Cảnh báo về những người có nguy cơ mắc COVID-19 dai dẳng

04/02/2022 10:50

(Chinhphu.vn) - Các nhà khoa học hàng đầu của Nam Phi đang nghiên cứu song song nCoV và HIV, khi ngày càng nhiều bằng chứng cho thấy sự 'giao thoa' giữa hai virus có thể tạo ra biến chủng mới.

Bệnh nhân HIV không được điều trị - có thể nhiễm nCoV nhiều lần, dai dẳng trong nhiều tháng. Ảnh minh họa, nguồn DW

Bệnh nhân HIV không được điều trị - có thể nhiễm nCoV nhiều lần, dai dẳng trong nhiều tháng. Ảnh minh họa, nguồn DW

Nhóm chuyên gia tại Mạng lưới Giám sát bộ gene ở Nam Phi (NGS-SA) - nơi đầu tiên cảnh báo thế giới về biến chủng Omicron - cho biết đã đến lúc giới y tế cần điều tra "có hệ thống" về những gì sẽ xảy ra khi bệnh nhân HIV không được điều trị COVID-19.

Một nghiên cứu sẽ xuất bản trên tạp chí EbioMedicine ngày 2/3 của nhóm chuyên gia tại Stellenbosch và Đại học KwaZulu-Natal phát hiện những người có hệ miễn dịch suy yếu - chẳng hạn bệnh nhân HIV không được điều trị - có thể nhiễm nCoV nhiều lần, dai dẳng trong nhiều tháng. Đây không phải lần đầu tiên các chuyên gia chỉ ra điều này.

nCoV vẫn tồn tại trong hệ thống miễn dịch của những bệnh nhân này, tích lũy đột biến. Trong đó, một số đột biến có thể tạo lợi thế cho chúng.

Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng đây có thể là cách Omicron và một số biến chủng nCoV khác phát triển. Dù vậy, vẫn có một số quan điểm cho rằng nó có thể phát sinh ở động vật khác trước khi nhiễm ngược trở lại vào con người.

Tongai Maponga, Đại học Stellenbosch, cho biết ông và các cộng sự tại NGS-SA đang thảo luận về những nghiên cứu sâu hơn nhằm hỗ trợ giả thuyết này. "Một vài trường hợp đã được phát hiện và mô tả khi chúng ta theo dõi ngẫu nhiên. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ sớm làm gì đó có hệ thống hơn để xem xét một cách đặc biệt những bệnh nhân HIV bị suy giảm miễn dịch. Chúng ta sẽ chờ xem điều gì đang xảy ra", vị chuyên gia nói với Reuters.

GS Maponga cũng cho hay họ tập trung vào hai yếu tố: Bệnh nhân COVID-19 và cách hệ miễn dịch đối phó với tình trạng viêm nhiễm nCoV, đồng thời chứng minh liệu các biến chủng mới có khả năng xuất hiện theo cách này hay không.

Nếu điều này xảy ra, giới khoa học sẽ phải cải thiện cách chẩn đoán những bệnh nhân đặc biệt này và đảm bảo họ được phát hiện, điều trị kịp thời.

Hiện tại, các thông tin về dự án nghiên cứu này khá ít ỏi. Chưa có dữ liệu chính xác bao nhiêu tình nguyện viên tham gia nghiên cứu.

Nam Phi là nơi có số người mắc HIV lớn nhất thế giới, với 8,2 triệu bệnh nhân. Chỉ có khoảng 71% người lớn và 45% trẻ em đang được điều trị.

Theo Giáo sư Linda Gayle Bekker, Giám đốc Quỹ nghiên cứu HIV Desmond Tutu ở Cape Town, Nam Phi: "Thông thường, hệ miễn dịch của người khỏe mạnh có thể nhanh chóng loại bỏ virus. Với một số người bị suy giảm miễn dịch, virus sẽ tồn tại trong thời gian dài".

Không chỉ tồn tại, virus liên tục tự nhân bản. Trong quá trình này, những đột biến có thể xuất hiện. Số đột biến của virus tăng lên cùng với những chu trình tự nhân bản, giáo sư Bekker cho hay.

Đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện 2 trường hợp đặc biệt đáng lưu ý ở các bệnh viện tại Nam Phi. Một phụ nữ mang virus SARS-CoV-2 trong cơ thể suốt 8 tháng. Trong thời gian này, virus đã trải qua hơn 30 lần biến đổi gene, các nhà khoa học cho biết.

Theo Reuters/Zing

Top