Cần xác định phương án kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS

18/08/2016 16:00

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị, các địa phương cần phải xác định được phương án kiện toàn các cơ sở điều trị HIV/AIDS, xây dựng được kế hoạch để tổ chức thực hiện được khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV, chi trả qua Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) từ năm 2017.

Trong hai ngày 17-18/8/2016, tại Hà Nội, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Chương trình cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ (PEPFAR) tổ chức Hội thảo Kiện toàn cơ sở điều trị HIV/AIDS, kế hoạch mở rộng BHYT và cơ chế tài chính cho thuốc ARV trong khám bệnh, chữa bệnh HIV/AIDS.

TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại hội thảo - Ảnh: TT

TS. Nguyễn Hoàng Long, cho biết, theo ước tính, toàn quốc có khoảng 256.000 người nhiễm HIV hiện còn sống, trong đó 230.000 người nhiễm HIV đã được phát hiện. Tuy nhiên, mới chỉ có khoảng 110.000 người nhiễm HIV được điều trị ARV, tức là chỉ đạt khoảng 46%. Với mục tiêu Việt Nam đã cam kết với Liên Hợp Quốc, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV thì dự kiến đến năm 2020 có khoảng 210.000 người cần được điều trị ARV.

Tuy nhiên, từ năm 2018, hầu hết các dự án quốc tế sẽ dừng hỗ trợ thuốc ARV. Để ứng phó với sự thiếu hụt ngân sách này, đặc biệt cho công tác điều trị HIV/AIDS, chính phủ đã có chỉ đạo: “Chuyển dần nhiệm vụ điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ các chương trình, dự án sang nhiệm vụ của Quỹ BHYT”. Muốn vậy, các cơ sở điều trị HIV/AIDS phải đáp ứng được các điều kiện để hợp đồng khám, chữa bệnh với BHYT và người nhiễm phải có thẻ BHYT. Đây là hai điều kiện cần và đủ để thực hiện chủ trương chuyển đổi nguồn lực điều trị HIV/AIDS.

Nhưng thực tế, trong 349 cơ sở điều trị HIV/AIDS hiện nay, phần lớn chưa đủ điều kiện để ký hợp đồng khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV với bảo hiểm xã hội, do mô hình tổ chức, nhân lực và cơ chế quản lý, cung ứng thuốc ARV chưa thuận lợi. Đồng thời, số người nhiễm HIV có thẻ BHYT chiếm tỷ lệ thấp, chừng 30 - 50% tùy từng địa phương. Hầu hết các cơ sở điều trị HIV/AIDS hiện nay chưa thể chi trả việc điều trị HIV/AIDS qua quỹ BHYT do nhiều nguyên nhân khác nhau như các đơn vị chưa có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT, các cơ sở điều trị HIV/AIDS đang hoạt động theo dự án hoặc độc lập chưa kết nối vào hệ thống khám chữa bệnh chung của bệnh viện...

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo về Kế hoạch mở rộng BHYT và cơ chế tài chính thuốc ARV cho điều trị HIV/AIDS từ Quỹ BHYT; Các quy định chung về ký hợp đồng khám chữa bệnh, thẩm định và thanh toán hợp đồng khám chữa bệnh BHYT tại các cơ sở y tế; Kinh nghiệm thực hiện kiện toàn CSĐT của tỉnh Nghệ An: Định hướng lựa chọn phương án, tổ chức thực hiện, thuận lợi, khó khăn và giải pháp; kinh nghiệm triển khai khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho người HIV/AIDS và ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán BHYT của tỉnh Điện Biên. Đồng thời, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm kiện toàn cơ sở điều trị của các tỉnh, thành phố...

}
Top