Chủ động phòng và kiểm soát bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV
(Chinhphu.vn) - Người nhiễm HIV là người dễ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Do đó, họ thường chỉ chú ý phòng tránh các bệnh này, mà quên đi một số bệnh không lây nhiễm cũng rất nguy hiểm.
Bệnh nhân nhiễm HIV nghiện ma túy cần điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Ảnh: Thùy Chi
Các loại bệnh nhiễm trùng cơ hội thường gặp ở bệnh nhân HIV/AIDS bao gồm: Nhiễm nấm Candida phế quản, khí quản, thực quản, phổi, bệnh lao gây ra bởi vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis…
Bệnh không lây nhiễm thường là các bệnh mạn tính, không có khả năng lây truyền nhưng thời gian mắc bệnh kéo dài. Chính vì chủ quan nên những loại bệnh này đang trở thành thảm họa của xã hội hiện đại do tỉ lệ tàn phế và tử vong cao. Lối sống thiếu lành mạnh, lạm dụng nhiều rượu bia, thuốc lá, sử dụng thức ăn nhanh... là nguyên nhân chính dẫn đến căn bệnh này.
Một số bệnh không lây nhiễm nguy hiểm ở người nhiễm HIV, bao gồm:
Ung thư
Người nhiễm HIV có nguy cơ cao bị ung thư hơn so với những người bình thường. Cụ thể là ung thư hậu môn, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, trực tràng, gan, tiền liệt tuyến. Chính vì vây, người niễm HIV cần được sàng lọc định kỳ để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.
Xơ gan
Những bệnh nhân bị xơ gan thường là những bệnh nhân nghiện rượu. Đồng nhiễm viêm gan B, C. Hoặc mắc một số bệnh lý gan mạn tính khác (bệnh chuyển hóa, bệnh tự miễn…).
Những bệnh nhân này cần được sàng lọc và chuẩn đoán lâm sàng tuần hoàn bàng hệ, dịch cổ trướng, hội chứng suy gan thận, hoặc não gan; tính chỉ số APRI và phân độ theo bảng điểm Child-Pugh; hình ảnh xơ gan qua siêu âm gan bao gồm cả fibroscan, sinh thiết gan; nội soi thực quản để đánh giá tình trạng giãn tĩnh mạch thực quản; hội chuẩn chuyên khoa gan mật và lên kế hoạch theo dõi, điều trị; theo dõi chức năng gan định kỳ 6 tháng/lần và sàng lọc ung thư gan.
Để phòng và xử trí bệnh này, cần điều trị căn nguyên liên quan đến xơ gan nếu có (viêm gan virus B, C và các bệnh lý gan liên quan). Người bệnh nhiễm HIV không được uống rượu, bia và phải bảo đảm đầy đủ các dinh dưỡng phù hợp, tăng cường các axit amin cần thiết và hạn chế sử dụng muối.
Khi bệnh nhân nhiễm HIV bị xơ gan cần điều trị giảm áp lực tĩnh mạch cửa và dự phòng vỡ giãn tĩnh mạch cửa bằng thuốc lợi tiểu, propranolol; điều trị các đợt mất bù của xơ gan, hội chứng não gan, suy gan thận, các biến chứng chảy máu, nhiễm trùng.
Thận trọng khi sử dụng các thuốc tính độc gan như paracetamol; tránh dùng các thuốc chống viêm non-steroid do có nguy cơ gây chảy máu và suy thận.
Bệnh thận
Bệnh lý thận mạn tính thường gặp ở người nhiễm HIV là bệnh lý ống lượn gần thận, ống lượn xa thận, viêm kẽ thận và sỏi thận.
Những bệnh nhân HIV nguy cơ cao bị bện thận là những bệnh nhân tăng huyết áp mạn tính, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, nhiễm HIV giai đoạn tiến triển, tuổi cao, sử dụng các thuốc độc tính với thận như TDF, PI tăng cường ritonavir…
Cần đánh giá chức năng thận lúc người bệnh mới đăng ký điều trị; theo dõi chức năng thận ở những người có yếu tố nguy cơ, xét nghiệm nước tiểu nếu xác định có suy thận; chẩn đoán hình ảnh tìm sỏi thận, đánh giá các bất thường về cấu trúc thận khi có chỉ định; hội chẩn chuyên khoa thận-tiết niệu để chaar đoán bệnh lý thận và xây dựng phác đồ điều trị cho người bệnh…
Để phòng bệnh và xử trí cho những bệnh nhân HIV bị thận, cần điều trị ARV sớm cho người HIV có bệnh lý thận liên quan đến HIV, tránh sử dụng các thuốc có độc tính với thận. Người bệnh cần được tư vấn đầy đủ về chế độ an, giảm cân, không hút thuốc, ăn ít muối. Và cần được điều trị bệnh lý liên quan như đái tháo đường, tăng huyết áp, tăng lipid máu.
Bác sĩ cần xem xét điều chỉnh phác đồ ARV cho bệnh nhân, thay thuốc gây suy thận bằng thuốc khác nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực ức chế HIV của phác đồ, điều chỉnh liều ARV theo mức lọc cầu thận.
Bệnh lý xương
Các bệnh nhân nhiễm HIV bị bệnh lý xương đa phần là những người trên 50 tuổi, thiếu vitamin D, là người hút thuốc lá, thường ít vận động, suy dịnh dưỡng hoặc bị béo phì.
Người có tiền sử gãy xương đùi hoặc dùng corticoid kéo dài cũng dễ bị mắc bệnh lý về xương. Người mắc bệnh đái tháo đường, một số bệnh nội tiết (cường giáp và cận giáp, bệnh tuyến sing dục nữ), bệnh lý thận (hội chứng Fanconi)…
Những bệnh nhân này cần được sàng lọc, hội chuẩn chuyên khoa xương, dinh dưỡng và cần sớm được điều trị nếu có bệnh lý xương và nguy cơ gãy xương; đo hấp phụ tia X năng lượng kép, chụp cộng hưởng từ bộ phận xương có liên quan, nếu có chỉ định và có điều kiện.
Những bệnh nhân nhiễm HIV để phòng các bệnh lý về xương không nên hút thuốc lá, điều chỉnh lại lối sống. Điều trị các bệnh lý liên quan như đái tháo đường, tăng lipid máu. Đặc biệt, cần. bổ sung đủ canxi và vitamin D hàng ngày. Xem xét điều chỉnh phác đồ ARV, thay thuốc khác nhưng vẫn bảo đảm hiệu lực ức chế HIV của phác đồ.
Rối loạn nhận thức thần kinh
Bệnh lý rối loạn nhận thức thần kinh liên quan đến HIV là tình trạng rối loạn một loạt các chức năng quan trọng về nhận thức, hành vi, và vận động ở người nhiễm HIV, liên quan tới sự xâm nhập của HIV và hệ thần kinh trung ương, cũng như tổn thương của hệ thần kinh trung ương.
Để sàng lọc bệnh này cho người nhiễm HIV, cần đánh giá khả năng ngôn ngữ, khả năng tập trung trí nhớ, trí nhớ ngắn hạn, tốc độ suy nghĩ, khả năng suy luận, chức năng vận động. Đánh giá trầm cảm và điều trị trầm cảm nếu chuẩn đoán xác định…
Các bệnh lý tim mạch, rối loạn mỡ máu, tiểu đường
Những bệnh nhân nhiễm HIV nếu hút thuốc lá, lạm dụng bia rượu, chế độ ăn nhiều chất béo, tình trạng béo phì, tuổi cao, tình trạng ít vận động đều có nguy cơ cao mắc các bệnh trên.
Cần đánh giá nguy cơ bệnh lý tim mạch, tiểu đường và rối loạn lipid của người bệnh ngay từ khi bắt đầu điều trị và trong quá trình điều trị.
Có thể sàng lọc và chuẩn đoán các bệnh trên cho người nhiễm HIV bằng cách theo dõi huyết áp, sàng lọc triệu chứng bệnh mạch vành mỗi lần người bệnh đến khám, lưu ý những người có yếu tố nguy cơ. Làm điện tim khi nghi có bệnh mạch vành; hội chuẩn chuyên khoa tim mạch để đánh giá và thăm dò sâu hơn nếu có điều kiện; theo dõi các biến chứng tim mạch như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim.
Để phòng các bệnh này, người nhiễm HIV không nên hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, hạn chế ăn chất béo và tinh bột, nhưng vẫn phải duy trì các chế độ dinh dưỡng để đủ năng lượng, tăng cường ăn rau quả và tăng cường vận động…
Tóm lại, những người nhiễm HIV nên tránh xa rượu. Để phòng tránh các bệnh không lây nhiễm nguy hiểm, người nhiễm HIV cần được sàng lọc về tình trạng lạm dụng rượu; sàng lọc khi bắt đầu điều trị và khi có biểu hiện gợi ý, khi bệnh nhân nghi ngờ thất bại điều trị.
Những người nhiễm HIV cần phải hiểu rõ về ảnh hưởng của việc nghiện, hay lạm dụng rượu bia đố với tuân thủ điều trị ARV, chức năng gan, nguy cơ tăng độc tính của các thuốc ARV.
Đặc biệt, để phòng tránh các bệnh trên, người nhiễm HIV không sử dụng các chất dạng thuốc phiện. Cần phải tránh xa các chất này. Đối với những bệnh nhân chưa cai được cần phải thực hiện các biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm để phòng tránh lây bệnh cho những người khác. Bệnh nhân cần chủ động sử dụng bơm kim tiêm riêng, sử dụng bao cao su, điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và giới thiệu chuyển gửi đến dịch vụ điều trị thay thế bằng Methadone hoặc Buprenorphine.