Chất ma túy mới tẩm trong thảo mộc, ngụy trang thuốc tăng cường sinh lý
(Chinhphu.vn) - ADB - BUTINACA là chất ma túy mới được đưa vào danh mục quản lý tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP ngày 25/8/2022 .
Vừa qua, Công an Hà Nội phối hợp với Công an TPHCM bắt giữ nhiều đối tượng liên quan trong đường dây sản xuất, vận chuyển và mua bán trái phép chất ma túy.
Tang vật thu giữ gồm 40,1 kg thảo mộc có chứa ma túy loại ADB - BUTINACA;11 kg chất bột có chứa ma túy loại ADB - BUTINACA; 250 ống thuốc lá điện tử dạng Pod có chứa ma túy loại ADB - BUTINACA;40 lít chất lỏng có chứa ma túy loại ADB - BUTINACA; 76 bao tải giấy bên trong có thảo mộc khô màu xanh dùng cho việc sản xuất ma túy tổng khối lượng 547,2 kg.
Lực lượng chức năng cũng thu giữ nhiều máy móc, trang thiết bị dùng cho việc chứa đựng, sản xuất, đóng gói ma túy bao gồm: Máy ép, máy khuấy, đèn sấy, máy ép nhiệt, khay kim loại, chậu thùng nhựa, bình xịt, túi nilon, hộp bìa thùng các-tông, cân điện tử.
Điều đặc biệt ở vụ án này đó là các đối tượng không sử dụng các loại cây có chứa chất ma túy như: Cây thuốc phiện, cây cần sa, cây cocain và cây lá khát mà chỉ sử dụng các sợi lá cây sấy khô, sau đó được tẩm ướp với hóa chất để sản xuất ra loại chất ma túy ở thị trường thường gọi dưới tên Tobaco hoặc cỏ Mỹ; ngụy trang trong các bao bì ghi công dụng tăng cường sinh lý cho nam giới.
Việc ngụy trang này nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng khi vận chuyển. Còn khi giao dịch mua bán, các đối tượng quảng cáo dưới dạng thuốc lá điện tử, hoặc gói thảo mộc.
Theo Viện Khoa học Hình Sự (Bộ Công an), qua giám định, chất ma túy được phát hiện trong chuyên án trên là ADB – BUTINACA, công thức phân tử C18H26N4O2
Chất này đã xuất hiện tại Việt Nam khoảng năm 2020, trước đây chưa nằm trong danh mục kiểm soát nhưng đã được đưa vào danh mục các chất ma tuý cần kiểm soát của một số quốc gia trên thế giới.
Từ ngày 25/8/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 57/2022/NĐ-CP ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất thay thế Nghị định 73 (ngày 15/5/2018) và Nghị định 60 (ngày 19/5/2020). Nghị định 57 đã bổ sung thêm 17 chất ma túy và 3 tiền chất, nâng tổng số chất cần kiểm soát ở Việt Nam là 557 chất ma túy và 60 tiền chất. Theo đó, đã bổ sung chất ADB - BUTINACA vào trong danh mục các chất ma túy ở Việt Nam.
Thượng tá Đặng Văn Đoàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự cho biết, chất ADB - BUTINACA thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp vì tác dụng của nó gây ra ảo giác, cũng như kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa. Hiện nay nhóm cần sa tổng hợp chứa hàng trăm chất khác nhau và ADB- BUTINACA là một trong số các chất như vậy.
Tuy nhiên, khác cần sa ở chỗ là ADB –BUTINACA được tổng hợp ra từ các hóa chất. Hay nói cách khác nhóm cần sa tổng hợp nói chung và chất ma tuý ADB - BUTINACA nói riêng được tạo ra bằng cách dùng các chất hóa học tổng hợp được mà các chất này có tính năng tác dụng tương tự như hoạt chất Delta 9 - THC có trong cần sa thực vật, sau đó pha thành dung dịch rồi phun, tẩm lên các sợi thực vật, thảo mộc khô,… (không phải là cây, thảo mộc khô,… chứa chất ma túy), sau đó sấy khô tạo thành sản phẩm gọi là "cỏ Mỹ".
Người sử dụng chất này sẽ bị gây ảo giác mạnh, hoang tưởng, ảnh hưởng nguy hại đến sức khoẻ; không làm chủ bản thân, hành vi của mình từ đó đã dẫn đến những hành động không kiểm soát, mất nhân tính, vi phạm pháp luật, làm mất an ninh trật tự.
Qua các vụ việc gần đây cho thấy, các đối tượng đã lợi dụng thành tựu của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ hóa học, dược học để phạm tội. Khi có một chất ma túy mới bị phát hiện được đưa vào diện kiểm soát thì liên tục xuất hiện những chất mới có tính năng tác dụng tương tự thay thế, điển hình là ma túy nhóm cần sa tổng hợp.
Lực lượng công an sẽ đẩy mạnh tuyên truyền trong cộng đồng, đặc biệt là đối với giới trẻ về tác hại của ma túy, nhất là các chất ma tuý mới xuất hiện ở trong nước bằng nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời khuyến cáo đến người dân, học sinh, sinh viên về các loại ma túy có chứa hỗn hợp của nhiều chất ma túy khác nhau, khi sử dụng sẽ dẫn đến ngộ độc, thậm chí có thể tử vong.
Theo báo cáo về tình hình ma túy thế giới của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) công bố tháng 7/2022, các chất hướng thần mới (NPS) được sử dụng thường xuyên nhất là chất tổng hợp từ gốc cần sa và ketamin. 57 quốc gia có thông báo về việc bắt giữ NPS trong năm 2019 - 2021. Có 548 chất NPS được ghi nhận và báo cáo, trong đó 77 chất được xác định lần đầu.
Hoàng Giang