Cảnh sát giao thông toàn quốc mở cao điểm xử lý vi phạm, bảo vệ an toàn Tết 2023
(Chinhphu.vn) - Trên các tuyến giao thông đường bộ, lực lượng CSGT cả nước sẽ tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm lái xe có nồng độ cồn, ma túy, chở quá khách, chạy quá tốc độ quy định...
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) đã có kế hoạch chỉ đạo lực lượng CSGT toàn quốc mở đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và các lễ hội đầu xuân 2023.
Theo đó, mục tiêu của kế hoạch đặt ra nhằm bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy; kịp thời phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và tập trung xử lý từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT), nhất là các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng; phòng ngừa, làm giảm ùn tắc giao thông; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên các tuyến giao thông; ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ tụ tập gây rối trật tự công cộng, đua xe trái phép, phục vụ nhu cầu đi lại, vui chơi, lễ hội, vận tải hành khách, hàng hóa của Nhân dân.
Cụ thể, trên các tuyến giao thông đường bộ, lực lượng CSGT cả nước sẽ tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm theo các nhóm hành vi vi phạm về "cơi nới" thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ giới hạn, nồng độ cồn, ma túy, chở quá khách, chạy quá tốc độ quy định... Đồng thời sử dụng triệt để các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để xử lý nghiêm các hành vi dẫn đến tai nạn, ùn tắc giao thông.
Trên các tuyến giao thông đường thủy nội địa, ở giai đoạn 1 trước Tết Nguyên đán, lực lượng CSGT sẽ tập trung vào các đối tượng vận tải hàng hóa, các hoạt động khai thác tài nguyên khoáng sản, hoạt động vận tải hành khách ngang sông, theo tuyến cố định ở các tuyến vận tải trọng điểm; các cảng, bến chưa được công bố hoặc chưa đủ điều kiện hoạt động…
Ở giai đoạn 2 trong và sau tết Nguyên đán sẽ tập trung vào các đối tượng và địa bàn có hoạt động ngang sông, dọc sông, theo tuyến cố định, các hoạt động du lịch, lễ hội, vui chơi, giải trí trên đường thủy nội địa.
Các hành vi tập trung xử lý gồm điều kiện an toàn của bến; điều kiện an toàn kỹ thuật của phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện; chấp hành các quy định về vận tải của người tham gia giao thông.
Đối với các tuyến giao thông đường sắt, lực lượng CSGT phối hợp với chính quyền, Công an các đơn vị, địa phương đấu tranh chống vận chuyển hàng cấm, chất cháy, nổ, vận chuyển hàng gian lận thương mại trên các tuyến đường sắt, phối hợp với ngành Đường sắt tổ chức kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân gây tai nạn giao thông đường sắt tại các đường ngang, lối đi tự mở, vị trí nguy hiểm đối với an toàn giao thông đường sắt.
Kế hoạch cao điểm kéo dài hơn 2 tháng, từ ngày 15/11/2022 đến ngày 5/2/2023.
Đáng chú ý, gần 3 năm qua, toàn quốc đã xảy ra 29 vụ tai nạn giao thông có liên quan đến lái xe dương tính với chất ma túy; trong đó nhiều vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm 17 người chết, 20 người bị thương.
Qua thống kê và thông qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã phát hiện các trường hợp vi phạm chủ yếu là lái xe kinh doanh vận tải đường dài (chiếm 51%); lái xe ô tô con và lứa tuổi thanh niên chiếm 49%.
Các loại ma túy được phát hiện trong cơ thể người vi phạm chủ yếu là Methamphetamin, Amphetamin và một số loại ma túy thuộc nhóm Opiate (có nguồn gốc chiết xuất từ cây thuốc phiện). Trong đó, ma túy tổng hợp dạng Amphetamin rất nguy hiểm, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương, ảo giác, dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức, hành động của người sử dụng. Phương tiện do họ điều khiển chủ yếu là các xe có tải trọng lớn, xe chở nhiều người hoặc xe con có gia tốc lớn nên khi tai nạn xảy ra thường gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Giang Oanh