Cảnh báo ma túy 'kush' có thành phần từ xương người
(Chinhphu.vn) - Sierra Leone đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về một loại ma túy có thành phần từ xương người.
Đất nước châu Phi này đang chứng kiến nạn lạm dụng ma túy "kush" tăng đột biến, buộc cảnh sát phải canh gác tại các nghĩa trang ở thủ đô Freetown, ngăn chặn các nam thanh niên đào xương người.
Kush là một loại ma túy được làm từ nhiều loại chất, bao gồm hóa chất độc hại, thảo mộc, cần sa, thuốc khử trùng nhưng một trong những thành phần chính của nó là xương người nghiền nát. Vì xương người có chứa lưu huỳnh, được cho là có thể tăng cường tác dụng của ma túy.
Trong một chương trình phát sóng toàn quốc vào ngày 4/4, Tổng thống Sierra Leone Julius Maada Bio tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc gia liên quan vấn nạn lạm dụng ma túy và dược chất.
"Đất nước chúng ta hiện đang phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu do tác động tàn phá của ma túy và lạm dụng chất gây nghiện, đặc biệt là ma túy kush", Tổng thống Julius Maada Bio nói.
Mặc dù không có số liệu chính thức về các trường hợp tử vong liên quan đến việc lạm dụng kush, một bác sĩ từ Freetown cho biết trong những tháng gần đây, hàng trăm thanh niên đã chết vì suy nội tạng do ma túy này gây ra.
Từ năm 2020 đến năm 2023, số người nhập viện vào Bệnh viện Tâm thần Sierra Leone với các bệnh liên quan đến kush đã tăng gần 4.000%, với đại đa số là nam thanh niên trong độ tuổi từ 18-25.
Ma túy kush xuất hiện lần đầu tiên ở Sierra Leone khoảng 6 năm trước và gây ra cảm giác hưng phấn kéo dài, có thể khiến người dùng xa rời thực tế trong vài giờ.
Thông thường, kush sẽ chỉ có giá 20 xu cho mỗi liều. Tuy nhiên, các báo cáo cho thấy nhiều người chi tới 10 USD mỗi ngày cho loại ma túy này và đây là một số tiền rất lớn nếu xét đến thu nhập trung bình chỉ là 500 USD mỗi năm.
Trước sự gia tăng đáng lo ngại này, Tổng thống Julius Maada Bio đã thành lập Lực lượng Đặc nhiệm quốc gia về lạm dụng ma túy và chất gây nghiện, mở các trung tâm điều trị ở các địa phương với "đầy đủ nhân lực là những chuyên gia được đào tạo để cung cấp dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ cho những người nghiện ma túy".
Hiện trên toàn Sierra Leone chỉ có một trung tâm điều trị cai nghiện ma túy duy nhất ở Freetown, nhưng trung tâm này mới được thành lập vào đầu năm nay và chỉ có 100 giường bệnh.
Tiến sĩ Abdul Jalloh, người đứng đầu Bệnh viện Tâm thần Sierra Leone, cho biết tuyên bố khẩn cấp của Tổng thống Julius Maada Bio là bước đi đúng đắn và sẽ rất quan trọng trong việc giải quyết vấn đề sử dụng ma túy.
Tuy nhiên, ma túy kush không còn chỉ là vấn đề ở Sierra Leone nữa, các báo cáo cho thấy nó đang lan rộng khắp Tây Phi với hơn một triệu người ở các khu vực thành thị của Liberia và Guinea nghiện ngập.
Tiến sĩ Edward Nahim, chuyên gia tư vấn tâm thần học tại Viện Y học Hoa Kỳ cho biết: "Kush là một loại ma túy rất nguy hiểm như heroin hoặc cocaine. Nó mạnh, rẻ và dễ dàng mua được, quy định và kiểm soát việc bán ma túy còn lỏng lẻo và nó đang trở nên phổ biến ở Tây Phi.
Thiếu việc làm cũng đã khiến nhiều thanh niên nghiện ma túy sau sự gián đoạn của nền kinh tế bởi đại dịch COVID-19".
Thu Hà (lược dịch theo Daily Mail, BBC)