Cần giám sát, quản lý chặt chẽ việc buôn bán, nhập khẩu khí N2O

09/12/2023 08:09

(Chinhphu.vn) - Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma túy khác làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.

Cần giám sát, quản lý chặt chẽ việc buôn bán, nhập khẩu khí N2O- Ảnh 1.

Giới trẻ sử dụng "bóng cười" mà không nhận thức được hết hệ lụy, sự nguy hiểm của nó đối với sức khỏe

Đặc biệt nguy hiểm khi dùng "bóng cười" với một số ma túy khác

Theo Bộ Y tế, khí Nitơ Oxit (tên hóa học là Dinitrogen monoxyd), công thức hóa học là N2O, là hóa chất được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực như trong công nghiệp (sản xuất pin mặt trời, sử dụng trong kỹ thuật hàn, cắt, dùng cho máy, thiết bị phân tích, tăng công suất động cơ...); trong y học (để gây mê, an thần, giảm đau trong lĩnh vực nha khoa, sản khoa, thể thao…) và trong thực phẩm (là một phụ gia được phép sử dụng theo danh mục của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex).

Tại Việt Nam, riêng đối với lĩnh vực thực phẩm Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 24/2019/TT-BYT ngày 30/8/2019 quy định về quản lý và sử dụng phụ gia thực phẩm, trong đó N2O là một phụ gia thực phẩm có chức năng làm chất khí đẩy, chất tạo bọt, chất khí bao gói, chất chống oxy hóa được phép sử dụng trong một số loại thực phẩm như sữa lên men, cream, quả tươi gọt vỏ hoặc cắt miếng, mì ống, mì sợi…(quy định này phù hợp với quy định của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế - Codex).

Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm nói chung và khí N2O nói riêng phải thực hiện tự công bố sản phẩm tại cơ quan quản lý an toàn thực phẩm địa phương và phải đảm bảo yêu cầu đối với phụ gia thực phẩm: được phép sử dụng và đúng đối tượng thực phẩm; không vượt quá mức sử dụng tối đa đối với một loại thực phẩm hoặc nhóm thực phẩm; hạn chế đến mức thấp nhất lượng phụ gia thực phẩm cần thiết để đạt được hiệu quả kỹ thuật mong muốn; không có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Hiện nay, theo báo cáo của các cơ quan chức năng: việc lạm dụng, sử dụng không đúng mục đích khí N2O trong vui chơi, giải trí (sử dụng bóng cười) khi hít vào cơ thể con người có khả năng tác động, kích thích mạnh lên một số điểm của hệ thần kinh, tạo ra cảm giác lâng lâng và gây cười sảng khoái. Việc lạm dụng thường xuyên N2O có thể gây ra các rối loạn như: cảm giác châm chích ở đầu các chi và đi lại loạng choạng, gây ra rối loạn khí sắc, rối loạn trí nhớ, rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng đến tim mạch, hạ huyết áp, thiếu máu lên não. Sử dụng bóng cười chứa khí N2O đặc biệt nguy hiểm khi dùng chung với một số ma túy khác làm mất kiểm soát năng lực hành vi, gây mất an ninh trật tự và nguy hiểm cho xã hội.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ của Trung tâm Chống độc thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân nhập viện ngộ độc nặng do sử dụng bóng cười.

Bệnh nhân nhập viện chủ yếu là người trẻ ở độ tuổi đi học và lao động, trong đó có cả học sinh. Do bị tác động tim mạch, có người tử vong nhanh chóng, thậm chí không kịp tới được bệnh viện để cấp cứu.

Theo TS-BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), bóng cười có chứa khí N2O khi sử dụng nhiều lần có thể dẫn đến tổn thương tủy sống. Ngay cả khi chỉ sử dụng một lần nhưng nếu liều lượng quá nhiều sẽ dẫn đến ngộ độc nặng và tử vong.

Tại Viện Sức khỏe tâm thần Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ từng tiếp nhận một nữ bệnh nhân sử dụng bóng cười trong thời gian khá dài, có những ngày bệnh nhân này hít bóng cười hết 7 triệu đồng.

Một vụ việc đã từng gây xôn xao dư luận, đó là Đêm nhạc hội mùa thu 2018 được tổ chức vào tối ngày 16/9/2018 tại Công viên nước hồ Tây. Trong đêm nhạc đã xảy ra sự cố hết sức nghiêm trọng là có 7 nạn nhân tử vong và rất nhiều người ngất xỉu. Theo đại diện cơ quan công an, tại hiện trường phát hiện có bóng cười cùng nhiều tinh thể màu trắng, viên nén nghi là ma túy. Kiểm tra nhanh cho thấy cả 7 nạn nhân tử vong đều dương tính với ma túy, cần sa, thuốc lắc và có sử dụng bóng cười.

Quản lý thật chặt và phải xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm

Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng liên tục phát hiện và xử lý nhiều tụ điểm san chiết, kinh doanh khí N2O trái phép. Để tránh sự chú ý của cơ quan chức năng, các đối tượng này thường mạo danh các cơ sở kinh doanh để hoạt động.

Cần giám sát, quản lý chặt chẽ việc buôn bán, nhập khẩu khí N2O- Ảnh 2.

Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện, xử lý các cơ sở san chiết, kinh doanh trái phép "bình khí cười", "bóng cười"

Mới đây, ngày 16/10, qua tiến hành kiểm tra đột xuất một điểm tập kết tại đường Bắc Hồng, Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP Hà Nội phối hợp với Công an quận Thanh Xuân, Công an phường Khương Trung và Đội Quản lý thị trường số 17 - Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội đã phát hiện và triệt phá một tụ điểm san chiết khí N2O trái phép, mạo danh cơ sở kinh doanh hoa quả. Tại đây, lực lượng chức năng cũng đã thu giữ một số bình khí N2O dạng mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội.

Khi lực lượng chức năng ập vào kiểm tra, các nhân viên của cơ sở này vẫn đang sang chiết khí N2O từ bình to sang các bình nhỏ để giao bán cho khách có nhu cầu đặt mua. Toàn bộ hơn 120 bình khí N2O đều không có hoá đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Đặc biệt quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện một số bình khí N2O dạng mới, lần đầu tiên xuất hiện tại Hà Nội. Nhìn qua, chúng không hề có dấu hiệu giống bình khí cười thông thường, nhỏ gọn và dễ vận chuyển. Mặc dù tới thời điểm bị kiểm tra và thu giữ, nhóm đối tượng này mới chỉ nhập về một số lượng nhỏ loại bình mới nêu trên nhưng đã bán hết ra thị trường. Điều này cho thấy sức hấp dẫn không hề nhỏ của loại bình khí N2O mới.

Theo Thiếu tá Vũ Trung Kiên - Đội 6, Phòng Cảnh sát kinh tế - CATP Hà Nội, bình mới không to như các loại bình khí N2O truyền thống, bình có thiết kế nhỏ, gọn, dễ dàng cất giấu cũng như vận chuyển hơn. Đặc biệt, các loại bình mới này có mùi vị riêng như dứa, nho… Về loại chất khí được bơm trong bình mới như thế nào, tác hại ra sao đến người sử dụng thì cơ quan chức năng cần phải làm rõ.

Tính riêng trong 10 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã thu giữ hàng trăm bình khí N2O được kinh doanh trái phép. Phương thức thủ đoạn của các đối tượng này ngày càng tinh vi, khi giả danh xe ôm công nghệ, shipper để giao hàng, khi lại đội lốt cơ sở kinh doanh để hoạt động buôn bán trái phép.

Trong những tháng cao điểm cuối năm, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục kiểm tra, truy quét, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm, kinh doanh khí N2O trái phép trên địa bàn.

Để đảm bảo sức khỏe, đảm bảo an ninh, an toàn cho xã hội; Bộ Y tế đề nghị các địa phương giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng N2O đúng theo quy định của pháp luật; Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, sử dụng sai mục đích đối với khí N2O; Tăng cường công tác thông tin, giáo dục, truyền thông đến người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại và hậu quả của việc lạm dụng sử dụng, sử dụng sai mục đích khí N2O; Các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm quy định, nguyên tắc sử dụng phụ gia thực phẩm, không được lạm dụng, sử dụng sai mục đích; phải tuân thủ khai báo nhập khẩu, kinh doanh khí N2O làm phụ gia thực phẩm (bảo đảm truy xuất được người bán và người mua). Nếu tổ chức, cá nhân nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nhiều quốc gia cấm "khí cười", "bóng cười"

Các nhà chức trách nhiều nước trên thế giới cũng đặc biệt quan ngại về việc sử dụng khí cười vào mục đích giải trí của các thanh thiếu niên. một số nước đã cấm bán khí gây cười do những nguy hiểm mà loại khí này gây ra.

Nhà chức trách Anh đang xem xét việc cấm buôn bán và sử dụng khí cười khi ngày càng có nhiều thanh niên sử dụng khí gây cười này để giải trí. Theo số liệu của Bộ Nội vụ Anh, 8,7% thanh niên từ 16 đến 24 tuổi, tương đương với khoảng nửa triệu thanh niên ở Anh sử dụng khí gây cười.

Sử dụng khí cười mà thực chất là khí N2O giúp người dùng hưng phấn, nhưng nó cũng gây ra các vấn đề về sức khỏe như tim mạch, huyết áp, hô hấp và ảnh hưởng đến thần kinh.

Từ tháng 1/2023, Hà Lan đã ra lệnh cấm sử dụng khí cười để giải trí vì nó có thể gây tổn thương thần kinh nghiêm trọng. Các nhà chức trách ở Hà Lan đặc biệt lo ngại khi tình trạng số lượng thanh thiếu niên sử dụng khí cười ngày càng tăng lên. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh về những nguy cơ sức khỏe đáng báo động liên quan đến khí cười. Số vụ tai nạn ô tô cũng tăng mạnh do tài xế lái xe trong tình trạng say khí cười.

Thứ trưởng Bộ Y tế Hà Lan cho biết việc sử dụng khí cười để giải trí đang trở thành vấn nạn tại quốc gia này. Cách duy nhất để giải quyết chính là siết chặt các qui định luật pháp.

Mỹ cũng là một trong những quốc gia sử dụng bóng cười nhiều nhất thế giới. Mỗi năm tại nước này có 15 trường hợp chết vì sử dụng bóng cười. Nhiều bang ở Mỹ cấm bán hoặc phân phối loại khí này cho trẻ vị thành niên hoặc sử dụng vào mục đích giải trí. Thành phố New York còn quy định sở hữu khí cười để dùng vào việc hít hoặc bán kiếm lời là hành vi phạm pháp.

Vĩnh Hoàng


}
Top