Chặn đứng các đường dây xuất, nhập cảnh, mua bán người trên tuyến biên giới

04/03/2022 09:22

(Chinhphu.vn) - Tăng cường công tác nắm hình hình, nhất là chủ động nắm tình hình từ xa, từ ngoài biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) và Công an đã phối hợp triệt phá nhiều đường dây tổ chức xuất, nhập cảnh trái phép, đặc biệt trên tuyến địa bàn trọng điểm.

Chặn đứng các đường dây xuất, nhập cảnh, mua bán người trên tuyến biên giới - Ảnh 1.

Các nạn nhân của nạn buôn bán người được giải cứu do Trung Quốc và Campuchia trao trả.

Năm 2021, tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước, trên thế giới và các nước trong khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp đã tác động và ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý bảo vệ biên giới, phòng, chống xuất, nhập cảnh trái phép của lực lượng BĐBP. Do nhu cầu mưu sinh, tìm kiếm việc làm, thăm thân... hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép trên các tuyến biên giới, vùng biển vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng theo từng thời điểm.

Các đối tượng tổ chức cho người xuất nhập cảnh trái phép (XNCTP) chủ yếu thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook, Messenger, Wechat...) để móc nối, thỏa thuận, hướng dẫn người XNCTP. Để tránh sự phát hiện, các đối tượng tổ chức chặt chẽ; bố trí phân công theo từng công đoạn từ đón, vận chuyển, thuê dẫn đường, thuê xe ôm, taxi đưa dẫn từ biên giới vào nội địa và đi nước thứ 3. Việc thanh toán tiền được thực hiện qua tài khoản cá nhân, thông qua trung gian hoặc trừ vào tiền công lao động sau khi thành công việc XNCTP.

Các đối tượng đã lợi dụng địa hình hiểm trở, phức tạp, hẻo lánh ở biên giới phía Bắc và điều kiện đi lại thuận tiện ở tuyến biên giới Tây Nam; hoạt động XNCTP diễn ra chủ yếu tại các đường mòn, đường tắt, một số trường hợp trốn vào các phương tiện vận tải vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu. Đáng lưu ý, đã phát hiện tội phạm dùng hộ chiếu và visa đã sử dụng, làm giả hồ sơ để đưa người xuất cảnh trái phép.

Thủ đoạn môi giới lôi kéo người XNCTP sang Campuchia lao động (cả người Việt Nam và người Trung Quốc) với công việc nhẹ, lương cao, khi sang Campuchia bị ép làm việc trong các dịch vụ giải trí, massage, game... công ty, doanh nghiệp người Trung Quốc làm chủ, bị bóc lột lao động, trả lương thấp, bị đánh đập... đã thuê người dẫn đường về nước bằng con đường bất hợp pháp. Trường hợp đặc biệt, người Trung Quốc cư trú lao động bất hợp pháp ở Campuchia muốn về nước đã cố ý nhập cảnh trái phép (NCTP) vào Việt Nam.

Xuất phát từ tình hình trên, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo lực lượng Phòng, chống ma túy và tội phạm và Công an các địa phương bóc gỡ và triệt phá nhiều đường dây xuất, nhập cảnh trái phép qua biên giới. Từ năm 2021 đến nay, lực lượng BĐBP đã chủ trì, xác lập, đấu tranh kết thúc 25 chuyên án, bắt giữ, khởi tố 122 vụ/263 đối tượng tổ chức XNCTP; phát hiện, bắt giữ, xử lý 6.437 vụ/25.621 người XNCTP (trong đó, 381 vụ/1.379 người XCTP, 6.056 vụ/24.242 người NCTP). Các vụ án sau khi bắt giữ đã được bàn giao cho Công an các tỉnh xử lý theo quy định của pháp luật.

Điển hình là ngày 2/3/2021, BĐBP tỉnh Long An bắt giữ 5 người Trung Quốc NCTP vào Việt Nam. Mở rộng đấu tranh chuyên án, vào ngày 8/3/2021, BĐBP tiếp tục bắt giữ 14 người Trung Quốc đang xuất cảnh trái phép (XCTP) sang Campuchia; ngày 28/3 bắt 13 người Trung Quốc NCTP vào Việt Nam. Mở rộng đấu tranh, đến ngày 9/3/2021, tại khu vực biên giới tỉnh Nghệ An, lực lượng đánh án bắt quả tang 4 đối tượng gồm Lê Trung Kiệt (SN 1994, trú tại TP Cần Thơ, tỉnh Cần Thơ), là chủ xe; Nguyễn Bá Tùng (SN 1981, ở tại Vĩnh Long), lái xe; Trần Văn Nghĩa (SN 1971, tú tại TP Cần Thơ), là phụ xe và Bùi Thật (SN 1977, ở tại tỉnh Hậu Giang, phụ xe) chở 53 người Trung Quốc trên xe khách BKS 65B-017.81 đang trên đường vào TP Hồ Chí Minh để tìm cách XCTP sang Campuchia. Kết thúc chuyên án đã bắt 4 đối tượng về hành vi tổ chức, môi giới, đưa dẫn người khác NCTP; 85 người Trung Quốc NCTP.

Mới đây nhất, là chuyên án do BĐBP tỉnh Lạng Sơn chủ trì, phối hợp Phòng An ninh đối ngoại, Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Lạng Sơn. Thực hiện kế hoạch đấu tranh chuyên án, ngày 16/2, tại địa bàn xã Tú Đoạn, huyện Lộc Bình, Phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) chủ trì, phối hợp Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chi Ma và Phòng An ninh đối ngoại, Phòng An ninh điều tra Công an tỉnh Lạng Sơn phá án; bắt đối tượng Hoàng Văn Tuân (SN 1978, trú tại xã Hoàng Đông, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) đưa dẫn 4 người Trung Quốc NCTP vào Việt Nam với mục đích sang Campuchia tìm việc làm. Các trường hợp NCTP gồm có Hứa Chí Cường (SN 1994, trú tại tỉnh Phúc Kiến); La Tư Nha (SN 1992, trú tại tỉnh Giang Tây); Trần Tứ Đạt (SN 1990) và Lại Huấn Nhuệ (SN 1998, cùng trú tại tỉnh Quảng Đông) nhập cảnh trái phép mục đích tiếp tục XCTP sang Campuchia tìm việc làm.

Mỗi chuyên án, vụ án có những khó khăn riêng song khi nhắc đến các chuyên án nổi bật, ghi dấu ấn của hai lực lượng trong công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, không thể không kể đến việc phối hợp triệt phá chuyên án, bắt giữ các nhóm cho và nhận con nuôi. Lực lượng BĐBP phối hợp Công an và các cơ quan chức năng đã tìm ra manh mối đường dây mua bán trẻ sơ sinh qua biên giới. Trong đó, có hành trình giải cứu cháu bé sơ sinh (10 ngày tuổi) trên chặng đường Hà Nội-Cao Bằng-Lạng Sơn-Quảng Ninh.

Hội cho-nhận con nuôi”, “Hội cho và nhận con nuôi ba miền”, “Hội nhóm cho-nhận con nuôi do hoàn cảnh”, “Nhóm cho-nhận con nuôi do hiếm muộn vô sinh”... là các hội, nhóm hoạt động công khai trên mạng xã hội mà ai cũng có thể được kết nạp vào nhóm. Quá trình thâm nhập các hội, nhóm trên, trinh sát Phòng phòng, chống mua bán người (PCMBN), Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) đã có nguồn tin nghi vấn về hoạt động của tội phạm mua bán người. Trong đó, phát hiện đối tượng Nguyễn Thị Xuân, thường gọi là Ngân (SN 1979) cùng chồng là Vũ Ngọc Anh, còn có biệt danh Anh “trọc” (SN 1961, trú tại số nhà 88 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, TP Hà Nội). Tại nhà của đố tượng này thường xuyên có các phụ nữ mang thai. Những người này chỉ ở một thời gian ngắn rồi lại đi…

Cục PCMT&TP chỉ đạo Phòng PCMBN xác lập chuyên án để huy động lực lượng tinh nhuệ; phối hợp với lực lượng Công an tập trung đấu tranh bóc gỡ đường dây tội phạm, giải cứu nạn nhân. Ngay sau khi chuyên án được xác lập, số nhà 88 Yên Phụ trở thành một trong những mục tiêu theo dõi, giám sát quan trọng của lực lượng phá án.

Thực hiện mệnh lệnh của đồng chí Cục trưởng, lực lượng đánh án quyết tâm khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, bám sát mục tiêu 24/24 giờ chờ thời cơ phá án. 6h45 ngày 18/3/2021, Hoàng Văn Thành (SN 1992, trú tại xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn), đối tượng chuyên tổ chức cho người khác xuất nhập cảnh trái phép từ Lạng Sơn sang Bình Liêu (Quảng Ninh) để tiếp nhận nạn nhân, đưa lên biên giới vượt biên sang Trung Quốc bán trẻ sơ sinh xuất hiện… Trong khi Thành và Nguyễn Thị Thương (SN 2002, trú tại số nhà 78 Quán Thánh, phường Quán Thánh, quận Ba Đình, TP Hà Nội), con của Xuân đưa cháu bé ra khu vực biên giới thì đối tượng Anh “trọc” đồng thời bắt xe khách tuyến Bình Liêu-Móng Cái về Hà Nội. Lúc này, mọi di, biến động của đối tượng đều bị các trinh sát của các đơn vị nắm bắt. Quá trình rà soát, đến 8h10 ngày 18/3/2021, tại khu vực biên giới thuộc địa bàn quản lý của Đồn Biên phòng Hoành Mô (tỉnh Quảng Ninh), lực lượng đánh án đã bắt quả tang hai đối tượng là Hoàng Văn Thành và Nguyễn Thị Thương.

Mở rộng đấu tranh, cùng ngày lực lượng đánh án đã bắt giữ Vũ Ngọc Anh. Quá trình đấu tranh, Thương khai nhận đã cùng bố mẹ nuôi là Xuân và Ngọc Anh mua cháu bé sơ sinh 10 ngày tuổi (tên là T.B.N) của Trần Thị T (SN 1992, trú tại xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) với giá 15 triệu đồng để đưa sang Trung Quốc bán. Nếu việc mua, bán trót lọt, các đối tượng sẽ được hưởng từ 350 đến 400 triệu đồng… Quá trình đấu tranh, mở rộng đường dây, mua bán trẻ sơ sinh qua biên giới, bắt 5 đối tượng; thu giữ 50g heroin, 70 viên ma túy tổng hợp và nhiều hung khí các đối tượng tàng trữ.

Từ tính chất phức tạp của tội phạm MBN, trong thời gian qua, BĐBP đã phối hợp với các đơn vị Công an tạo thế trận khép kín, liên hoàn; tạo bước đột phá trong công tác nắm tình hình, thu thập thông tin về tội phạm MBN.

Trong năm 2021, các đơn vị đã bắt giữ, xử lý 50 vụ/26 đối tượng, 64 nạn nhân (tăng 6 vụ/6 đối tượng/13 nạn nhân so với năm 2020). Trong đó: Giải cứu 13 vụ/17 nạn nhân; phối hợp giải cứu 18 vụ/22 nạn nhân; tiếp nhận do Trung Quốc, Campuchia trao trả 18 vụ/24 nạn nhân; hỗ trợ nạn nhân tự trở về 1 vụ/1 nạn nhân).

(Theo Báo CAND)

Top