Can thiệp dự phòng cho người sử dụng chất ma túy từ 12 tuổi trở lên
Đó là đề xuất của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tại Hội thảo Đề xuất sửa đổi bổ sung Luật Phòng, chống ma túy (PCMT) và Luật Xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) về cai nghiện ma túy tổ chức sáng nay tại Hà Nội.
Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Nhật Thy
Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đưa ra 6 quan điểm về đến chính sách xây dựng luật.
Thứ nhất, cần phân biệt các khái niệm: “hành vi sử dụng ma túy” và “tình trạng nghiện ma tuý” quy định tại Khoản 1, 2 Điều 103 Luật XLVPHC có đề cập “hành vi nghiện ma túy”; khái niệm “tội phạm ma túy” và ‘tình trạng nghiện ma túy” quy định tại Khoản 8 Điều 2 Luật PCMT. Trên cơ sở đó, đề ra các biện pháp can thiệp phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể.
Thứ hai, sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi có chủ định, có hại cho sức khỏe, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội và sự phát triển giống nòi. Do đó, cần nghiêm cấm hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và coi đó là hành vi vi phạm pháp luật, phải xử lý bằng các chế tài của pháp luật xử lý vi phạm hành chính. Đối với người dưới 18 tuổi vi phạm có thể áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hành chính.
Thứ ba, nghiện ma túy là quá trình sử dụng chất ma túy, can thiệp sớm bằng biện pháp giáo dục hành vi giúp người sử dụng trái phép chất ma túy nâng cao nhận thức từ bỏ hành vi sử dụng ma túy và là biện pháp dự phòng nghiện hiệu quả.
Thứ tư, cai nghiện ma túy là quá trình triển khai các can thiệp về y tế, tâm lý và xã hội phù hợp với nhu cầu của người nghiện ma túy tự nguyện là can thiệp không dùng thuốc thay thế, nhằm giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp, giảm tác hại; quản lý và tổ chức cai nghiện ma túy bắt buộc là một biện pháp đặc thù.
Thứ năm, can thiệp dự phòng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy có mối quan hệ mật thiết, hoạt động có tính chuyên môn kỹ thuật cao, đòi hỏi đội ngũ cán bộ được chuyên nghiệp hóa và là một dịch vụ công do nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Thứ sáu, đầu tư cho công tác can thiệp dự phòng nghiện ma túy là đầu tư cho sự phát triển bền vững; Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo.
Cụ thể, liên quan đến Luật PCMT, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đề nghị bổ sung các khái niệm: Sử dụng trái phép chất ma túy; Tình trạng nghiện ma túy; Tội phạm ma túy; Can thiệp dự phòng nghiện ma túy là can thiệp giáo dục hành vi; Cai nghiện ma túy...
Đề nghị sửa đổi Chương cai nghiện ma túy thành “Chương can thiệp dự phòng nghiện ma túy và cai nghiện ma túy” bao gồm: can thiệp dự phòng, điều trị, cai nghiện nghiện ma túy cần quy định với đối tượng can thiệp là người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi trở lên.
Về Luật Xử lý vi phạm hành chính , đề nghị bổ sung các quy định về “Xử lý hành vi sử dụng trái phép chất ma túy và áp dụng các biện pháp can thiệp, giáo dục và hỗ trợ phục hồi cho người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy”.
Sửa việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người nghiện bằng áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.
Sửa việc áp dụng biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên, thời gian 24 tháng. Đối với người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi được đưa vào cơ sở cai nghiện và có khu vực dành riêng cho họ, thời gian từ 3 đến 6 tháng.
Sửa đổi, bổ sung Điều 2, Điều 5, Điều 95, Điều 96, Điều 104, Điều 106, Điều 110, Điều 111, Điều 112, Điều 131 Luật XLVPHC, theo đó: Đối với người tự nguyện tham gia một hình thức can thiệp thì không áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với họ; đối với người bị phát hiện thì không phân biệt người sử dụng hay đã nghiện mà căn cứ tần xuất vi phạm để áp dụng biện pháp can thiệp thích hợp.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định về “Xử lý đối với trường hợp người sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy không chấp hành các quy định nghĩa vụ của họ”, vì hiện nay pháp luật quy định nhiều nghĩa vụ bắt buộc đối với người nghiện nhưng không quy định chế tài nên chủ yếu phụ thuộc vào sự hợp tác của đối tượng, nếu đối tượng không hợp tác sẽ rất khó khăn, nhiều trường hợp bất khả thi; quy định đối với hành vi trốn khỏi cơ sở cai nghiện; trốn khi về chịu tang; trốn khi đi điều trị tại bệnh viện hoặc tại nhà đều không có hoặc có chế tài nhưng không đủ răn đe, nên tình trạng vi phạm trở nên thường xuyên, gây mất trật tự xã hội và tốn kém cho công tác truy tìm.
Nhật Thy