Cấp thuốc Methadone nhiều ngày: Sáng kiến để ứng phó với dịch COVID-19
(Chinhphu.vn) - UNAIDS đã nỗ lực cùng với UNODC và WHO tiếp tục vận động cho việc đưa sáng kiến cấp phát thuốc Methadone nhiều ngày trở thành một chính sách lâu dài và áp dụng rộng rãi ở Việt Nam, để những người sử dụng và/hoặc tiêm chích ma túy được nhận hình thức điều trị thiết yếu này với chi phí tối ưu về thời gian và có thể tuân thủ điều trị và hòa nhập xã hội tốt hơn.
Cung cấp Methadone cho người nghiện ma túy
Tỉnh ngộ sau cái chết của người cha vì COVID-19, cậu con trai 35 tuổi đã quyết tâm cai heroin.
Minh (tên nhân vật đã được thay đổi), lớn lên ở thành phố Hồ Chí Minh và là con trai duy nhất trong gia đình nên được cưng chiều. Minh nghiện từ khi còn trong độ tuổi niên thiếu. Do bạn bè lôi kéo, cậu bắt đầu hút heroin. Lâu dần, ma túy ngày càng ám ảnh Minh nhiều hơn, và những khoảng thời gian Mình tỉnh táo trong ngày cũng dần rút ngắn lại. Mỗi ngày, Minh đều mê mải đi tìm cảm giác sung sướng nhờ tiêm chích heroin.
Những năm tháng vật lộn với chứng nghiện heroin của Minh cũng là một cuộc đấu tranh của cả gia đình. Nhờ thu nhập của cha, gia đình Minh sống khá dư dả. Minh liên tục lấy tiền của gia đình để thỏa mãn nhu cầu sử dụng heroin ngày càng nhiều của bản thân. Rồi đến một ngày, sau nhiều nỗ lực không thành để giúp Minh thoát nghiện, cha mẹ Minh đành bỏ mặc con trai mình.
COVID-19 bùng phát khắp Việt Nam và cướp đi sinh mạng của cha Minh vào tháng 4 năm 2021. Mọi thứ Minh vẫn hưởng và coi là nghiễm nhiên đã sụp đổ. Chỉ đến lúc này, Minh mới nhận ra rằng trách nhiệm chăm sóc gia đình bây giờ chính là trách nhiệm của mình. Minh tự nguyện tham gia điều trị nghiện heroin bằng methadone ở một phòng khám gần nhà.
Thời điểm tháng 6 năm 2021, Minh đã đều đặn uống một liều methadone mỗi ngày. Anh chạy xe ôm cho Grab - công ty cung cấp dịch vụ gọi xe và giao đồ. Thu nhập bình quân của Minh từ 200.000 - 300.000 đồng một ngày. Một tháng anh kiếm được 07 triệu đồng - một khoản thu nhập không nhỏ đối với một người từng sử dụng ma túy và sống phụ thuộc vào gia đình. Nhưng chẳng bao lâu, sang tháng 7 khi quy định về cách ly xã hội ở thành phố Hồ Chí Minh được thắt chặt hơn, giao thông bị hạn chế, các hoạt động trên đường phố bị cấm, Minh đã mất việc làm. Anh gần như chỉ có thể ra ngoài để đến phòng khám uống Methadone hàng ngày, và không thể đi lại để kiếm sống được nữa.
Việc thực thi nghiêm ngặt các quy định về giãn cách xã hội là một trở ngại cho bệnh nhân methadone trong việc uống thuốc hàng ngày. Bộ Y tế đã nhanh chóng ban hành công văn tới tất cả các tỉnh thành, cho phép triển khai cấp thuốc methadone nhiều ngày để uống tại nhà như một biện pháp ứng phó khẩn cấp nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận liên tục tới dịch vụ giảm hại trong bối cảnh áp dụng các biện pháp phòng chống COVID-19. Sáng kiến này ngay lập tức được áp dụng tại thành phố Hồ Chí Minh - nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đợt bùng phát COVID-19 năm 2021, theo hướng dẫn kỹ thuật của Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.
Trong khuôn khổ hỗ trợ của Liên Hợp Quốc cho sáng kiến này tại thành phố Hồ Chí Minh, WHO và UNAIDS đã hỗ trợ khẩn cấp lọ đựng thuốc methadone mang về nhà đến hết tháng 10 năm 2021. UNAIDS cũng thông qua VNP hỗ trợ chi phí hàng tháng (330.000 - 350.000 đồng) cho những bệnh nhân Methadone khó khăn nhất. Những hỗ trợ này đã giúp giảm thiếu hụt vật phẩm cần cho chương trinh cấp phát methadone nhiều ngày và giúp giảm bớt gánh nặng về tài chính, để bệnh nhân methadone yên tâm tuân thủ điều trị.
Sáng kiến cấp thuốc Methadone nhiều ngày để uống tại nhà đã giúp nhiều bệnh nhân Methadone đang phục hồi tốt như anh Minh có thể duy trì sử dụng dịch vụ y tế cần thiết cho sức khỏe của họ. Điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng Methadone có thể giúp giảm tiêm chích ma túy và hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, đồng thời tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế liên quan đến HIV cho người sử dụng ma túy.
“Chương trình cấp thuốc Methadone nhiều ngày và việc hỗ trợ khoản phí điều trị hàng tháng cho bệnh nhân là một sáng kiến kịp thời để ứng phó với tình trạng giãn cách xã hội do COVID-19.” Anh Nguyễn Anh Phong, đại diện của VNP tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết. “Những người làm công tác cộng đồng như chúng tôi đã chứng kiến vô vàn các thách thức mà những người có HIV và có nguy cơ cao lây nhiễm HIV phải đối mặt trong dịch COVID-19, và cả những nỗi tuyệt vọng vì khó khăn. Cộng đồng rất trân trọng những nỗ lực điều chỉnh chính sách phòng chống HIV nhanh nhạy và tất cả những hỗ trợ khẩn cấp để đáp ứng với COVID-19 trong đó có hỗ trợ khẩn cấp từ UNAIDS. Chúng tôi mong muốn việc đa dạng hóa các hình thức cung cấp dịch vụ phòng chống HIV như phát thuốc Methadone nhiều ngày có thể trở thành thường quy”.