Chính sách về ma túy của một số quốc gia trên thế giới
Hoàn thiện hệ thống pháp lý về phòng, chống ma túy là một vấn đề quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy ở mỗi nước và trên toàn thế giới. Việc xây dựng chính sách phòng, chống ma túy của mỗi nước dựa trên cơ sở, nền tảng chung là các Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy (Công ước năm 1961, 1971 và 1988).
![]() |
Ảnh minh họa |
Một trong những nguyên tắc chung của Công ước quốc tế về kiểm soát ma túy là các nước tham gia phải cụ thể hóa quy định của các Công ước quốc tế trong hệ thống pháp luật phòng, chống ma túy của nước mình, bảo đảm tính đồng bộ giữa Công ước quốc tế và pháp luật của mỗi nước. Tuy nhiên, cuộc tranh luận về giải pháp chống ma túy hiện vẫn chưa có hồi kết. Các quốc gia sẽ có những giải pháp riêng tùy vào hoàn cảnh của họ.
Thái Lan
Thái Lan là một nước tiếp giáp với Myamar, một trong những trọng điểm của khu vực “Tam giác vàng”, một trung tâm sản xuất ma túy thế giới. Để đấu tranh có hiệu quả, ngăn chặn tình hình này, Chính phủ Hoàng gia Thái Lan đã có những biện pháp trong xây dựng hệ thống các văn bản pháp luật về phòng, chống và kiểm soát ma túy. Cụ thể gồm 3 nhóm chính là: Luật qui định quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực kiểm soát ma túy; Luật về kiểm soát các chất ma túy gồm: Luật về kiểm soát các chất ma túy, Luật kiểm soát các chất hướng thần, Chỉ thị khẩn cấp về việc kiểm soát các chất thơm gây nghiện, Luật về kiểm soát các loại hàng hóa; Luật cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt để ngăn chặn các hành vi liên quan đến ma túy, tổ chức cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy, chống rửa tiền, tương trợ tư pháp trong các vấn đề hình sự, dẫn độ tội phạm, tịch thu tài sản.
Trung Quốc
Trước sự tác động mạnh mẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng của tệ nạn ma túy thế giới, tệ nạn ma túy ở Trung Quốc đã diễn biến hết sức phức tạp, tỷ lệ người nghiện ở Trung Quốc ngày càng gia tăng, Trung Quốc phải tập trung mọi cố gắng nhằm kiểm soát và ngăn chặn tội phạm về ma túy. Chính phủ Trung Quốc đã ban hành các văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy như: Luật phòng, chống ma túy (được Quốc hội thông qua năm 2007); Nghị định về các biện pháp cai nghiện bắt buộc do Quốc vụ viện ban hành ( năm 1995); Nghị định kiểm soát ma túy ( năm 1987); Nghị định về quản lý các tiền chất, hóa chất (năm 2005). Trong đó, Luật phòng, chống ma túy đã qui định việc thành lập Ủy ban Quốc gia phòng, chống ma túy để chỉ đạo công tác phòng, chống ma túy ở Trung Quốc và qui định chức năng nhiệm vụ của Ủy ban này; Qui định công tác giáo dục tuyên truyền phòng, chống ma túy, việc quản lý ma túy của các cơ quan nhà nước, biện pháp cai nghiện, hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy.
Trên cơ sở Luật, Chính phủ ban hành Nghị định về các biện pháp cai nghiện bắt buộc qui định cụ thể công tác cai nghiện ma túy bắt buộc tại các cơ sở chữa bệnh; Nghị định kiểm soát ma túy tăng cường các hoạt động kiểm soát ma túy, đảm bảo việc sử dụng các chất ma túy một cách an toàn vì mục đích y tế, giáo dục và nghiên cứu khoa học, qui định cụ thể việc trồng các loại cây có chứa chất ma túy, việc cung cấp và vận chuyển, xuất nhập khẩu, sử dụng các chất ma túy; Nghị định về quản lý tiền chất, hóa chất của Trung Quốc qui định về việc sản xuất, phân phối, mua bán, vận chuyển, nhập khẩu, xuất khẩu các tiền chất, hóa chất nhằm ngăn chặn việc sử dụng các tiền chất hóa chất để sản xuất ma túy bất hợp pháp, giữ vững ổn định xã hội và kinh tế.
Úc
Mặc dù là một nền văn hóa đang phát triển nhưng Úc là quốc gia ủng hộ hợp pháp hóa cần sa và các loại ma túy khác, luật pháp ở Úc quy định về vấn đề lạm dụng và mua bán ma túy cũng tương tự như ở Hoa Kỳ. Chính phủ Úc đã tập trung cao độ nhằm nâng cao nhận thức về ma túy trong các trường học từ rất sớm tương tự như các trường trung học ở Mỹ. Điều đó chỉ ra rằng, Úc đã trở thành một trong những nước tiên phong khởi xướng về các biện pháp giảm tác hại của ma túy, chẳng hạn như các chương trình trao đổi bơm kim tiêm miễn phí hoặc bán với giá rất rẻ; chương trình điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng methadone.
Hà Lan
Sự khác biệt lớn nhất của chính sách về ma túy giữa Hà Lan và Hoa Kỳ là Chính phủ Hà Lan tiếp cận và nhìn nhận về ma túy như là một vấn đề liên quan đến sức khỏe chứ không phải là một vấn đề hình sự. Nước này đầu tư nhiều tiền hơn vào việc điều trị cai nghiện ma túy, giáo dục về phòng, chống lạm dụng ma túy hơn là việc bắt giam những người thường xuyên lạm dụng ma túy. Đáng chú ý, Hà Lan là nước duy nhất hoàn toàn hợp pháp hoá việc sử dụng và mua bán cần sa.
Hoa Kỳ
Các hình phạt nhằm vào việc tàng trữ hoặc mua bán các chất ma túy tại Hoa Kỳ rất khắc nghiệt, điều đó được chứng minh bằng thực tế là một tỷ lệ lớn tù nhân trong các nhà tù ở đất nước này có liên quan đến các vấn đề về ma túy. Tổng thống Richard Nixon bắt đầu "cuộc chiến chống lại ma túy" trong những năm 1970, kể từ thời điểm đó nước này đã chi hàng tỷ USD để đưa những người sử dụng ma túy ra tòa án để xét xử và truy lùng những kẻ buôn ma túy ở khu vực biên giới và bên trong các bang của Hoa Kỳ.
Vương quốc Anh
Người Anh đã luôn luôn duy trì quan điểm của họ trong chính sách về ma túy và điều này là không thay đổi trong thế kỷ XXI. Đạo luật về lạm dụng các chất ma túy năm 1971 đã chia tất cả các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy thành ba loại: Loại A, loại B và loại C - với "A" là các chất ma túy nguy hiểm nhất và "C" là các chất ma túy ít nguy hiểm nhất. Trong khi luật về tàng trữ các chất ma túy với một lượng nhất định có sự tự do hơn ở Anh so với Hoa Kỳ, nhưng sở hữu ma túy nhằm ý định bán lại sẽ dẫn tới khả năng bị phạt tù chung thân.
Thụy Sĩ
Thụy Sĩ là nguồn gốc của một số chính sách tự do nhất trên thế giới liên quan đến các tội phạm về ma túy. Chính phủ Thụy Sĩ nhấn mạnh vào việc "phòng ngừa, điều trị, giảm thiểu tác hại và ngăn cấm". Quốc gia này đã đặt tầm quan trọng đặc biệt vào việc giúp đỡ người nghiện ma túy để được điều trị một cách toàn diện và làm hết khả năng của mình để đảm bảo sự an toàn cho người đang cai nghiện ma túy. Trong thực tế, nước này gần đây là nơi tập trung gây nên những tranh cãi trên toàn thế giới do việc Chính phủ tài trợ "phòng an toàn", nơi người nghiện heroin có thể tiêm chích ma túy với các kim tiêm sạch trong một môi trường có kiểm soát của Chính phủ.
Đức
Đức được coi là một trong những quốc gia có chính sách về ma túy khắt khe nhất ở Châu Âu. Mặc dù ban hành những hình phạt hà khắc gắn liền với việc bán hoặc sở hữu một lượng lớn ma túy nhưng sở hữu một lượng ma túy nhỏ hoặc sử dụng các chất gây nghiện bao gồm cả cần sa thì không được coi là phạm pháp hình sự. Chính phủ Đức thậm chí đã từng đi khá xa với việc cho phép các "phòng ma túy" hoạt động có sự giám sát như đã từng thấy ở Hà Lan, nơi các cá nhân có thể sử dụng loại ma túy họ muốn một cách an toàn và được tư vấn khi cần thiết.