Cảnh báo hủy hoại bản thân sau khi dùng chất kích thích
Vừa qua, Phòng khám Tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận một bệnh nhân nam đến khám, điều trị tâm thần do trước đó bệnh nhân đã có hành vi hủy hoại bản thân.
Tại thời điểm khám, bệnh nhân vừa được phẫu thuật cấp cứu và sơ cứu các viết thương trên cơ thể.
Tự đâm vào bụng, cắt tay
Theo BS Trịnh Bích Huyền, phụ trách Phòng khám Tâm thần, nam thanh niên nói trên khoảng ngoài 20 tuổi, được người nhà “áp tải” đến trong tình trạng mệt mỏi, sợ hãi, hoảng loạn. Theo hồ sơ bệnh án và thông tin từ gia đình, bệnh nhân có tiền sử dùng chất kích thích, và đây không phải là lần đầu tiên bệnh nhân tự gây thương tích cho bản thân. Ở lần gây thương tích này, bệnh nhân đã tự cắt nhiều nhát vào tay, tự đâm vào bụng mình. May là người nhà phát hiện kịp thời, có biện pháp cầm máu và đưa bệnh nhân đi cấp cứu nên không ảnh hưởng đến tính mạng.
![]() |
![]() |
Nạn nhân tự đâm vào bụng cắt tay sau khi dùng chất kích thích
Một trong những điều đáng nói nữa ở ca bệnh này là khi bác sĩ cho nhập viện thì bệnh nhân từ chối, không hợp tác. Người thân đi cùng do không hiểu vấn đề cũng xuôi theo ý bệnh nhân, đồng ý cho về điều trị ngoại trú. Sau đó, bệnh nhân cũng không thấy đi khám lại trong khi để điều trị, không phải chỉ một lần kê thuốc là xong.
Khoa khám tâm thần cũng từng tiếp nhận một bệnh nhân bị trầm cảm, sau đó có ý định tự sát. Bệnh nhân là một du học sinh, trước đó, có vài lần dùng bóng cười. Khi dùng bóng cười, bệnh nhân thấy hưng phấn, nhưng khi không dùng, bệnh nhân trở nên buồn bã, trầm cảm nặng, không thiết tha với cuộc sống nữa.
Không dùng chất kích thích dưới bất kỳ dạng nào
BS Trịnh Bích Huyền cho biết, chất kích thích hay chất gây nghiện có rất nhiều loại với nhiều tên gọi khác nhau. Đập đá, bóng cười, tem giấy, hay các loại kẹo là tên gọi khác của các loại chất gây nghiện này, trong đó đập đá thường là chất amphetamine (ma túy tổng hợp), bóng cười hay khí cười là chất kích thích tâm thần, tem giấy là miếng giấy được tẩm chất gây ảo giác LSD... Sử dụng các chất này sẽ khiến người ta có cảm giác hưng phấn, và sau đó có xu hướng dùng tiếp. Như vậy, không phải dùng một lần thì không gây nghiện, mà thực sự, chỉ dùng một lần sẽ thấy có cảm giác bị kích thích, sung sướng, tìm kiếm để dùng lần thứ 2, thứ 3..., và nghiện.
Người dùng chất kích thích không chỉ có nguy cơ gây hại cho bản thân mà còn có thể gây hại cho người khác (do dưới tác dụng của chất kích thích, người dùng bị rối loạn tâm thần, ảo giác, hoang tưởng). Không đúng như suy nghĩ của nhiều người là dùng nhiều chất kích thích mới bị rối loạn tâm thần. Sự thực là do vấn đề cơ địa nên có những người chỉ dùng một lần, dùng ít cũng bị rối loạn tâm thần và có những hành vi không kiểm soát, rất nguy hiểm. Khác với những người bị rối loạn tâm thần do bệnh mắc phải (di truyền, yếu tố gia đình...), người dùng chất kích thích để bị rối loạn tâm thần là tự chuốc bệnh vào thân.
Theo BS Huyền, trong cuộc sống, ai cũng có những lúc không thuận lợi về điều này hay điều khác; và hầu như ai cũng có lúc rơi vào stress, trầm cảm ở một giai đoạn cụ thể nào đó. Nhưng nếu người đó có lối sống lành mạnh, tích cực, luôn tìm kiếm sự giúp đỡ, chia sẻ... thì sẽ biết cách thoát ra khỏi tình trạng không tốt của bản thân. Mọi người không nên vì buồn hay ham vui mà dùng chất kích thích dẫn đến nghiện, hủy hoại bản thân. Tốt nhất, mỗi người nên thiết lập cho mình một chế độ sinh hoạt hợp lý, trong đó bố trí thời gian chơi thể thao, gặp gỡ bạn bè. Nên năng ra ngoài trời để tận hưởng cuộc sống. Cùng với đó là việc đặt ra mục tiêu trong cuộc sống một cách rõ ràng. Khi người ta sống có mục tiêu đúng đắn, lành mạnh, lại có người thân và bạn bè ở bên thì rất ít khi sa ngã.