Câu chuyện về người già làng tham gia phòng, chống ma túy
Hang Kia, Pà Cò từng là một vùng đất nóng bỏng và đến tận thời điểm này cũng chưa hết phức tạp nhưng hiện nay đã và đang “hạ nhiệt” từng ngày. Để có được kết quả đó là nhờ nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, của lực lượng Công an cùng với sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân 2 xã đặc biệt là công tác vận động những người có uy tín tham gia vào công tác phòng, chống ma túy (PCMT).
Già làng Sùng A Sa trao đổi công tác phòng, chống ma túy với lực lượng Công an |
Từ trên đỉnh Loóng Luông, thung lũng Hang Kia, Pà Cò hiện lên đẹp như một bức tranh thủy mặc với màu xanh ngút ngàn được điểm xuyến bởi gam màu đỏ của mái ngói, mái tôn giữa trưa đầu hè. Hang Kia, Pà Cò từng là một vùng đất nóng bỏng và đến tận thời điểm này cũng chưa hết phức tạp nhưng vùng đất này đã “hạ nhiệt” và đang xanh lại một màu bình yên vốn có thuở nào. Từ Quốc lộ 6 đi 30 km theo con đường độc đạo giữa một bên là vách đá dựng đứng một bên là vực sâu hun hút thì đến Hang Kia, đi thêm 6 km nữa là đến Pà Cò.
Những năm 90 của thế kỷ trước, Hang Kia, Pà Cò từng được mệnh danh “thủ phủ” của cây thuốc phiện với diện tích gieo trồng lúc cao điểm lên đến khoảng 500 ha, sản lượng ước đạt 2 tấn/năm. Khi nhà nước có chủ trương xóa bỏ cây thuốc phiện, cấp uỷ - chính quyền và các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp quyết liệt, diện tích loài cây độc dần dần bị xoá bỏ nhưng cũng là lúc tội phạm buôn bán ma tuý manh nha xuất hiện và ngày càng có xu hướng phức tạp ở thung lũng đẹp như tranh vẽ này.
Hiện nay hai xã Hang Kia, Pà Cò có khoảng trên 800 hộ với gần 5.900 khẩu hầu hết là bà con dân tộc Mông. Theo số liệu của lực lượng Công an, lúc cao điểm 2 xã có 8/13 bản là điểm nóng về tội phạm ma túy, từ năm 2009 - 2015, các đơn vị nghiệp vụ của Công an tỉnh Hòa Bình đã bắt giữ 74 vụ với 92 đối tượng thuộc 2 xã (Hang Kia có 60 đối tượng, Pà Cò có 32 đối tượng) tham gia buôn bán ma túy. Trong số đó có 13 đối tượng đã bị kết án tử hình về tội ma tuý, 24 đối tượng bị kết án tù chung thân... Tính riêng từ năm 2010 đến 2014, Công an huyện Mai Châu phát hiện 35 vụ buôn bán ma túy, bắt giữ 46 đối tượng.
Hiệu quả từ công tác vận động người có uy tín tham gia phòng, chống ma túy
Để ngăn chặn tình trạng phức tạp về hoạt động ma túy ở Hang Kia, Pà Cò, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình đã có nhiều giải pháp đồng bộ về an ninh, trật tự và kinh tế - xã hội. Đồng thời Bộ Công an thành lập tổ công tác đặc biệt tăng cường phối hợp với Công an địa phương giải quyết tình trạng này. Đã có nhiều giải pháp được lực lượng chức năng áp dụng như: Phát động và đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động những người uy tín tham gia vào công tác phòng, chống ma túy; vận động nhân dân không trồng, không mua bán, vận chuyển, sử dụng trái phép ma túy; vận động đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật; vận động nhân dân giao nộp vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Trong đó công tác vận động những người có uy tín tham gia vào công tác PCMT đã và đang mang lại những hiệu quả cao.
Trong công tác vận động các già làng, trưởng bản và người có uy tín ở Hang Kia, Pà Cò thì Già làng Sùng A Sa được nhắc đến là người có công lớn trong công tác PCMT. Nhiều đối tượng ma túy cộm cán hay đối tượng truy nã cũng phải nghi ngại và nể phục ông. Già làng Sa năm nay 63 tuổi nhưng vẫn rất tráng kiện, vóc dáng xù xì, vạm vỡ, giọng nói sang sảng mà trầm ấm.
Từ những năm 1990, với cương vị là Chủ tịch UBND rồi Bí thư Đảng ủy xã Pà Cò, ông tiên phong và quyết liệt nhất trong việc vận động người Mông ở Pà Cò, Hang Kia từ bỏ cây thuốc phiện, thay thế bằng loại cây trồng có giá trị kinh tế cao. Hồi đó, tự tay ông cầm dao quắm phát sạch sẽ cả nương thuốc phiện nhà mình, phát xong, ông bập dao vào thân cây mận cuối nương trong ánh mắt ngạc nhiên của dân bản. Cùng cán bộ Công an, ông thuyết phục từng người dân từ bỏ loài cây độc. Sau nhiều năm kiên trì vận động, cây thuốc phiện phủ kín thung lũng đã bị triệt phá rất nhiều.
Để thay thế cây thuốc phiện, Nhà nước đã có các dự án trồng cây ăn quả, cây lương thực cũng như quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân cũng từ đó từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, những vườn mận, những nương ngô, dong riềng vẫn không thể khiến cho đời sống đồng bào no ấm được. Lợi dụng điều này, các “ông trùm” ma túy đã dụ dỗ một số người, nhất là số con nghiện tham gia vận chuyển và buôn bán ma túy. Cuộc chiến chống ma túy ngày càng trở nên cam go và khốc liệt hơn bao giờ hết. Chỉ cần thấy xuất hiện người lạ hay bóng dáng các chiến sĩ Công an là các đối tượng lập tức lẩn trốn. Lực lượng chức năng chỉ còn một cách duy nhất là nhờ những người có uy tín ở địa phương để tuyên truyền, vận động các đối tượng và đồng bào tránh xa cái chết trắng.
Già làng Sa không một ngày ngơi nghỉ, đến từng nhà, tìm gặp từng người, đặc biệt là nhà các đối tượng có lệnh truy nã để nói phải trái cho họ hiểu, vận động, khuyên nhủ đối tượng giao nộp vũ khí và ra đầu thú. Mặc dù vậy, món lợi khổng lồ từ ma túy đã khiến cho những lời gan ruột của ông chỉ như muối bỏ bể. Sau dần, cứ thấy bóng ông là họ lẩn cửa sau, trốn lên rừng. Trăn trở nhiều ngày, già làng Sa lặn lội ra huyện, đề xuất xây dựng nhà văn hóa, làm các chương trình tuyên truyền về tác hại của ma túy bằng tiếng Mông, in sao ra các đĩa để phát cho các gia đình. Ông đã tham mưu cho xã xây dựng chương trình phát thanh tuyên truyền về ma túy và các vấn đề an ninh chính trị, các chính sách khoan hồng của nhà nước đối với tội phạm... phát bằng tiếng Mông trên hệ thống loa phát thanh khắp xã. Biện pháp “mưa dầm thấm lâu” này đã thu được hiệu quả nhiều người dân đã cởi mở hơn, họ để ông vào nhà nói chuyện.
Từ đó, ông đã cùng các già làng, người có uy tín đã “sát cánh” cùng cán bộ Công an và các ngành chức năng bám dân, bám bản vận động nhân dân không trồng, không buôn bán, vận chuyển và sử dụng trái phép ma tuý. Đáng chú ý trong 3 năm trở lại đây, lực lượng Công an dưới sự giúp đỡ của đội ngũ già làng, người có uy tín đã vận động 16/19 đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Trong đó, đặc biệt có Hàng A Pùa, một người nghiện ma túy lâu năm, bị truy nã vì tham gia nhiều vụ buôn bán, vận chuyển ma túy lớn được sự động viên của già làng Sa đã tự nguyện ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Ngoài ra với cương vị là Trưởng họ Sùng, già làng Sa còn phân nhóm nhỏ họ hàng của mình theo từng xóm, giao cho từng trưởng nhóm tuyên truyền cho mọi người thực hiện tốt khẩu hiệu “4 không”: “Không vi phạm luật giao thông, không tảo hôn, không bỏ học và không vi phạm pháp luật”. Mỗi tháng các nhóm lại tổ chức cuộc họp để so sánh, đánh giá kết quả và nắm tình hình cụ thể, phát hiện sớm những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để có biện pháp cụ thể. Mô hình này đã được nhân rộng ra toàn xã, tạo được những thay đổi tích cực trong cộng đồng người Mông. Màu xanh bình yên đang trở lại với mảnh đất một thời từng là điểm nóng ma túy này.