Câu chuyện về những người sống sót cùng virus HIV

08/01/2020 15:08

Virus HIV từng được coi là một bản án tử hình, nhưng cuộc sống đã thay đổi đối với những người được chẩn đoán nhiễm HIV ở Anh.

 Cô Clair Horn, một bệnh nhân nhiễm HIV. Ảnh: Richard Saker/The Guardian

Khi cô Claire Horn kiểm tra sức khỏe tình dục vào tháng 4 năm 2005, lúc ấy cô chỉ mới 22 tuổi và đang học lấy bằng điều dưỡng ở Leeds - một thành phố ở Anh và kiểm tra HIV là một phần của quá trình cấy que tránh thai dưới cánh tay. Kết quả chẩn đoán đã làm cô ấy gục ngã.

Cô hiểu biết nhiều về HIV hơn người bình thường nhưng dường như chúng không đủ giảm nỗi sợ hãi của cô. Cô Claire Horn đã dành cả năm sau đó để học hỏi rất nhiều về tình trạng này. Cô quyết định không để nó cản trở cuộc sống bình thường và cô đã thành công.

Vào năm 2012, Horn và chồng quyết định thử sinh em bé. Tuy nhiên lúc đó chính sách điều trị cho bệnh nhân HIV bằng thuốc kháng virus đặc hiệu vẫn chưa được áp dụng. Cô Horn đã gặp gỡ những phụ nữ nhiễm HIV khác đã có con và biết rằng sinh con an toàn là có thể.

"Tôi đã yêu cầu được điều trị bằng thuốc như một cách phòng ngừa, mặc dù đó không phải là quy định bắt buộc. Sau một vài tháng, tôi tiếp tục thụ thai một cách tự nhiên và có ba đứa con. Tôi vẫn cho con bú bình thường mà không có phản ứng gì với HIV", cô nói.

Các hướng dẫn lâm sàng của Vương quốc Anh khuyến nghị các bậc cha mẹ nhiễm HIV nên nuôi con bằng sữa bột, vì nó giúp loại bỏ nguy cơ lây truyền HIV.

Ngày nay, ở Anh, khi ai đó được chẩn đoán nhiễm HIV, họ sẽ bắt đầu dùng thuốc kháng virus đặc hiệu dành cho người nhiễm ngay lập tức để ngăn chặn virus nhân rộng trong cơ thể. Những loại thuốc này ngăn chặn virus HIV làm tổn hại hệ thống miễn dịch và duy trì lượng virus thấp nhất có thể trong máu.

Khi HIV không còn có thể đo được nữa (quá trình thường mất sáu tháng), bệnh nhân được cho là không thể truyền virus qua quan hệ tình dục và có thể có con mà không lây nhiễm virus.

Kat Smithson, giám đốc chính sách của National Aids Trust (NAT) (Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS ở Anh) cho biết, những người chung sống với HIV nếu được chẩn đoán đúng lúc và điều trị hiệu quả vẫn có thể hưởng tuổi thọ tương đương với bất kỳ ai khác.

HIV vẫn là một căn bệnh bị kỳ thị, hiểu lầm nặng nề. Cựu đội trưởng đội bóng bầu dục xứ Wales, Gareth Thomas tiết lộ anh bị nhiễm HIV hồi đầu năm 2019.

Anh quyết định nói ra nhằm đấu tranh định kiến và thách thức quan niệm sai lầm về những người nhiễm HIV. Thomas cho biết ở Anh, vấn đề lớn nhất với HIV không phải là ảnh hưởng sức khỏe đối với cá nhân người bệnh, mà là thái độ của mọi người dành cho họ.

"Những người bạn thân của tôi đã tỏ thái độ không muốn đi chơi với một người như tôi", Stephen, 33 tuổi, một nhân viên truyền thông ở Birmingham, được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2012 chia sẻ.

Do sự kỳ thị của những người xung quanh mà anh đã yêu cầu không sử dụng tên đầy đủ của mình trong quá trình điều trị bệnh. Sau khi chẩn đoán, Stephen đã dành một tháng chỉ để khóc. Anh đấu tranh tinh thần, tức giận và có dấu hiệu hoang tưởng nặng nề về nguy cơ lây truyền virus.

Anh không dám ôm một đứa trẻ vì cho rằng mình sẽ lây truyền căn bệnh (mặc dù trong trường hợp này chỉ khi máu tiếp xúc trực tiếp với máu mới có khả năng lây nhiễm HIV và do đó điều anh ấy lo sợ là không thể).

Với sự giúp đỡ của một cố vấn, Stephen đã chấp nhận rằng mình chỉ đang lo sợ quá mức nhưng việc thích nghi với phản ứng của người thân là điều tương đối khó khăn.

Trong một cuộc khảo sát năm 2015 về sự kỳ thị của mọi người dành cho người bị nhiễm HIV, nhiều người nhiễm đã báo cáo họ bị quấy rối (9%), bị đàm tiếu (20%), tấn công vật lý (9%) hoặc loại trừ khỏi các cuộc tụ họp xã hội (5%).

Theo Đạo luật Bình đẳng 2010, việc phân biệt đối xử với người nhiễm HIV là bất hợp pháp, nhưng Stephen nói rằng, ba năm trước, anh đã bị một đồng nghiệp nộp đơn kiến nghị anh phải nghỉ việc khi người này phát hiện ra tình trạng của anh.

Khi Ibrahim (*), 37 tuổi, một kỹ sư công nghệ thông tin ở High Wycombe, nhận được chẩn đoán nhiễm HIV vào năm 2007, anh nói rằng anh không quá lo lắng. Là một người đàn ông lưỡng tính (bi-sexual), thuộc cộng đồng LGBT anh được giáo dục tốt về HIV và biết rằng đó không phải là bản án tử hình.

"Tôi thấy rằng những người bình thường vẫn nghĩ đó là một căn bệnh chỉ ảnh hưởng đến cộng đồng LGBT. Cộng đồng LGBT được giáo dục nhiều hơn. Khi tôi tiết lộ với những người bạn thân thiết của mình, một trong những câu hỏi đầu tiên tôi nhận được là: "Bạn sẽ chết đúng không?", anh chia sẻ.

Đó là một trong những câu hỏi khó mà không ai mong muốn đặt ra cho những người nhiễm HIV. Ngay cả khi bạn hỏi câu hỏi đó vì sự tò mò ngây thơ, các nhà hoạt động xã hội cho rằng việc hỏi như vậy nhằm vào văn hóa đổ lỗi và sự kỳ thị liên quan đến HIV.

Vì nhiều người có xu hướng lấy virus và vấn đề sức khỏe tình dục nói chung ra để biện minh cho sự kỳ thị.

Đối với Allan Batcock, một người đàn ông 43 tuổi ở Cheshire, sự thiếu hiểu biết về HIV đã ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và đời sống xã hội của anh. Khi anh được chẩn đoán vào năm 2011, anh hầu như không có kiến ​​thức về HIV.

Sau khi chẩn đoán, anh rơi vào tình trạng hoàn toàn sửng sốt. Anh nói với bạn gái và sau đó mối quan hệ cũng tan vỡ, cả những người bạn thường cùng anh uống rượu cũng từ chối ngồi với anh.

Tám năm trôi qua, anh đã sống ở một nơi tốt hơn, kết hôn và sinh sống khỏe mạnh, hạnh phúc, mặc dù tình trạng này khiến anh đôi lúc cảm thấy cô đơn.

"Chúng tôi từng thành lập một tổ chức bao gồm một nhóm những người bị nhiễm HIV ở Cheshire, liên kết với các nhóm hỗ trợ tổ chức các buổi gặp mặt hàng tuần và chia sẻ các liệu pháp bổ sung giúp vượt qua căn bệnh nhưng đã đóng cửa do thiếu kinh phí. Trong khu vực tôi sinh sống cũng không có dịch vụ tương tự nào", anh nói.

Theo Giám đốc chính sách Smithson, đó không phải là vấn đề hiếm gặp, đặc biệt là ở các thành phố nơi mà việc tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khó khăn hơn nhiều. "Chúng tôi hiểu rằng những người nhiễm HIV thường gặp phải tình trạng sức khỏe tâm thần kém hơn so với nhiều người bình thường khác", cô nói.

Chính các dịch vụ từ cộng đồng đã giúp Batcock tìm hiểu về HIV từ những người khác và chấp nhận tình trạng của chính mình. "Ở một nơi nào đó mà bạn có thể cùng ngồi nhâm nhi một tách trà với một nhóm người hiểu bạn.

Bạn sẽ gặp gỡ những người bạn vừa mới được chẩn đoán và cả những người đã bị chẩn đoán nhiễm HIV trong nhiều năm. Tất cả cùng ngồi lại với nhau và bạn có thể cảm nhận cuộc sống của họ vẫn tiếp diễn", anh Batcock nói.

Việc thiếu kiến ​​thức không chỉ thúc đẩy sự kỳ thị và phân biệt đối xử, mà còn khiến số lượng người bị truyền nhiễm HIV gia tăng mỗi năm. "Nếu chúng ta không giáo dục thế hệ tiếp theo, chúng ta sẽ khiến chu kỳ này không bao giờ kết thúc, bởi vì họ sẽ không biết cách bảo vệ chính mình", anh Batcock chia sẻ.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

}
Top