Cần sửa đổi Luật phòng chống Ma túy phù hợp với tình hình thực tế

30/12/2020 18:23

Trong bối cảnh hiện nay, việc sửa đổi Luật phòng, chống Ma túy phù hợp với tình hình thực tế là điều rất cần thiết. Qua đó, huy động toàn dân tham gia vào kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn ma túy, xóa bỏ triệt để các tổ chức, đường dây, tụ điểm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy trong nước.

Số người nghiện ma túy tăng khoảng hơn 10 nghìn người/năm

Hiện tình hình tệ nạn ma túy cũng như vấn đề người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Số người nghiện tăng bình quân khoảng hơn 10 nghìn người/năm, số vụ việc liên quan tới người sử dụng ma túy trái phép như trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, tự sát, giết người... gia tăng về cả số vụ và tính chất nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, tính đến cuối 2019, cả nước có 235.314 người nghiện có hồ sơ quản lý (tăng 10.215 người so với cùng kỳ 2018). Nhiều vụ việc buôn bán, tàng trữ và vận chuyển ma túy những năm gần đây đã và đang gây hoang mang và bức xúc trong dư luận xã hội.

 Điều trị Methadone giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe, tránh lây nhiễm virus HIV. Ảnh: Thùy Chi

BS. Nguyễn Thanh Long, Bộ môn sức khỏe Tâm thần, Đại học Y Hà Nội cho biết, có khoảng 275 triệu người trên toàn thế giới đã sử dụng ma túy ít nhất một lần trong năm. Hiện các chất ma túy còn có sự pha trộn trong sản xuất và trong sử dụng, đó là: Amphetamine và cafein, ketamine. Sử dụng đa chất như heroin hoặc methadone với ATS, rượu với ATS, ATS với cần sa.

Việt Nam hiện đang đứng trước nguy cơ trở thành địa bàn trung chuyển ma túy. Thời gian qua, trong nước xuất hiện nhiều đường dây thẩm lậu ma túy xuyên biên giới từ nước ngoài vào Việt Nam, nhưng việc ngăn chặn từ khu vực biên giới còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc sử dụng chất ma túy tổng hợp trong thanh niên, thiếu niên có dấu hiệu tăng nhanh.

TS. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Giám đốc Dự án VUSTA, cho biết, Luật Phòng, chống ma túy năm 2000 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý nhà nước về phòng, chống ma túy. Quá trình triển khai thi hành Luật đã thu được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực phòng, chống ma túy. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật vẫn còn một số hạn chế, bất cập, do vậy để công tác phòng, chống ma túy đạt hiệu quả hơn và để bảo vệ tốt hơn nữa quyền công dân của các đối tượng địch Luật tiếp tục được đưa ra thảo luận và sửa đổi lần 5.

Dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) hiện được xây dựng với bố cục gồm 8 chương, 69 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống tội phạm và tệ nạn ma túy; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy; cai nghiện ma túy; trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức trong phòng, chống ma túy; quản lý nhà nước và hợp tác quốc tế về phòng, chống ma túy.

Góp ý cho dự thảo Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi), Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và chính sách về y tế, HIV/AIDS, BS Trịnh Thị Lê Trâm cho rằng, trong Dự thảo cần xem lại giải thích khái niệm ở khoản 13 và khoản 14 của Điều 3 về giải thích từ ngữ đối với người nghiện ma túy và người sử dụng trái phép chất ma túy. Tại Điều 29 cần bổ sung thêm chính sách Hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng…

Cần xem xét lại những mô hình kém hiệu quả

Cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng, chống ma túy, nhiều đại biểu đưa ra nhiều ý kiến như: Đề nghị cần có quy định rõ hơn trong dự án luật về trách nhiệm của cha mẹ đối với con cái trong công tác phòng chống ma túy. Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại mô hình cai nghiện tại nhà vì đã xảy ra nhiều vụ việc rất nguy hiểm khi người nghiện lên cơn, ngáo đá, không kiểm soát được hành vi đã hành hung, đâm chém chính người thân của mình.

Đặc biệt cần đa dạng hóa các loại hình cai nghiện để người cai nghiện và gia đình của người cai nghiện có nhiều sự lựa chọn và cảm thấy thoải mái, qua đó mang lại hiệu quả cao trong công tác cai nghiện. Một số ý kiến khác cho rằng, đây là dự án Luật về phòng, chống ma túy, tuy nhiên các quy định chủ yếu chỉ là chống, vậy đây mới chỉ là phần ngọn, trong khi nội dung về đề phòng còn ít. Vì vậy, dự án luật cần tăng cường nội hàm các quy định về phòng ngừa ma túy.

Việc cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng là việc người nghiện ma túy đăng ký cai nghiện tự nguyện với cơ quan cung cấp dịch vụ cai nghiện tại cộng đồng. Tuy nhiên, từ thực tiễn cho thấy công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng còn gặp nhiều khó khăn như công tác quản lý, cơ sở vật chất… và hầu hết người nghiện không tự giác khai báo và tự nguyện đăng ký hình thức cai nghiện. Như vậy, về bản chất cũng giống như hình thức cai nghiện tự nguyện tại các cơ sở cai nghiện ma túy công lập hoặc dân lập. Do đó, các đại biểu đề xuất cần lồng ghép nội dung cai nghiện ma túy tự nguyện tại gia đình, cộng đồng vào nội dung cai nghiện tự nguyện cho phù hợp với thực tiễn.

Cho ý kiến đề xuất can thiệp đối với những người nghiện ma túy từ phía cộng đồng, anh Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng nhóm Nụ cười tại TPHCM cho biết, dưới sự hỗ trợ của Dự án Vusta, nhóm của anh hiện đang có những hoạt động can thiệp giảm tác hại cho những người tiêm chích ma túy như phân phát bơm kim tiêm, bao cao su, hỗ trợ chuyển gửi những người nghiện ma túy trong cộng đồng điều trị Methadone, tư vấn xét nghiệm HIV trong cộng đồng và chuyển gửi điều trị. Mỗi năm nhóm tiếp cận được khoảng 500 khách hàng. Bản thân anh Hiếu đã từng nghiện ma túy nhiều năm, tuy nhiên hiện anh đã từ bỏ được ma túy.

Trong suốt nhiều năm hoạt động tình nguyện cho công tác phòng, chống ma túy, anh Hiếu đã gặp nhiều khách hàng nhờ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone nên họ cũng đã bỏ được ma túy, cải thiện sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn trong việc xét duyệt thủ tục, vì theo anh Hiếu có trường hợp bệnh nhân đã phải chờ đến 2 tháng mới được xét duyệt, thời gian này khiến cho người nghiện ma túy tiếp tục sử dụng chất ma túy, khiến cho họ vi phạm pháp luật, bị bắt giữ, nên không được tham gia điều trị nữa.

Khó khăn khác nữa là, do điều trị Methadone phải sử dụng hàng ngày nên khiến cho bệnh nhân gặp khó khi làm việc, việc họ phải di chuyển xa đến nơi điều trị khiến mất thời gian, và chỉ kiếm được công việc bán thời gian.

Ngoài ra, có ý kiến khách hàng cho biết khó khăn về kinh tế. Do khó kiếm việc làm, nên thu nhập hàng tháng hạn chế, vì vậy mỗi tháng phải đóng 300 nghìn đồng là việc không dễ dàng đối với nhiều bệnh nhân điều trị Methadone.

Đồng quan điểm với anh Hiếu, anh Mai Như Sơn, nhóm Xuân Hợp, tỉnh Đồng Nai cho biết, nhóm của anh thành lập từ 2008 tư vấn xét nghiệm HIV và tư vấn điều trị Methadone cho người nghiện ma túy. Là người từng nghiện ma túy, anh Sơn đã bắt đầu điều trị Methadone từ năm 2016, sau 24 tháng điều trị anh Sơn đã cai nghiện được ma túy và được ra khỏi chương trình. Bản thân anh Sơn thấy chương trình điều trị Methadone rất hiệu quả, cải thiện sức khỏe rất tốt, tuy nhiên việc phải điều trị hàng ngày làm mất thời gian, ảnh hưởng đến thời gian làm việc. Để tiết kiệm thời gian, không làm ảnh hưởng đến công việc và không phải bỏ dở điều trị trong trường hợp bệnh nhân phải đi công tác, anh Sơn mong muốn được nới lỏng cho người bệnh được mang Methadone về điều trị nếu bệnh nhân chứng minh được công việc phải đi công tác, di chuyển đến tỉnh khác hoặc đi công tác đột xuất.

Còn trường hợp chị Nguyễn Thúy Hằng, trưởng nhóm Nắng cuối trời, ở Vĩnh Phúc cho biết, tham gia Dự án Vusta từ năm 2012 chị Hằng đã được học hỏi và trải nghiệm. Đã từng nhiều năm nghiện ma túy và phải trải qua đến 4 lần cai nghiện, chị Hằng cho biết nhờ được tiếp cận các dự án cộng đồng, được tham gia các hội thảo, tập huấn, nâng cao năng lực đã giúp chị từ bỏ hoàn toàn ma túy. Bản thân chị Hằng thấy các chương trình can thiệp trong cộng đồng rất hiệu quả, đặc biệt là chương trình điều trị Methadone. Ngay trong nhóm của chị Hằng, đã có nhiều người nghiện vì tham gia điều trị Methadone đã tìm được công việc làm ổn định, cải thiện sức khỏe, lập gia đình, sinh con.

Chị Hằng cho hay, tại Vĩnh Phúc, các cơ quan, cơ sở y tế hỗ trợ điều trị Methadone rất tích cực trong việc tư vấn, điều trị cho bệnh nhân, do đó việc điều trị hoàn toàn thuận lợi. Đề xuất các giải pháp trong thời gian tới, chị Hằng mong muốn, tiếp tục được tăng cường hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng, tăng cường các mô hình điều trị hiệu quả, đẩy mạnh tuyên truyền phòng chống ma túy, điều trị Methadone trong các trường học, giảm cai nghiện tại trung tâm, bởi cá nhân chị đã từng điều trị cai nghiện 4 lần tại trung tâm, và chị thấy các chương trình điều trị Methadone có hiệu quả tích cực và rõ nét hơn”, chị Hằng chia sẻ.
Top