Chia sẻ kinh nghiệm can thiệp chemsex, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV

07/11/2024 21:32

(Chinhphu.vn) - Sử dụng chất kích thích khi quan hệ tình dục ở nhóm MSM làm gia tăng nguy cơ nhiễm HIV do người dùng thường không tham gia các biện pháp dự phòng lây truyền HIV, như không sử dụng bao cao su, không tuân thủ sử dụng ARV hay PrEP... trong và sau khi tham gia vào chemsex.

Chia sẻ kinh nghiệm can thiệp chemsex, ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Bích Huệ, cán bộ của tổ chức UNAIDS Việt Nam đã chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm về phòng, chống HIV tại Việt Nam, đặc biệt là bộ tài liệu đào tạo can thiệp chemsex dành cho tiếp cận viên cộng đồng của Việt Nam. Ảnh: VGP/Thùy Chi

Trong 2 ngày 6 và 7/11, tại Thái Lan, Viện Nghiên cứu và Sáng kiến về HIV (IHRI) của Thái Lan với sự hỗ trợ của Văn phòng khu vực của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại châu Á-Thái Bình Dương tổ chức hội nghị lần thứ 6 của khu vực về chủ đề can thiệp cho người sử dụng chất kích thích khi quan hệ tình dục (chemsex).

Tham dự hội nghị có đại biểu đại diện các nhóm cộng đồng chịu ảnh hưởng chính bởi HIV, cán bộ và chuyên gia trong lĩnh vực y tế, các cơ quan chính phủ, tổ chức cộng đồng, các nhà nghiên cứu và vận động chính sách độc lập và các tổ chức đối tác quốc tế hỗ trợ và tài trợ cho lĩnh vực can thiệp này.

Chemsex làm tăng nguy cơ nhiễm HIV trong nhóm MSM

Tính đến hết năm 2023, thế giới có khoảng 39,9 triệu người đang sống chung với HIV. Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tính đến hết năm 2023, khoảng 6,7 triệu người đang sống chung với HIV. Trong năm 2023, khu vực có 300.000 người nhiễm HIV mới được phát hiện và khoảng 150.000 người nhiễm HIV đã tử vong.

Xu hướng sử dụng các chất kích thích (hàng đá, kẹo, thuốc lắc, ke…) cho mục đích quan hệ tình dục (Chemsex/highfun) ngày càng phổ biến trong cộng đồng nam có quan hệ tình dục đồng giới (MSM) và nữ chuyển giới (TGW) trong toàn khu vực. Việc sử dụng Methamphetamine có liên quan đến tăng tần suất quan hệ tình dục không an toàn ở nhóm MSM, do đó làm tăng khả năng lây nhiễm STI (bệnh lây truyền qua đường tình dục), HBV và HIV. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn tới công tác dự phòng và điều trị HIV/AIDS.

Tại Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận 11.421 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, 1.263 trường hợp tử vong. Trong số người mới phát hiện nhiễm HIV đầu năm đến nay có 82,9% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 15-29 (40%) và 30-39 (27,3%), đối tượng chiếm tỉ lệ cao nhất là nam quan hệ tình dục đồng giới (42,2%).

Theo nghiên cứu năm 2019 của Trung tâm chuyển giao công nghệ điều trị nghiện chất và HIV, Đại học Y Dược TPHCM và Trung tâm Life tại TPHCM trên nhóm MSM và chuyển giới nữ (TGW) tại TPHCM và các tỉnh lân cận cho thấy, 50% MSM/TGW dùng các chất kích thích dạng amphetamine, 70% dùng popper.

PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, chemsex làm tăng nguy cơ bị ảnh hưởng về sức khỏe như không kiểm soát được hành vi khi bị ảnh hưởng bởi ma túy và tham gia các hành vi nguy cơ (dù sau đó có hối tiếc). Một số nhỏ thực hành tình dục nguy cơ cao hơn do bị ảnh hưởng bởi thuốc...

PGS. Dũng cảnh báo, sử dụng chất khi quan hệ tình dục ở nhóm MSM làm gia tăng nguy cơ nhiễm HIV do người dùng thường không tham gia các biện pháp dự phòng lây truyền HIV như không sử dụng bao cao su, không tuân thủ sử dụng ARV hay PrEP... trong và sau khi tham gia vào chemsex.

Bên cạnh đó, nhiều người có các rối loạn tâm thần đến mức cần phải điều trị hoặc ảnh hưởng vĩnh viễn... hoặc thậm chí tử vong do sử dụng quá liều.

Trước tình hình trên, việc trang bị các kiến thức và kỹ năng tư vấn từ cơ bản tới nâng cao về chemsex cho nhân viên y tế và nhân viên hỗ trợ cộng đồng (CBOs) là vô cùng cấp thiết.

Hướng dẫn đào tạo can thiệp cho người sử dụng chemsex

Tại hội nghị, đại diện các nước đã thảo luận các vấn đề liên quan đến thực hành và can thiệp cho người sử dụng chất kích thích khi quan hệ tình dục (thường được gọi là chemsex) trong một môi trường đa dạng, an toàn, vì mục tiêu sức khỏe và y tế công cộng.

Đồng thời, tại chương trình, UNAIDS và UNODC giới thiệu hai bộ tài liệu hướng dẫn cung cấp can thiệp cho người thực hành chemsex. Tài liệu này gồm một Hướng dẫn can thiệp dành cho người cung cấp dịch vụ tại cơ sở y tế áp dụng cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và một bộ tài liệu đào tạo can thiệp chemsex dành cho nhân viên tiếp cận cộng đồng của Việt Nam.

Theo đại diện của UNAIDS, bộ tài liệu sẽ hướng dẫn cách tiếp cận với nhóm MSM để hỗ trợ giảm các tác hại liên quan đến chemsex và giải quyết các khía cạnh tâm lý xã hội.

Tại hội nghị, các đại diện của Việt Nam gồm bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS; PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM; Nguyễn Thị Bích Huệ, cán bộ của tổ chức UNAIDS Việt Nam đã chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm về phòng, chống HIV tại Việt Nam, đặc biệt là bộ tài liệu đào tạo can thiệp chemsex dành cho tiếp cận viên cộng đồng của Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết, từ 3 năm trước khi có sự gia tăng ca nhiễm HIV trong nhóm MSM đặc biệt liên quan đến hành vi tình dục không an toàn do sử dụng chất. Với sự hỗ trợ của UNAIDS và UNODC, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cùng với Trường Đại học Y Dược TPHCM đã bắt đầu xây dựng bộ tài liệu đào tạo can thiệp chemsex dành cho tiếp cận viên cộng đồng của Việt Nam.

Bộ tài liệu được đưa vào sử dụng trong thực tiễn trong 4-6 tháng và đã thu thập được dữ liệu của 174 khách hàng. Tài liệu này sẽ kết thúc nghiên cứu trong tháng 11 này. Từ các kết quả thu thập được với khoảng 400 mẫu nghiên cứu, bộ tài liệu sẽ được bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn để giúp cho nhóm cộng đồng tiếp cận tốt nhất với nhóm MSM, giảm thiểu tác hại cho người thực hành chemsex.

"Hiện nghiên cứu được tiến hành thử nghiệm tại TPHCM, khi bộ công cụ được hoàn chỉnh, chúng tôi sẽ đưa vào sử dụng trên toàn quốc", bà Minh Tâm nói.

Là người tham gia xây dựng bộ tài liệu, PGS. TS. Đỗ Văn Dũng cho hay, thông qua hội nghị lần này, ông hiểu thêm được nhiều nước trên thế giới có nhiều quan điểm đa dạng về sử dụng chất trong hoạt động tình dục của nhóm MSM. Muốn can thiệp cho nhóm người thực hành chemsex, phải hiểu cách tiếp cận, tư vấn sử dụng chất an toàn. "Qua đó, chúng tôi củng cố thêm một số cách tiếp cận phù hợp với nhóm thực hành chemsex tại Việt Nam", ông Dũng nói.

Theo ông Bảo Ân, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu ứng dụng sức khỏe nam giới và cộng đồng (CARMAH), hội nghị đưa ra nhiều thông tin có giá trị với những người hỗ trợ cộng đồng cũng như trung tâm CARMAH. Bộ tài liệu can thiệp chemsex dành cho tiếp cận viên cộng đồng của Việt Nam sẽ giúp cho các các nhân viên của phòng khám TestSGN, được hỗ trợ bởi CARMAH, có thêm công cụ hữu hiệu để sàng lọc, tư vấn và can thiệp giúp các bạn có nguy cơ sử dụng chất trong nhóm MSM giảm thiểu những tác hại về mặt sức khỏe cũng như nguy cơ lây nhiễm HIV.

Thùy Chi

hiv
}
Top