nghiện bắt buộc và điều trị thay thế bằng Methadone; quản lý sau cai nghiện và giúp đỡ người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng; tăng cường kiểm tra các loại hình kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự như: vũ trường, bar, karaoke, nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ… không để tội phạm lợi dụng mua bán, sản xuất, tổ chức, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; tăng cường phối hợp các lực lượng đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, trên biển, ngăn chặn ma túy thẩm lậu vào Việt Nam; rà soát, triệt phá diện tích trồng cây có chứa chất ma túy.
Đồng thời tập trung đấu tranh, triệt phá các đường dây ma túy lớn liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia, các tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy; giải quyết, chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy; vận động, truy bắt đối tượng truy nã về tội phạm ma túy; tích cực điều tra mở rộng, truy bắt đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây mua bán ma túy lớn, bảo đảm xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự với các nước trên thế giới và khu vực, nhất là với các nước láng giềng Lào, Trung Quốc, Campuchia để trao đổi, xác minh thông tin, tập huấn, hỗ trợ kinh phí, phương tiện nghiệp vụ nâng cao năng lực điều tra, bắt giữ, dẫn độ, chuyển giao tội phạm ma túy, đối tượng truy nã về ma túy.
Thời gian tới, trong quá trình đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương rà soát những bất cập, khó khăn, vướng mắc và nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy hiện nay.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, hiện có vướng mắc về pháp luật, cơ chế chính sách, khó khăn về nguồn lực trong thực hiện nhiệm vụ phòng chống tội phạm, như tội phạm công nghệ cao, tội phạm tham nhũng.... Có những vấn đề bất cập tồn tại có thể khắc phục được ngay nhưng có vấn đề cần thời gian. Do đó, Bộ Công an tiếp thu các ý kiến, kiến nghị để tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng xã hội lành mạnh, trật tự kỷ cương, bảo đảm cuộc sống bình yên, hạnh phúc, an toàn cho nhân dân.
Vĩnh Hoàng