Chốn ‘hồi sinh’ của những đoạn đời
(Chinhphu.vn) – Trong hơn 1.000 người từng sống tại mái ấm thì có rất nhiều người tiến triển tích cực về sức khỏe, đã tái hòa nhập cộng đồng... Đặc biệt, nhiều trường hợp HIV/AIDS giai đoạn cuối không những khỏe lại mà còn có thể lập gia đình, sinh con khỏe mạnh.
Linh mục Đinh Trần Thanh Tú (trái) trò chuyện cùng một số người tại mái ấm
Trong một hẻm nhỏ trên đường Tam Châu, phường Tam Bình, TP Thủ Đức, TPHCM suốt nhiều năm nay có một vị linh mục dựng nên một mái ấm rồi đón những người đang kiệt quệ về tinh thần, toàn thân lở loét và thoi thóp những hơi thở cuối về chăm sóc.
Đó là linh mục Đinh Trần Thanh Tú (50 tuổi) - người sẵn sàng tìm đến chăm sóc, lo lắng cho những người bệnh hiểm nghèo giai đoạn cuối như HIV/AIDS, lao, ung thư... nhưng không tiền bạc và chẳng có người thân.
Hơn 1.000 con người có số phận hẩm hiu, bị ruồng bỏ, lạnh lẽo, đau đớn trong bệnh tật cuối đời đã được tận hưởng một "giai đoạn cuối" đầy ấm áp. Qua thời gian, không ít trong số ấy như hồi sinh...
"Về nhà"
Mái ấm Naza nằm lặng lẽ trong hẻm nhỏ trên đường Tam Châu, phường Tam Bình, TP Thủ Đức. Cha Tú, các cha dòng Camillo, các tình nguyện viên và những bệnh nhân ở đây gọi Naza là nhà. Những bệnh nhân mới gia nhập được xem là "về nhà", vì đó chính là chốn bình yên đúng nghĩa khi rơi vào giai đoạn cuối của bệnh.
Ở ngôi nhà chung này, dù không được phân công bất kỳ công việc nào nhưng chỉ cần mình khỏe hơn thì các bệnh nhân lại sẵn sàng chăm người bệnh yếu, hễ ai bệnh trở nặng là tất cả cùng xúm vào lo. Vừa rửa tay sau khi vệ sinh vết thương cho bệnh nhân, vị linh mục nhớ như in ngày đầu gầy dựng nên mái ấm với bao khó khăn bủa vây.
Đó là vào năm 2007, mái ấm Naza chỉ là một căn nhà cấp 4 lụp xụp trên đường Thái Sơn (quận Tân Phú, TPHCM). Ban đầu, nhiều bệnh nhân AIDS tìm đến mái ấm, có những bệnh nhân bị lở loét nặng cần được hỗ trợ, chăm sóc đặc biệt.
"Khổ nỗi lúc đó cơ sở vật chất của mái ấm không được đầy đủ, rồi toàn những bệnh nhân nặng, dẫn đến có quá nhiều người mất nên người chủ đã lấy lại nhà" - cha Tú kể.
Vị linh mục xin tá túc nhờ ở một địa điểm khác, nhận được sự chung tay của nhiều cá nhân để tạo nên một không gian đủ tốt cho bệnh nhân. Có những thời điểm khó khăn, cha Tú tìm về gia đình nhận từ ba mẹ những gì có thể mang đi như lúa gạo, mắm muối, con cá hay thậm chí chỉ là bó rau...
Câu chuyện bị gián đoạn khi có tiếng gõ cửa bên ngoài. "Là mấy bà hàng xóm, chắc là qua cho gì đây mà" - cha Tú nói và bước vội ra cổng. Có ba người hàng xóm thân quen của Naza khệ nệ nhiều đùm trái cây tiến vào.
Giọng đầy tươi vui, bà Cao Thị Đào (người hàng xóm của Naza) vừa lấy trái cây phát cho bệnh nhân vừa vui vẻ kể: "Tụi tui ở cạnh bên đôi khi rảnh cũng sang giúp mọi người quét sân, làm cỏ hoài. Ban đầu thấy bệnh nhân từ đâu mà về đây ở đông quá, lâu lâu lại có một người chết, ngại lắm. Nhưng dần dà, hiểu được việc của cha Tú làm nên cảm thông, rồi quay qua ủng hộ. Cả cái xóm này đều biết đến Naza và luôn sẵn lòng giúp mọi thứ".
Tình yêu phi thường
Ngày 12-12-2018, Doanh nghiệp xã hội Mai Tâm được Nhà nước cấp giấy phép và chính thức hình thành. Doanh nghiệp này gồm nhiều mái ấm và phòng khám, là bước phát triển mới trên nền tảng các hoạt động xã hội chăm sóc bệnh nhân của Dòng Tá viên mục vụ bệnh nhân (Camillians) với tiền thân là bước đi dài của 15 năm phục vụ.
Từ năm 2003, các tu sĩ Camillians dấn thân vào các hoạt động chăm sóc bệnh nhân tại Tổng giáo phận Sài Gòn. Năm 2005 là sự hình thành sơ khai của mái ấm Mai Tâm dành cho các bà mẹ đơn thân và các trẻ mồ côi chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS; năm 2007, mái ấm Naza được dành cho các bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối có hoàn cảnh cơ nhỡ; và các phòng khám Camillo được thành lập, như phòng khám Mai Khôi - Đồng Tiến là phòng khám từ thiện ngoài giờ dành cho người nghèo; hay các tu sĩ Camillians cũng tiếp nhận phòng khám nhân đạo Kinh 7 ở Tân Hiệp (Kiên Giang) phục vụ đồng bào nghèo khu vực miền Tây...
Riêng mái ấm Naza suốt 14 năm qua, mỗi ngày các cha dòng Camillo, cha Tú và các tình nguyện viên thay nhau chăm từng bữa ăn, giấc ngủ, viên thuốc cho hàng chục người. Đến nay, vào thời điểm đông nhất, Naza cùng lúc chăm sóc cho 25 người. Ngoài bệnh nhân AIDS giai đoạn cuối còn có cả người ung thư giai đoạn cuối, lao đa kháng thuốc, người già neo đơn...
Người trẻ nhất đang sống trong mái ấm là bệnh nhân ung thư 32 tuổi, người lớn nhất là một cụ ông 94 tuổi (bị bệnh về huyết áp, không người thân). Nếu không may có người bệnh vô gia cư, không thân nhân qua đời khi họ đang sống tại mái ấm thì cũng chính cha Tú là người lo liệu từ kinh phí cho ma chay, hỏa táng.
Mỗi người ở mái ấm đều được miễn phí hoàn toàn chi phí ăn ở, thuốc men và cả tiền bảo hiểm. Ngoài chăm sóc y tế theo hướng dẫn của các bác sĩ, cha Tú cùng một số tình nguyện viên khác tại mái ấm còn hướng dẫn tập vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho người bệnh. Vì sức khỏe mỗi người thay đổi từng giờ một nên người khỏe sẽ chăm sóc, tắm rửa, thậm chí thay tã, đổ chất thải cho những người yếu "liệt giường" mà chẳng cần ai nhắc nhở.
Nặng nhọc ngồi dậy, một bệnh nhân HIV chậm rãi gửi ánh nhìn ấm áp người đối diện và nói ngắn gọn: "Nói thật, nếu không có duyên vào Naza, tôi đã chết từ lâu rồi".
Ngoài việc chăm sóc bệnh nhân, cha Tú cùng cộng sự nỗ lực đi tìm lại người thân cho họ, dùng phương pháp mưa dầm thấm lâu giúp họ hòa hợp được với gia đình.
Không may và cũng chẳng hay biết mình lây phải căn bệnh thế kỷ cho tới khi người chồng ngã bệnh (đã mất), chị T.H.M. (34 tuổi) nói rằng hiện mình được sống đã là phúc phần. Ngày chuyển từ bệnh viện về mái ấm (năm 2015) trong tình cảnh sự sống leo lắt, nặng chỉ 28kg, nay sức khỏe chị hầu như đã bình phục, mầm bệnh HIV trong cơ thể cũng đã được khống chế nhờ uống thuốc mỗi ngày. Chị có thể rời mái ấm nhưng đã tình nguyện ở lại để phụ cha Tú phục vụ những bệnh nhân khác.
Chị chia sẻ: "Mình được chính mái ấm này cưu mang lúc khó khăn nhất thì lúc bình phục không thể cứ thế mà rời đi được. Mọi người sống với nhau như người nhà, hơn nữa mình cũng từng như họ nên sẽ dễ bề chăm sóc, cảm thông và chia sẻ với nhau hơn".
Trong hơn 1.000 người từng sống tại mái ấm thì có rất nhiều người tiến triển tích cực về sức khỏe, đã tái hòa nhập cộng đồng... Đặc biệt, nhiều trường hợp HIV/AIDS giai đoạn cuối không những khỏe lại mà còn có thể lập gia đình, sinh con khỏe mạnh.