Cảnh báo về ma túy 'ăn thịt' người

28/11/2016 17:46

Krokodil hay còn gọi là "ma túy cá sấu" hiện được coi là loại ma túy nguy hiểm nhất trên thế giới, theo đó cơ thể của người sử dụng chất này sẽ bị tàn phá và dẫn đến tử vong nhanh chóng. Tên gọi này là do vùng da quanh chỗ chích thuốc sau đó sẽ đóng vảy như da cá sấu.

Theo thông tin đăng tải trên RFI, Krokodil còn được gọi là "ma túy cho người nghèo" vì giá thành rẻ hơn heroine rất nhiều. Con nghiện Krokodil đầu tiên được phát hiện tại Siberia vào năm 2002. Rất nhiều người đã chết ngay sau lần đầu tiên tiêm chích Krokodil. Kể từ khi được phát hiện tại Siberia, ma túy cá sấu đã lan sang nhiều nước trên thế giới.

Thành phần chính của Krokodil là désamorphine - một loại dẫn xuất của morphine. Désamorphine được tổng hợp tại Mỹ vào năm 1932 và là một loại thuốc giảm đau cực mạnh. Tuy nhiên, sau đó giới bác s​ỹ đã khuyến cáo không sử dụng désamorphine vì chất này có khả năng gây nghiện rất cao.

Thế nhưng, loại chất gây nghiện này xuất hiện vào năm 2002 tại Siberia và vùng cực đông của Nga. Chỉ trong vòng ba năm, nó đã lan rộng sang khắp lãnh thổ Nga. Theo báo cáo năm 2009 của nhà chức trách Nga, Krokodil ngày càng được nhiều con nghiện dùng thay thế heroin vì giá rẻ và dễ pha chế.

Theo tờ báo Nga Pravda, trong ba tháng đầu năm 2011, nhà chức trách Nga đã thu giữ được 65 triệu liều Krokodil. Sau đó, Nga đã công bố một loạt biện pháp như bắt buộc học sinh phải làm xét nghiệm ma túy cá sấu, xây dựng mạng lưới bệnh viện tư để điều trị chứng nghiện Krokodil; đồng thời, tìm cách hạn chế thị trường chất codéine, thành phần chính của Krokodil.

Trong năm 2016, nhà chức trách Nga cũng đưa ra con số 100.000 người nghiện Krokodil, song các hiệp hội cho rằng có tới 1 triệu người nghiện ma túy cá sấu và t​ỷ lệ tử vong khi sử dụng Krokodil là rất cao.

Hiện các trường hợp nghiện loại ma túy này đã xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có Đức, Thụy Điển, Ba Lan, Bỉ và gần đây nhất là tại Anh.

Krokodil được pha chế từ các chất rất dễ mua như codéine, i-ốt, xăng, sơn và phốt-pho đỏ với thời gian pha chế chỉ mất khoảng 45 phút. Những kẻ nghiện sau đó dùng chất này tiêm thẳng vào mạch máu. Thiếu thuốc sẽ khiến người nghiện vô cùng đau đớn.

Do Krokodil chứa nhiều cặn bẩn khiến cơ thể không tự đào thải được trong máu, do đó cơ thể sẽ bị hủy hoại nhanh chóng bởi các chất độc này. Phần da xung quanh nơi tiêm thuốc cũng sẽ bị hoại tử, khiến phần thịt và cơ bị thối rữa, chỉ còn trơ lại xương, các cơ quan trong cơ thể cũng bị hủy hoại. Theo các bác sĩ, người nghiện Krokodil sẽ sống được không quá 3 năm và đa số tử vong chỉ sau 1 năm đầu tiêm thuốc. 

Tại Việt Nam, hiện nay chưa phát hiện trường hợp bị krokodil “ăn thịt” nào ở Việt Nam. Các cơ quan chức năng ở Việt Nam cũng đã lên kế hoạch đề phòng sự xâm nhập của loại ma túy này. Tuy nhiên, lâu nay, thế giới có loại nào thì chỉ một thời gian ngắn sau “thị trường ngầm” trong nước cũng xuất hiện loại đó. Do đó, mối lo ngại về hiểm họa mang tên ma túy krokodil hay còn gọi là ma túy cá sấu ngày càng nặng nề hơn. Các bạn trẻ không nên vì thiếu hiểu biết, có tâm lý muốn thử cảm giác, muốn khẳng định mình mà bị lôi kéo, rủ rê sử dụng thứ ma tuý "chết người" này. 

}
Top