Cần Thơ: Tăng cường can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV

21/07/2020 14:44

Ban Quản lý Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS TP Cần Thơ vừa tổ chức tập huấn chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho các học viên là đồng đẳng viên và nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm trên địa quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Ninh Kiều và Thới Lai.

 

 Tư vấn điều trị cho người nhiễm HIV tại Cần Thơ. Ảnh: TT PC HIV/AIDS Cần Thơ

Tại khóa tập huấn, các học viên được cán bộ Ban Quản lý Dự án thành phố truyền tải các kiến thức về tình hình dịch HIV/AIDS trên thế giới, Việt Nam và địa bàn TP Cần Thơ, đồng thời cung cấp các kiến thức cơ bản và quan trọng về phòng ngừa, can thiệp giảm hại về HIV, các kiến thức về quy trình tiếp cận cộng đồng cho từng đối tượng là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm.

Qua đó, giúp cho các đồng đẳng viên/ nhân viên tiếp cận cộng đồng có thể hiểu rõ được các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, nắm được các mô hình phân phát bơm kim tiêm, bao cao su của Dự án tại địa phương; các nguyên tắc, lợi ích của tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện, các dịch vụ điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại địa phương...

Buổi tập huấn cũng giúp các đồng đẳng viên/ nhân viên tiếp cận cộng đồng nâng cao kiến thức, kỹ năng triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, góp phần làm tốt hơn vai trò tiếp cận cộng đồng, can thiệp, giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV tại địa phương đạt được hiệu quả cao nhất.

Được biết, năm 2020, TP Cần Thơ có 147 tuyên truyền viên đồng đẳng/ nhân viên tiếp cận cộng đồng. Chương trình tập huấn được tiếp tục tổ chức từ ngày 22 đến 25/7/2020 để tập huấn cho các nhóm đồng đẳng viên/ nhân viên tiếp cận cộng đồng ở các địa phương còn lại.

Cần Thơ nằm trong Top 5 cả nước về tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM. Kết quả giám sát trọng điểm HIV cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV ở nhóm MSM vẫn tiếp tục duy trì ở mức rất cao, từ 18% năm 2018 tăng lên 20,3% năm 2019; trong khi cả nước, tỷ lệ trung bình là 10,17%.

Ngoài ra, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma túy có xu hướng gia tăng, từ 14,7% vào năm 2017 tăng lên 18% ở năm 2019. Ngoài ra, số người khi đi khám bệnh thông thường, khi sinh con, gặp tai nạn, ốm đau… đến bệnh viện điều trị và xét nghiệm mới biết bị nhiễm HIV có chiều hướng gia tăng. Sự thay đổi hình thái dịch HIV từ nhóm nguy cơ cao ra cộng đồng khiến cho việc ứng phó càng khó khăn hơn.

Thời gian tới, bên cạnh chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV cho các học viên là đồng đẳng viên và y tế thôn bản, Cần Thơ sẽ tập trung nguồn lực để duy trì thực hiện các hoạt động then chốt, nhất là hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại tuyến cơ sở; kiện toàn và củng cố chất lượng hoạt động các phòng tư vấn xét nghiệm HIV, tập trung tư vấn, khuyến khích người nhiễm HIV đang điều trị ARV giới thiệu chuyển gửi vợ, chồng, bạn tình của họ xét nghiệm HIV, tiếp tục mở rộng mô hình tự xét nghiệm HIV tại cộng đồng; xây dựng kế hoạch tuyên truyền, hỗ trợ, chuyển gửi điều trị ARV cho những người nhiễm HIV đã phát hiện từ những năm trước…

Tăng cường công tác truyền thông giới thiệu hệ thống dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) cho nhóm đối tượng nguy cơ cao, đặc biệt nhóm MSM; bảo đảm tính sẵn có các vật dụng can thiệp giảm hại như bao cao su, bơm kim tiêm, chất bôi trơn; duy trì và mở rộng đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng, cộng tác viên và tiếp cận viên phòng, chống HIV/AIDS tại các trường đại học và cao đẳng…
Top