Cần tôn trọng sự đa đạng trong xã hội để xóa bỏ phân biệt đối xử, kỳ thị
Xóa bỏ được tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị, chúng ta sẽ ngăn ngừa được nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. HIV/AIDS chỉ là một trong rất nhiều bệnh có thể lây nhiễm, vì vậy nếu phá bỏ được rào cản này thì chúng ta còn có thể ngăn ngừa được rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị khiến những người nguy cơ cao lây nhiễm HIV càng dễ nhiễm HIV hơn. Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên trang tin điện tử Tiếng Chuông-Trang tin của UBQG phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm có buổi trao đổi TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS).
TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội. Ảnh: Thùy Chi |
Nhằm giảm thiểu tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng, đặc biệt trong nhóm đối tượng nguy cơ cao hiện ISDS đang tham gia thực hiện Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS-Dự án VUSTA. Xin bà cho biết kết quả dự án trong năm qua?
TS. Khuất Thu Hồng: Việc tham gia dự án cho chúng tôi rất nhiều cơ hội trực tiếp tham gia vào hoạt động hỗ trợ cho các tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng, có thêm năng lực để tham gia một cách thiết thực, hiêu quả hơn các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Trong năm 2016, Viện Nghiên cứu phát triển xã hội triển khai tại 5 tỉnh thực hiện dự án (Hà Nội, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Nam Định và Thái Nguyên), hỗ trợ cho 34 nhóm tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO) là người tiêm chích ma túy (PWID), nam quan hệ đồng tính (MSM) và người lao động tình dục (FSW).
Dự án bao gồm các mục tiêu: Cung cấp các gói dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV cho những PWID, FSW, MSM; củng cố hệ thống cộng đồng nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng tham gia một cách hiệu quả và bền vững vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS; tạo môi trường thuận lợi về mặt pháp lý cho các đối tượng đích tiếp cận các dịch vụ y tế và sự tham gia của các tổ chức xã hội cũng như các CBO vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Trong năm qua, ISDS đã đạt vượt các chỉ tiêu đã cam kết, điển hình như các chỉ tiêu tiếp cận đều đạt trên 100% (IDU: 105%, MSM: 104%; FSW: 104%)... Chỉ tiêu xét nghiệm HIV (VCT) trung bình của 3 nhóm đối tượng đều trên 65%, tỷ lệ HIV dương tính với được phát hiện lần lượt là IDU: 5,5%, MSM: 3,5%, FSW: 1,76%. Tỷ lệ khách hàng phát hiện HIV dương tính mới được chuyển gửi tới OPC (điều trị ARV) đều đạt trên 60%, trong đó IDU là 98%, MSM là 74%, FSW là 60%...
Các hoạt động như tập huấn, sự kiện cộng đồng, các hội thảo về giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với các nhóm dễ tổn thương liên quan tới HIV/AIDS tại cơ sở y tế, chính quyền địa phương...đều được triển khai theo đúng tiến độ, ngoài ra hỗ trợ các sáng kiến giảm kỳ thị tại cộng đồng do các CBO, Trung tâm Y tế, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS...
Đặc biệt, dự án tiếp tục hỗ trợ các CBO tổ chức các cuộc truyền thông nhóm nhỏ, và hỗ trợ một số CBO một phần kinh phí trong hoạt động truyền thông giảm kỳ thị của các nhóm MSM và TG, nhóm IDU. Qua các hoạt động này, kỹ năng và sự tự tin của các thành viên nhóm được củng cố, có những thay đổi rất rõ rệt. “Những năm đầu họ chưa hiểu biết, còn nhiều ngỡ ngàng, bản thân họ tự kỳ thị bản thân. Tuy nhiên, bây giờ họ đã tự tin, tham gia các hoạt động, thay đổi suy nghĩ, tự tin và tích cực truyền đạt kinh nghiệm đến những người cùng cảnh ngộ. Dự án đã huy động được cộng đồng, huy động sự tham gia của những người yếu thế - những người mà trước đây khi chưa có dự án này họ thường bị gạt ra ngoài lề do sự tự kỳ thị. Trong khi đó, sự tự kỳ thị khiến người nguy cơ cao lây nhiễm HIV càng dễ nhiễm HIV hơn.
ISDS có gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án?
TS. Khuất Thu Hồng: Nhìn chung, trong năm qua dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên trong quá trình triển khai gặp không ít khó khăn, hạn chế. Việc phê duyệt dự án chậm là khó khăn chung không phải đối với riêng ISDS. Quy trình phê duyệt đôi khi đến quý II mới được phê duyệt nên việc này khiến gặp nhiều khó khăn trong thực hiện. Ban quản lý dự án phải chạy nước rút, đặc biệt trong những tháng cuối năm để đạt được chỉ tiêu của dự án.
Khó khăn nữa là do tình trạng phân biệt, đối xử kỳ thị và tự kỳ thị. Điều này cũng khiến khó khăn trong việc phát hiện người nhiễm HIV và giúp họ tiếp cận với thuốc kháng virus ARV. Vì lo ngại bị phân biệt đối xử, kỳ thị, một số người khi phát hiện dương tính đã chuyển đi nơi khác sinh sống, đặc biệt là MSM và người bán dâm. Hiện nay, sự kỳ thị đối với nhóm MSM là rất lớn so với những nhóm khác nên càng trở nên khó khăn hơn.
Đối với nhứng người bán dâm khi bị phát hiện nhiễm HIV, do sợ bị kỳ thị, mất công ăn việc làm nên họ cũng “biến mất”. Do đó, việc chuyển gửi, theo dõi họ không phải là dễ dàng. Chưa kể một số người không có giấy tờ tùy thân, nên việc tiếp cận điều trị là rất khó khăn.
Thứ 4 là vấn đề về vật phẩm, bơm kim tiêm, chất bôi trơn, bao cao su... Ví dụ là bơm kim tiêm, nhiều khi bơm kim tiêm được phát không phù hợp, người được phát không dùng, gây lãng phí. Bản thân những đối tượng nguy cơ không có vật phẩm để sử dụng. Việc này tạo ra sự lãng phí, hạn chế hiệu quả của chương trình.
Hiện đang quản lý 34 nhóm tổ chức dựa vào cộng đồng, các thành viên của các tổ chức chủ yếu là người tiêm chích ma túy, nam quan hệ đồng tính và người lao động tình dục, vậy ISDS có gặp khó khăn trong việc quản lý các tổ chức này?
TS. Khuất Thu Hồng: Làm việc với nhóm này tôi thấy họ rất nhiệt tình, khi họ thấy công việc này có ý nghĩa với họ thì họ rất năng nổ, sáng tạo. Tôi thấy trong những nhóm này có rất nhiều người tài năng. Làm việc với họ tôi luôn cảm thấy được truyền cảm hứng rất nhiều, tuy nhiên làm việc với họ không dễ. Thứ nhất, do sự kỳ thị phân biệt đối xử của xã hội nên khiến cả 3 nhóm có tình trạng tự kỳ thị. Có nhiều người rụt rè, cô lập, tự không tôn trọng mình nên việc vận động họ tham gia vào nhóm là điều rất khó khăn.
Việc duy trì nhóm là vấn đề khó khăn không kém vì tính di biến động của họ rất lớn, cho nên nhóm thay đổi liên tục, luôn luôn có thành viên mới, sau khi sinh hoạt thời gian thì họ chuyển đi nơi khác.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nguồn lực cho nhóm rất hạn chế nên việc giữ lại những thành viên tốt để làm việc thường xuyên với nhóm là khó khăn, không đủ cho họ duy trì cuộc sống nên họ phải tìm công việc khác. Khi đã làm công việc khác thì đòi hỏi họ dành toàn bộ thời gian cho công việc nên họ không còn thời gian làm việc cho nhóm nữa. Nhiều khi chúng tôi rất tiếc khi phải chia tay những thành viên rất sáng tạo, tích cực và năng động, vì họ năng động do đó họ có thể tìm công việc dễ dàng trong cuộc sống nên việc giữ họ không phải dễ.
Khó khăn nữa là do kinh phí cho các hoạt động truyền thông của nhóm, ngay cả việc có địa điểm để hoạt động nhóm cũng không phải dễ dàng. Chúng tôi rất lo ngại, nếu thời gian kinh phí càng ngày càng giảm thì việc tập hợp họ cũng sẽ rất khó khăn. Trong khi đó, các kinh phí khác cũng giảm, hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực, tạo sự liên kết của các nhóm giữa các địa phương với nhau càng ngày càng giảm.
Thành viên của tổ chức dựa vào cộng đồng trở thành cộng tác viên xét nghiệm tại cộng đồng. Ảnh: Thùy Chi |
Điều tôi cảm thấy mừng là mặc dù, trong điều kiện khó khăn như vậy nhưng các thành viên trong nhóm vẫn rất đoàn kết, tin tưởng, tạo sự gắn kết giữa các nhóm với dự án. Các thành viên của các nhóm cộng đồng đã tự tin hơn rất nhiều, những điều mà trước đây họ nghĩ không làm được thì bây giờ họ đã làm được và làm rất tốt. Giờ đây chúng tôi rất gắn bó với nhau, khó khăn kinh phí làm giảm kết quả hoạt động, nhưng hiện chúng tôi đang rất cố gắng để khắc phục khó khăn.
Chúng tôi trông đợi những đề xuất của chúng tôi, chẳng hạn như có thể linh hoạt hơn nữa nguồn kinh phí để có thể chuyển phần nhỏ kinh phí từ dòng này sang dòng khác, để hỗ trợ cho các hoạt động của các nhóm, giúp các nhóm hoạt động hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Là đơn vị có kinh nghiệm trong việc giảm kỳ thị phân biệt đối xử, theo bà cần phải làm gì để xóa bỏ tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị trong thời gian tới?
TS. Khuất Thu Hồng: Cơ quan chúng tôi đã có rất nhiều năm nghiên cứu để làm thay đổi nhận thức từ cộng đồng, nhận thức từ cán bộ y tế, những người cung cấp dịch vụ cho cộng đồng, những cán bộ thuộc các cơ quan chức năng làm việc trong lĩnh vực phòng, chống HIV/AIDS.
Chúng tôi đã nỗ lực xây dựng tài liệu, công cụ thực hiện các hoạt động giảm phân biệt đối xử, kỳ thị. Cho dù nhận thức của xã hội đã chuyển biến rất nhiều trong vòng một thập kỷ vừa qua, cách nhìn nhận về HIV/AIDS và những người nhiễm HIV/AIDS đã thay đổi nhiều. Tuy nhiên, trong thực tế rất nhiều nơi vẫn còn tồn tại tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị. Cán bộ y tế vẫn còn nhiều người e ngại không tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, hoặc thiếu tôn trọng, phân biệt đối xử với những người sống chung với HIV, khiến cho họ tự ti, ngại không muốn đến các cơ sở y tế để sử dụng các dịch vụ. Việc này khiến cho việc họ nhiễm HIV thành “bí mật”, khó ngăn chặn và khó kiểm soát hơn.
Tại cộng đồng, gia đình, việc bị phân biệt đối xử khiến người nhiễm HIV bị cô lập, thiếu sự hỗ trợ, làm cho các hành vi nguy cơ tiếp tục. Do đó, để thay đổi tình trạng này chúng ta cần thay đổi nhận thức, giúp họ hiểu HIV/AIDS là căn bệnh nguy hiểm, nhưng không khó lây, chúng ta có thể kiểm soát bằng hành vi. Nếu mỗi cá nhân đều có kiến thức, hiểu rõ về HIV/AIDS thì chúng ta sẽ không sợ ngồi cạnh sẽ bị lây, nói chuyện hay sử dụng chung những dụng cụ sinh hoạt sẽ bị lây. Các cán bộ y tế sẽ biết cách phòng ngừa phổ quát để không tạo ra rào cản, ngăn cách, phân biệt đối xử với bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Lý do nữa là, việc kỳ thị bắt nguồn từ một số nhóm cụ thể, nhóm mà từ trước đến nay mọi người coi họ là tệ nạn xã hội, gạt họ ra khỏi những chương trình, chính sách chung càng khiến cho họ nguy cơ cao hơn lây nhiễm căn bệnh thế kỷ. Chúng ta cần thay đổi nhận thức này, nhìn vào những căn nguyên sâu xa, những vấn đề xã hội để hiểu được rằng không phải tự nhiên người nào đó tiêm chích ma túy, bán dâm...mà đôi khi do những yếu tố xã hội, do hoàn cảnh đưa đẩy. Chính vì vậy, việc thay đổi những yếu tố xã hội là vấn đề cần sự góp sức chung của cộng đồng, xã hội. Hoặc đối với MSM, đó là do khuynh hướng tình dục của họ vì vậy chúng ta không có lý do gì để kỳ thị, phân biệt họ là khác với mình. Vì con người chúng ta là những người khác nhau, chúng ta nên thừa nhận sự đa dạng, cần tôn trọng sự đa dạng trong xã hội để không tạo ra sự kỳ thị, phân biệt đối xử, kỳ thị. Xóa bỏ được tình trạng phân biệt đối xử, kỳ thị, chúng ta sẽ ngăn ngừa được nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng. HIV chỉ là một trong rất nhiều bệnh có thể lây nhiễm, vì vậy chúng ta còn có thể ngăn ngừa được rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Bên cạnh đó, những người nguy cơ cao sẽ mạnh dạn tìm đến xét nghiệm, những người biết được tình trạng bệnh sẽ sớm tiếp cận điều trị, như vậy nguy cơ lây nhiễm cho người khác cũng sẽ giảm vì họ được trang bị kiến thức, giúp phòng ngừa và thu hẹp được số người lây nhiễm HIV/AIDS.
Xin trân trọng cảm ơn bà!