Cảnh báo ma túy 'vô chủ' qua đường hàng không, chuyển phát nhanh vào Việt Nam
(Chinhphu.vn) - Thời gian gần đây, lực lượng Hải quan TPHCM đã phát hiện, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép cần sa từ Mỹ, Canada và ma túy tổng hợp MDMA (thuốc lắc) với quy mô, số lượng lớn từ một số quốc gia châu Âu dưới hình thức quà biếu phi mậu dịch thông qua đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh vào Việt Nam và xuất ma túy tổng hợp methamphetamine trái phép sang Hong Kong.
Hải quan TPHCM phát hiện hơn 30 kg ma túy qua tuyến chuyển phát nhanh từ Pháp về Việt Nam vào ngày 16/8/2021
Từ các vụ phát hiện và bắt giữ của các lực lượng chức năng cho thấy, tội phạm ma túy trong và ngoài nước đã câu kết chặt chẽ với nhau, hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia, hoạt động với phương thức che giấu nhân thân và ngụy trang tinh vi, thủ đoạn vận chuyển ngày càng manh động, mang tính liều lĩnh.
Theo đánh giá của Cục Hải quan TPHCM, từ đầu năm 2021 đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều vụ vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp methamphetamine, heroin cực lớn từ Myanmar, Lào, Campuchia xâm nhập qua các cửa khẩu đường bộ chuyển về TPHCM, sau đó tập kết xuất sang Đài Loan, Philippines bằng đường biển.
Tội phạm ma túy triệt để lợi dụng các chính sách tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh... nhất là trong thực hiện thủ tục hải quan, thông quan điện tử đối với hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện xuất nhập khẩu để vận chuyển ma túy với các phương thức, thủ đoạn thường sử dụng như: Cất giấu ma túy vào hàng hóa, hành lý xuất nhập khẩu; hoặc gia công cất giấu giữa các cạnh, vách thùng bao bì hàng hóa, trong loa, máy móc, hạt nhựa…; sử dụng địa chỉ giả gửi hàng hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với hàng hoá là quà biếu cá nhân phi mậu dịch để trốn tránh trách nhiệm khi bị phát hiện.
Trên tuyến cảng biển, các tổ chức tội phạm lựa chọn các doanh nghiệp chưa từng vi phạm pháp luật về hải quan để ủy thác xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài. Theo đó, ma túy được chúng ngụy trang tinh vi trong các container hàng nguyên liệu sản xuất (hạt nhựa, nhựa tái sinh…) được miễn kiểm tra thực tế (luồng xanh, luồng vàng).
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Cục Hải quan TPHCM một mặt đã nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp nhằm thông quan nhanh hàng hóa, không để ùn tắc tại các cửa khẩu sân bay, cảng biển. Mặt khác, tăng cường công tác chống buôn lậu, kiểm soát ma túy qua địa bàn, đặc biệt là tuyến chuyển phát nhanh thời gian qua đã bị các đối tượng lợi dụng.
Tính từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Hải quan TPHCM đã phát hiện, bắt giữ 57 vụ việc liên quan đến vận chuyển trái phép ma túy, thu giữ hơn 134 kg ma túy các loại.
Tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý hình sự còn gặp nhiều khó khăn, số vụ hàng “vô chủ” vẫn chiếm tỷ lệ lớn.
Mới đây, vào tháng 6/2021, Cục Hải quan TPHCM đã nắm được thông tin và tiến hành xác lập Kế hoạch đấu tranh với đường dây lợi dụng dịch vụ chuyển phát nhanh để vận chuyển trái phép ma túy tổng hợp từ Pháp về TPHCM, sau đó đưa đi các tỉnh tiêu thụ. Trước tình hình đó, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM Đinh Ngọc Thắng đã chỉ đạo lập kế hoạch đấu tranh triệt phá.
Qua hai tháng theo dõi, Hải quan TPHCM phát hiện 10 bưu kiện quà biếu phi mậu dịch nhập khẩu có nghi vấn do cùng một đối tượng gửi từ Pháp về TPHCM thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh và điểm đến cuối cùng là các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Hà Nội.
Tiến hành xác minh, các địa chỉ và tên người nhận hàng ghi trên vận đơn và bưu kiện đều không có thật hoặc đúng địa chỉ nhưng là nhà trọ của công nhân. Mặc dù đã gửi thư mời nhiều lần nhưng các đối tượng đều không đến nhận hàng.
Ngày 16/8, Đội Kiểm soát phòng, chống ma túy và Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh (Cục Hải quan TPHCM) đã chủ trì và phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an TPHCM) tiến hành mở kiểm tra chi tiết các bưu kiện trên. Kết quả kiểm tra, đã phát hiện và tạm giữ tổng cộng hơn 29kg ma túy tổng hợp MDMA dạng viên nén (thuốc lắc) và hơn 1,4kg ketamine.
Ma túy bị phát hiện được ngụy trang tinh vi trong ruột những viên kẹo chocolate (mỗi viên kẹo chứa khoảng hơn 20 viên nén MDMA), hoặc để lẫn trong các gói bánh với phương thức đóng gói bao bì, trọng lượng… giống hệt như sản phẩm thật, bằng mắt thường không thể phát hiện được.
Khó làm rõ toàn bộ đường dây
Đánh giá về tình hình ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện vào trong nước, Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, việc đi lại giữa các quốc gia có phần hạn chế, tuy nhiên số vụ vận chuyển trái phép ma túy từ Anh, Bỉ, Đức, Hà Lan... về Việt Nam qua đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện vẫn diễn biến phức tạp.
Thủ đoạn của các đối tượng chủ yếu cất giấu ma túy trong quà biếu tặng, thuốc tân dược, sữa, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, đồ chơi trẻ em, quần áo... đóng gói giống như nhà sản xuất, sau đó mạo danh các công ty xuất, nhập khẩu ủy thác lòng vòng cho nhiều công ty khác nhau nhằm che giấu danh tính và nguồn gốc hàng hóa có cất giấu ma túy.
Bên cạnh đó hiện nay, thủ tục gửi hàng hóa qua các công ty dịch vụ chuyển phát nhanh rất đơn giản trong khâu gửi và giao nhận hàng, đảm bảo không sợ thất lạc. Đối tượng thường lợi dụng dịch vụ này làm phương thức vận chuyển ma túy để dễ thoát tội, khó chứng minh hành vi phạm tội.
Đối tượng chủ mưu cầm đầu ở nước ngoài không trực tiếp vận chuyển ma túy mà thuê người vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ. Chúng lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu hàng hoá ngày càng thông thoáng, sử dụng nhiều thủ đoạn cất giấu ma tuý chống lại việc kiểm tra bằng thiết bị soi chiếu, chó nghiệp vụ của lực lượng chức năng. Do vậy, khi bắt giữ lực lượng chức năng không có điều kiện làm rõ toàn bộ đường dây phạm tội, không xác định được đối tượng cầm đầu ở nước ngoài.
Trong thời gian tới, đối tượng sẽ tiếp tục lợi dụng tuyến đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện để vận chuyển ma tuý về Việt Nam để trung chuyển sang nước khác với số lượng lớn, với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong quá trình phát hiện, điều tra, truy tố trước pháp luật. Vì vậy, để công tác phòng, chống tội phạm ma túy đạt hiệu quả, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ và các bộ, ngành, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý tiếp tục đẩy mạnh phối hợp chặt chẽ với các đơn vị hải quan, an ninh hàng không, quản lý xuất nhập cảnh… từ trung ương đến địa phương.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Viện, thời gian tới các ngành sẽ tăng cường lực lượng, triển khai đồng bộ hiệu quả các mặt công tác để chủ động nắm chắc tình hình và có biện pháp xử lý kịp thời đối với các đối tượng người nước ngoài, người Việt Nam liên quan đến việc mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Thành lập Tổ công tác liên ngành, triển khai biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của tội phạm ma túy trên tuyến đường hàng không, bưu điện, chuyển phát nhanh.
Các lực lượng chức năng cần thường xuyên trao đổi thông tin với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy về phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của đối tượng, phối hợp kiểm soát, truy bắt đối tượng phạm tội. Cục tiếp tục phối hợp với Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và lực lượng cảnh sát các nước tổ chức tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm, tiếp nhận, phân bổ trang thiết bị viện trợ nhằm nâng cao năng lực kiểm soát, phát hiện ma túy qua đường hàng không, chuyển phát nhanh, bưu điện cho ngành hải quan và các lực lượng chức năng…