Cần Thơ: Gần 97% người điều trị HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế
(Chinhphu.vn) - Hiện Cần Thơ đang có 5.382 người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV). Trong đó, gần 97% người nhiễm HIV điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế, tức là không lây nhiễm HIV cho người khác...
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ, từ đầu năm 2024 đến hết tháng 5/2024, Cần Thơ ghi nhận 207 trường hợp nhiễm HIV bắt đầu điều trị ARV. Tỉ lệ điều trị trong ngày chiếm 43,5%. Trong đó 99% bệnh nhân điều trị có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).
Bảo mật thông tin liên quan đến HIV và cộng đồng MSM-TG
Hiện Cần Thơ có 6 cơ sở y tế điều trị ARV cho người lớn và 1 cơ sở điều trị ARV cho trẻ em, gồm: Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, BV Quân Y 121, Bệnh viện Đa khoa Thốt Nốt, Bệnh viện Đa khoa Ô Môn, Trung tâm Y tế quận Bình Thủy, Trung tâm Y tế quận Cái Răng và Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ. Người nhiễm HIV được BHYT thanh toán 80% chi phí khám chữa bệnh, 20% còn lại được dự án hỗ trợ. Ngoài ra, một số xét nghiệm mà BHYT không chi trả cũng được dự án hỗ trợ.
Bên cạnh hệ thống y tế công lập, TP Cần Thơ cũng có các nhóm đồng đẳng viên, tiếp cận viên hỗ trợ, đồng hành cùng người nhiễm trong suốt quá trình điều trị. Bệnh viện Đa khoa quận Ô Môn tạo mọi điều kiện để người nhiễm tham gia điều trị; liên hệ điện thoại, nhắn tin vận động người nhiễm bỏ điều trị quay lại tiếp tục điều trị, thậm chí nhờ cán bộ y tế ở địa phương đến tận nhà vận động... Trung tâm Y tế quận Bình Thủy cũng có sáng kiến cho người nhiễm HIV quét mã QR để khai thông tin, tiết kiệm thời gian cho nhân viên y tế và người nhiễm…
Thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ cũng cho thấy, đến cuối năm 2023, có 96,9% người nhiễm HIV biết tình trạng HIV được điều trị ARV; 96,7% người nhiễm HIV điều trị thuốc ARV có tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế. Đây là những nỗ lực trong công tác điều trị ARV của TP Cần Thơ.
Thời gian qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ không ngừng đưa ra các mục tiêu mới và cải thiện chất lượng điều trị. Theo thống kê, tỉ lệ người nhiễm HIV bỏ điều trị ARV là 1%. Trong đó, tỉ lệ này chiếm cao ở Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ (3,4%), Bệnh viện Đa khoa quận Thốt Nốt (1,86%), BV Đa khoa quận Ô Môn (1,5%), Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ (1,2%)...
Một trong những nguyên nhân khiến người nhiễm bỏ điều trị là họ không có BHYT. Anh Nguyễn Quốc Phong, Trưởng Nhóm S đỏ - nhóm chuyên hỗ trợ cộng đồng người đồng tính nam cho biết, trong 4 ca bỏ điều trị mà nhóm hỗ trợ vận động tiếp tục điều trị thì cả 4 ca đều không có BHYT.
Ngoài ra, vẫn còn tình trạng bỏ điều trị do một số bệnh nhân đi làm xa khó truy vết, và có những trường hợp lo ngại việc lộ thông tin. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ để tìm các ca bỏ điều trị, cần sự phối hợp của các bên liên quan trong tư vấn, vận động bệnh nhân và bảo mật thông tin liên quan đến HIV và cộng đồng MSM-TG.
Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ cho biết, hiện số người nhiễm mới HIV có chiều hướng gia tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM), vì vậy ngành y tế tỉnh đang dẩy mạnh các hoạt động để ngăn chặn lây nhiễm mới trong nhóm này.
Cụ thể, đẩy mạnh hoạt động xét nghiệm HIV trong cộng đồng, đặc biệt trong nhóm MSM, những quy định về bảo mật thông tin liên quan đến xét nghiệm HIV, người được biết kết quả xét nghiệm HIV dương tính; tuyên truyền các bạn cần chủ động bảo vệ bản thân bằng các áp dụng những biện pháp an toàn để giảm đi nguy cơ lây nhiễm HIV.
Ông Đặng Quốc Phong, Trưởng nhóm S-Đỏ cho biết, khó khăn trong quá trình khách hàng tiếp cận dịch vụ liên quan đến HIV, tâm lý lo sợ của khách hàng về thông tin cá nhân không được bảo mật.
Bảo mật thông tin cho cộng đồng người sống cùng HIV là mục tiêu quan trọng, góp phần cải thiện chất lượng và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ của cơ sở y tế, thúc đẩy cộng đồng đích tiếp cận và sử dụng dịch vụ, thực hiện tốt hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn.
Trong khuôn khổ hợp tác triển khai sáng kiến "Thúc đẩy dịch vụ y tế công bằng và thân thiện với cộng đồng đích", Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ phối hợp cùng Trường Đại học Y Hà Nội triển khai các sự kiện để triển khai sáng kiến "Bảo mật thông tin liên quan đến HIV và cộng đồng MSM-TG" từ ngày 20/8 - 25/9/2024.
Các hoạt động của sáng kiến bao gồm các buổi chia sẻ "Trải nghiệm tiếp cận dịch vụ y tế nói chung hướng đến tính thân thiện và bảo mật"; "Nhạy cảm giới và những thực hành giúp tăng tính thân thiện của cơ sở y tế"; "Bảo mật thông tin liên quan đến HIV và cộng đồng MSM-TG".
Đồng thời, tổ chức truyền thông nhóm nhỏ các chủ đề về HIV và những điều cần biết; Tiếp cận dịch vụ y tế tại Ô Môn và cách phản hồi thông tin hiệu quả; đăng tải bài biết truyền thông trên fanpage của Trung tâm Y tế quận Ô Môn.
Chia sẻ kinh nghiệm những mô hình, sáng kiến hay về phòng chống HIV/AIDS cho sinh viên
Cần Thơ là một trong những địa phương triển khai tốt những mô hình, sáng kiến phòng chống HIV cho các sinh viên tại các trường đại học.
Mới đây, 24/9, Đoàn công tác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên, Trường Ðại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng, Trường Ðại học Hàng Hải (TP Hải Phòng), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm triển khai mô hình phòng chống HIV/AIDS tại Trường Ðại học Cần Thơ.
Từ năm 2017, với sự hỗ trợ của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS (nay là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ), Trường Ðại học Cần Thơ thành lập Nhóm tiếp cận viên phòng, chống HIV/AIDS gồm 6 sinh viên. Các sinh viên được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ tập huấn, hỗ trợ, hướng dẫn triển khai các hoạt động truyền thông, tư vấn xét nghiệm, chuyển gởi điều trị... Ðến nay, Nhóm có 16 thành viên.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Nhóm tiếp tục truyền thông HIV/AIDS, cấp phát hơn 100.000 bao cao su, hơn 105.000 gel bôi trơn cho 5.200 khách hàng; tiếp cận, xét nghiệm và chuyển gởi qua trang web: tuxetnghiem.vn hơn 1.100 khách hàng, chuyển gởi điều trị PrEP cho hơn 300 khách hàng.
Trong ngày, Đoàn công tác tiếp tục làm việc với Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ. Trường có Ðội tiếp cận viên với 4 thành viên. Trong năm qua đã tổ chức 28 cuộc truyền thông với 1.285 sinh viên, phát 3.855 hộp bao cao su và 315 hộp gel bôi trơn. Ðội có bàn tư vấn tại Trường, tư vấn cá nhân 1+1, tuyên truyền qua nhiều hình thức như poster, phát thanh, fanpage, livestream (mời chuyên gia), hội thi, sự kiện truyền thông...
Ngày 25/9, Đoàn công tác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thái Nguyên, Trường Ðại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Phòng, Trường Ðại học Hàng Hải (TP Hải Phòng), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ tiếp tục làm việc với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Cần Thơ về việc triển khai các hoạt động phòng, chống HIV cho sinh viên; làm việc với Câu lạc bộ Sắc Màu, Trường Ðại học Y Dược Cần Thơ về triển khai hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong nhóm lớn, nhóm nhỏ…
Đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết, nhằm nâng cao kiến thức phòng, chống HIV và tiếp cận các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên trong các trường đại học, trong quý I/2024, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã ban hành Hướng dẫn xây dựng mô hình "Đội truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên trong các trường đại học" tại Quyết định số 28/QĐ-AIDS. Hướng dẫn được tạm thời thí điểm tại một số trường đai học tại Thái Nguyên và Hải Phòng trước khi ban hành rộng rãi ra 63 tỉnh/thành phố.
Hiện nay, dịch HIV ở Việt Nam vẫn có diễn biến phức tạp. Mỗi năm Việt Nam vẫn phát hiện hơn 12.000 trường hợp nhiễm HIV. Đặc biệt người nhiễm HIV có xu hướng trẻ hóa và xu hướng dịch tăng rõ rệt trong nhóm MSM, nhóm chuyển giới nữ (TG) và lây truyền HIV qua quan hệ tình dục đã trở thành đường lây truyền chính của dịch HIV. Đối tượng thanh niên, sinh viên trong các trường đại học cũng là nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong giai đoạn vừa qua và là một trong các nhóm đối tượng cần ưu tiên trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS.
Sáng kiến mô hình "Đội truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên trong các trường đại học" được Cục Phòng, chống HIV/AIDS xây dựng dựa trên ý tưởng từ mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp dạy nghề tại thành phố Cần Thơ.
Qua nhiều năm thực hiện ở thành phố Cần Thơ, mô hình này đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc nâng cao nhận thức và kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề. Các dự án đó cũng đã giúp sinh viên tiếp cận và kết nối các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS từ dự phòng, can thiệp giảm hại, xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng PrEP và các dịch vụ điều trị HIV/AIDS, chẩn đoán và điều trị các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (STIs)...
Từ sáng kiến này, Cục Phòng, chống HIV/AIDS mong muốn mở rộng mô hình Đội truyền thông phòng, chống HIV/AIDS này cho sinh viên trong các trường đại học khác và hướng dẫn xây dựng mô hình "Đội truyền thông phòng, chống HIV/AIDS cho sinh viên trong các trường đại học" được hình thành.
Thùy Chi