Chủ động phát hiện bệnh lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng

24/12/2021 10:42

Thông tin từ Chương trình Chống lao Quốc gia vừa cho biết, dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Hỗ trợ chấm dứt bệnh lao đã hoàn thành 8 đợt của Chiến dịch phát hiện chủ động ca lao và lao tiềm ẩn tại cộng đồng ở các tỉnh, thành phố: Nghệ An, Tiền Giang, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp và Thái Bình đã kết thúc trong tháng 11/2021.

 Thông điệp hỗ trợ chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam

Chiến dịch đã sàng lọc bệnh lao cho người tiếp xúc, hộ gia đình của bệnh nhân lao phổi được chẩn đoán trong vòng 2 năm tính tới thời điểm thực hiện. Các nhóm nguy cơ cao bao gồm người già trên 60 tuổi, bệnh nhân tiểu đường, người hút thuốc lá, người mắc bệnh nền hoặc bệnh hô hấp mãn tính và nhóm bệnh nhân lao cũ đã hoàn thành điều trị. Người dân đến khám sàng lọc bệnh lao được chụp phim X-quang, xét nghiệm GeneXpert và TST miễn phí.

Đại diện dự án cho biết: “Chiến dịch phát hiện được 136 ca lao hoạt động và 499 ca lao tiềm ẩn. Đặc biệt, tại các chiến dịch phát hiện chủ động bệnh lao ở cộng đồng của 7 tỉnh, thành phố, dự án đã lắp đặt thiết bị trí tuệ nhân tạo (qBox), hỗ trợ kỹ thuật để cán bộ chẩn đoán hình ảnh của đại phương phối hợp đọc cùng trí tuệ nhân tạo (AI/DL) theo quy trình hướng dẫn đã thống nhất với Chương trình Chống lao Quốc gia. Kết quả bước đầu cho thấy, AI/DL giúp cải thiện chất lượng phát hiện ca lao trong cộng đồng, giảm thiểu việc thực hiện xét nghiệm GeneXpert không cần thiết”.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Nhung, Chủ nhiệm Chương trình Chống lao Quốc gia, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, cho biết: Trước đây, chúng ta đợi người dân có triệu chứng đến khám, phát hiện lao, nay chúng ta phải chủ động đến với người dân. Thông qua chương trình mà bản đồ tầm soát lao được hình thành. Đây sẽ là chiến dịch tầm soát như phòng, chống COVID-19.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, công tác phát hiện và điều trị lao tại các tỉnh, thành phố đã phải chịu ảnh hưởng rất lớn. Do vậy, dự án đã phối hợp với các tỉnh triển khai chiến dịch theo đúng "Hướng dẫn triển khai các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh lao trong bối cảnh dịch COVID-19" của Chương trình Chống lao Quốc gia để đảm bảo an toàn cho người tham gia và cán bộ y tế.

Dự án USAID Hỗ trợ Chấm dứt Bệnh lao nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Tổ chức FHI 360 và của Chương trình Chống lao Quốc gia. Dự án đang triển khai hoạt động phát hiện, điều trị và dự phòng lao để hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.

Theo USAID, Việt Nam đứng thứ 11 trong số 30 quốc gia chiếm gần 90% gánh nặng bệnh lao trên thế giới. Mỗi năm, ước tính có 170.000 bệnh nhân lao mới, nhưng chỉ có khoảng 100.000 người được điều trị và báo cáo trong hệ thống lao quốc gia. Dự án USAID Hỗ trợ chấm dứt bệnh Lao sẽ giúp Chính phủ Việt Nam đạt được mục tiêu quốc gia chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, cụ thể là giảm 90% tỷ lệ bệnh lao mới, giảm 95% tỷ lệ tử vong do lao và giảm gánh nặng chi phí cho bệnh nhân lao.

Mục tiêu chính của dự án là hỗ trợ Chính phủ Việt Nam phát hiện, điều trị và dự phòng bệnh lao thành công và đảm bảo bệnh nhân được chăm sóc tốt mà không phải chịu gánh nặng chi phí thảm hoạ. Dự án sẽ dành ưu tiên cho hệ thống y tế công, đồng thời thu hút sự tham gia của cộng đồng, các nhà cung cấp dịch vụ y tế tư nhân và các đối tác khu vực tư nhân để tiếp cận được tất cả bệnh nhân lao. Chiến lược của dự án là phát triển và thực hiện các công cụ hướng dẫn quan trọng để cung cấp thông tin cập nhật về chính sách y tế cũng như cải tiến và đưa ra các cách tiếp cận mới nhằm chấm dứt bệnh lao.

Top