Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV

29/03/2023 16:01

(Chinhphu.vn) - Nghệ An là tỉnh đầu tiên được ưu tiên triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội từ năm 2018. Sau gần 5 năm hoạt động, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Chia sẻ kinh nghiệm triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội trong phòng chống HIV - Ảnh 1.

Việc thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã phát huy tối đa lợi thế của các tổ chức xã hội, các nhóm cộng đồng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Ảnh: Thùy Chi

Đoàn công tác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) do ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống HIV/AIDS làm trưởng đoàn vừa đến thăm, làm việc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội phòng, chống HIV/AIDS.

Tham gia đoàn công tác đại diện các dự án hỗ trợ chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hải Phòng.

Nghệ An là tỉnh đầu tiên được ưu tiên triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội từ năm 2018. Sau gần 5 năm hoạt động, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc thí điểm mô hình hợp đồng xã hội đã phát huy tối đa lợi thế của các tổ chức xã hội, các nhóm cộng đồng (CBO), mô hình này chi trả theo hiệu suất tìm ca dương tính HIV mới, khuyến khích CBO chủ động sáng tạo trong tìm ca, bản chất do nhóm CBO chủ động sàng lọc đối tượng tốt nên đạt hiệu suất cao.

Qua thời gian triển khai thí điểm mô hình hợp đồng xã hội, ngành y tế Nghệ An đã phát hiện được rất nghiều người nhiễm HIV mới, hỗ trợ rất nhiều người được tham gia điều trị bằng thuốc ARV, hỗ trợ cho bệnh nhân tham gia điều trị tuân thủ tốt.

Đồng thời, nâng cao nhận thức của người nguy cơ cao về các đường lây nhiễm HIV, cách phòng tránh, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, lợi ích của việc xét nghiệm HIV, điều trị bằng thuốc ARV và điều trị Methadone cũng như lợi ích của điều trị trước phơi nhiễm PrEP...

Tính riêng từ 10/2021 đến tháng 9/2022 kết quả triển khai đã tìm ra 236 ca dương tính mới; kết nối chuyển gửi thành công vào điều trị ARV mới 159 bệnh nhân, hỗ trợ 739 ca vào điều trị và điều trị lại, hỗ trợ 385 bệnh nhân có nguy cơ bỏ trị thực hiện tuân thủ điều trị, hỗ trợ rất nhiều người nguy cơ cao lây nhiễm HIV tham gia điều trị Methadone, PrEP…

Đánh giá cao vai trò hoạt động phòng, chống HIV/AIDS của các tổ chức xã hội, các nhóm cộng đồng (CBO), ông Trần Minh Tuệ, Phó Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho biết: Các doanh nghiệp xã hội, tổ chức xã hội hoạt động vì cộng đồng, các nhóm CBO có lợi thế đi tiếp cận truyền thông, tư vấn cho những người có hành vi nguy cơ, biết được đối tượng và nhu cầu của họ, qua đó cung cấp các dịch vụ can thiệp giảm tác hại như bơm kim tiêm, bao cao su, chất bôi trơn.

Bên cạnh đó, cộng đồng CBO cũng hỗ trợ rất đắc lực trong công tác xét nghiệm sàng lọc HIV tại cộng đồng bằng test nhanh. Tích cực tìm ca mới nhiễm HIV trong cộng đồng, bởi họ có thể dễ dàng tiếp cận giới thiệu khách hàng là người nhiễm HIV đến cơ sở điều trị ARV sớm, người chưa nhiễm dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc (PrEP) …..

Tại buổi làm việc, phía Nghệ An đã chia sẻ những thuận lợi, khó khăn cũng như quy trình đấu thầu trong quá trình triển khai mô hình. Qua đó, giúp cho các tỉnh bạn rút ra được những bài học, kinh nghiệm hữu ích khi về triển khai tại tỉnh nhà.

Ông Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS yêu cầu, cần khẩn trương giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân để bảo đảm tiến độ dự án; cần nghiên cứu kỹ để bảo đảm tính thẩm quyền, pháp lý khi thực hiện đề án; đồng thời chủ động chia sẻ kinh nghiệm thực hiện đề án với các tỉnh, thành chưa triển khai để trong thời gian tới các địa phương sẽ triển khai tốt hơn các hoạt động hợp đồng xã hội, góp phần trong công cuộc phòng chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030.

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS ước tính, các tổ chức xã hội có thể đóng góp từ 25 - 50% trong việc cung cấp một số dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Chính vì vậy cần mở rộng việc thực hiện mô hình hợp đồng xã hội thực hiện phòng chống HIV/AIDS trong thời gian tới.

Trong đó, Nhà nước cần đưa ra các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện và hỗ trợ để các tổ chức xã hội có thể tham gia cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, bố trí nguồn lực và tạo môi trường pháp lý thuận lợi để các tổ chức xã hội ký hợp đồng và sử dụng nguồn vốn trong cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Có cơ chế hợp đồng và giám sát dịch vụ chặt chẽ, minh bạch để bảo đảm hiệu quả trong việc sử dụng nguồn vốn công cho các tổ chức xã hội cung cấp dịch vụ. Nâng cao năng lực để đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật và có đủ kinh nghiệm để cung cấp các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS một cách hiệu quả.

Thùy Chi

Top