Chủ động phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên

10/11/2021 16:40

(Chinhphu.vn) - Theo Bộ GD&ĐT, mặc dù trong thời gian qua, nhiều địa phương tổ chức học trực tuyến để phòng dịch COVID-19 nhưng tình trạng học sinh sử dụng các chất kích thích trong và ngoài cơ sở giáo dục vẫn xảy ra. Cùng với đó, vẫn còn tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm đạo đức, lối sống, an toàn trường học, vi phạm pháp luật, bạo lực học đường.

 Nhiều loại ma túy đội lốt thực phẩm, kẹo bánh, đe dọa sự an toàn của học sinh, sinh viên

Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống ma túy trong trường học, ngày 24/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch số 599/KH-BGDĐT triển khai thực hiện 5 nhiệm vụ phòng chống AIDS, ma túy, mại dâm trong trường học năm 2021.

Căn cứ Kế hoạch này, Sở GD&ĐT các địa phương phối hợp với cơ quan chức năng để xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ trong Kế hoạch số 599. Đồng thời chỉ đạo các trường học đưa nội dung phòng, chống ma túy vào giảng dạy trong các chương trình dạy học chính khóa và tổ chức lồng ghép trong các hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa…

Theo Bộ GD&ĐT, hiện có 12/63 UBND tỉnh, thành phố đã phê duyệt và ban hành kế hoạch thực hiện; có 4/63 tỉnh, thành đã được UBND tỉnh phê duyệt kinh phí triển khai (bao gồm Lạng Sơn, Cao Bằng, Đắk Nông và Bến Tre); 11/63 tỉnh, thành đề xuất chuyển thực hiện một số nhiệm vụ sang năm 2022 do tình hình dịch bệnh kéo dài, không có kinh phí thực hiện.

Cũng trong thời gian qua, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác phòng, chống ma tuý trong trường học, nên ngay từ đầu năm học, các cơ sở giáo dục trong cả nước đã chủ động xây dựng quy chế phối hợp giữa nhà trường - công an - gia đình; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phòng, chống ma túy, tội phạm tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh các nhà trường. Ngành Giáo dục các địa phương cũng đã tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm có nội dung về phòng chống ma túy cho học sinh, sinh viên ở các cấp học.

Các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động đổi mới nội dung, chương trình, hình thức giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, kỹ năng sống cho học sinh trong chương trình chính khóa và các hoạt động ngoại khóa; các phong trào thi đua và hoạt động của tổ chức Đoàn, Đội trong nhà trường phát huy hiệu quả, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh, sinh viên. Hiện cả nước có gần 30.000 cơ sở giáo dục an toàn, chiếm 97%.

Tuy nhiên, tình trạng sử dụng các chất ma túy trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên vẫn diễn ra phức tạp. Đặc biệt, thời gian gần đây, tại một số tỉnh đã xảy ra hiện tượng ma túy tổng hợp được đóng gói che giấu trong các vỏ bọc rất tinh vi, nguy hiểm, khó nhận biết như gói bột thực phẩm; nước hoa quả pha uống, dạng kẹo... được bán tại hàng quà vặt khu vực gần trường học, khu nhà trọ đe dọa sự an toàn của học sinh, sinh viên, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng và nhà trường trong việc phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh ngăn chặn.

Điển hình như ngày 25/10/2021, tại buổi sinh hoạt dưới cờ Trường THPT Hoành Bồ, tỉnh Quảng Ninh, xuất hiện tình trạng 13 học sinh có biểu hiện ngộ độc (tê chân tay, tâm lý bất thường). Nhà trường đã tổ chức đưa 13 học sinh vào bệnh viện kiểm tra, kết quả xét nghiệm nước tiểu phát hiện 5/13 em dương tính với chất ma túy (cần sa). Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương, vẫn xảy ra nguy cơ mất an toàn đối với học sinh như việc sử dụng các loại thuốc lá, nhất là thuốc lá điện tử có chất kích thích.

Trong thời gian tới, tuy tình hình dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, nhưng việc mở cửa trường học đón học sinh, sinh viên trở lại là vô cùng cần thiết. Vì vậy, tổ chức các hoạt động phòng chống tệ nạn, phòng chống ma túy trong trường học và đảm an toàn sức khỏe học sinh cần được các cơ sở giáo dục, quan tâm theo đúng chỉ đạo, căn cứ tình hình của từng địa phương.

Tại Hội thảo trực tuyến đánh giá, triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng chống ma túy trong trường học năm 2021 và bảo đảm an toàn trường học khi học sinh học trực tiếp tại trường, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị các Sở GD&ĐT cần chủ động tham mưu cho UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để triển khai hiệu quả 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống AIDS, ma túy, mại dâm theo kế hoạch đã ban hành.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, Thứ trưởng đề nghị các địa phương chủ động xây dựng các phương án, quy trình xử lý những sự cố phát sinh khi học sinh quay trở lại trường học tập trực tiếp. Trong đó, ngành Giáo dục cần tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tại địa phương nhằm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19 trong trường học.

Đối với công tác phòng, chống ma túy, triển khai việc giảng dạy trong chương trình chính khóa, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở địa phương khảo sát, đánh giá thực trạng, nguy cơ tệ nạn ma túy trong trường học; tổ chức tuyên truyền, tập huấn về phòng, chống tác hại của ma túy cho các cán bộ đoàn, hội, đội trong nhà trường; đa dạng hóa các biện pháp tuyên truyền để học sinh, sinh viên nhận biết các nguy cơ, tác hại của ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp trá hình dưới dạng kẹo, nước ngọt bày bán khu vực cổng trường; xây dựng và triển khai Dự án “Cùng chung tay bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” theo hình thức xã hội hóa…

}
Top