Chuyển đổi giới tính trong pháp luật một số quốc gia
Theo tài liệu của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE), tính đến tháng 9/2015, phần lớn quốc gia châu Âu, châu Mỹ và nhiều nước châu Á đã thừa nhận quyền thay đổi tên và giới tính sau khi phẫu thuật chuyển giới với những điều kiện khác nhau như: Yêu cầu về độ tuổi, tình trạng hôn nhân, triệt sản, phẫu thuật một phần.
Đặc biệt, hiện có 61 nước đã hợp pháp hóa việc thay đổi tên và giới tính trên giấy tờ, tức là không cần qua phẫu thuật chuyển giới. Một số quốc gia đã cho phép người liên giới tính được lựa chọn một giới tính thứ ba (ngoài “nam” và “nữ”), ví dụ như Úc (2011), New Zealand (2012)... Ở Đức (2013), trẻ em liên giới tính trong giấy khai sinh được để trống phần giới tính, khi lớn lên các em có thể lựa chọn giới tính “nam’, “nữ” hoặc “X”.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn internet |
Theo thống kê của trang Equaldex, tính đến tháng 12/2016, có 60 quốc gia đã hợp pháp hoá quyền chuyển đổi giới tính, 95 quốc gia chưa hợp pháp hoá nhưng cũng không cấm, 58 quốc gia vẫn cấm việc chuyển đổi giới tính.
Ở châu Âu, hiện có 38 quốc gia cho phép phẫu thuật thay đổi giới tính theo mong muốn, và đi kèm là quyền phái sinh thừa nhận tên và giới tính mới trên giấy tờ nhân thân. Những quốc gia này bao gồm toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu và một số nước ngoài Liên minh, chỉ trừ Albania, Andorra, Armenia, Cyprus, Georgia, Kosovo, Macedonia, Monaco, San Marino và Serbia.
Hiện ở châu Âu chỉ một số ít nước mặc dù cho phép phẫu thuật chuyển giới nhưng vẫn chưa cho phép thay đổi giới tính trên giấy tờ nhân thân. Ngoài ra, một số nước vẫn còn quy định những điều kiện được cho là ngặt nghèo để được công nhận giới tính mới, như: Phải qua phẫu thuật, vô sinh, và độc thân. Mặc dù vậy, những quy định này đang ngày càng được xoá bỏ, vì bị cho là vi phạm nguyên tắc tự do cơ thể. Nhiều quốc gia đã không còn yêu cầu phải phẫu thuật (nhưng vẫn yêu cầu chứng nhận của bác sĩ tâm lý) để được thừa nhận giới tính mới, cũng không yêu cầu phải triệt sản khi phẫu thuật hoặc điều kiện đang độc thân. Độ tuổi cho phép chuyển giới cũng ngày càng hạ xuống, từ tối thiểu 21 xuống 20, 18, 16… vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bản dạng giới có thể được khẳng định từ rất sớm, và việc chuyển giới được thực hiện đúng thời điểm sẽ làm giảm sự trầm cảm cũng như kỳ thị từ những người xung quanh.
Ở châu Á, nhiều nước đã thừa nhận giới tính mới sau khi phẫu thuật, như Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Phillipines… trong khi một số nước và vùng lãnh thổ không yêu cầu phải phẫu thuật để thay đổi giới tính trong giấy tờ, như Hàn Quốc, Đài Loan, Israel… Ngay ở Trung Quốc, từ trước đến nay cũng không có quy định pháp luật nào cấm phẫu thuật chuyển giới. Vào các năm 2002 và 2008, Bộ Công an Trung Quốc ban hành hai văn bản hướng dẫn về việc thay đổi giới tính trên sổ hộ khẩu và thẻ căn cước, sau khi nhận thấy người chuyển giới gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký thay đổi hộ tịch. Theo các văn bản này, sau khi đã chuyển đổi thành công trên giấy tờ, người chuyển giới có tất cả quyền và nghĩa vụ theo giới tính mới, bao gồm cả việc kết hôn. Ước tính đến nay đã có khoảng 400.000 người chuyển giới ở đất nước đông dân nhất thế giới này. Tuy nhiên, vào năm 2009, Bộ Công an Trung Quốc ban hành một số quy định chặt chẽ hơn về vấn đề chuyển giới, trong đó có điều kiện phải trên 20 tuổi, không có tiền án, phải sống công khai với giới tính mong muốn ít nhất 3 năm trước khi phẫu thuật, và phải hoàn tất quá trình phẫu thuật trước khi thay đổi giấy tờ. Quy định này bị các chuyên gia cho là quá khắc nghiệt, vì theo hướng dẫn chính thức của Hiệp hội Chuyên khoa về Sức khỏe chuyển giới, thì chỉ cần 3 điều kiện là đủ, đó là: 12 tháng liên tục sống công khai như giới tính mình mong muốn, sử dụng liệu pháp hoóc-môn và một chứng nhận từ chuyên gia tâm lý.
Ở Hàn Quốc, vào năm 2006, Chính phủ ban hành một văn bản pháp luật quy định rằng người chuyển giới có thể thực hiện thay đổi giới tính trên giấy tờ khi đã phẫu thuật sao cho giống với “cơ quan sinh dục ngoài” của giới tính mà mình muốn chuyển sang. Mặc dù quy định này được xem là một bước tiến về vấn đề chuyển giới so với trước đó, nhưng thực tế là không phải ai cũng đủ tiền bạc để thực hiện phẫu thuật, đặc biệt là phẫu thuật từ nữ sang nam. Vì vậy, vào năm 2013, Tòa án Tối cao nước này đã ra phán quyết rằng một người không nhất thiết phải phẫu thuật chuyển giới mới có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ sau khi xem xét một vụ kiện mà nguyên đơn là 5 người chuyển giới, tất cả đều chưa trải qua phẫu thuật.
Ở châu Mỹ, trong khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng các quốc gia hợp pháp hoá quyền chuyển giới liên tục tăng, cho đến nay đã là 11/53, trong đó có những nước như Cu Ba – nơi mà Nhà nước không chỉ cho phép chuyển giới mà còn chi trả chi phí phẫu thuật.
Ở châu Đại dương, cả hai nước lớn nhất là Úc và New Zealand đều đã hợp pháp hoá chuyển giới (Úc: 1987, chi phí phẫu thuật cũng do Nhà nước chi trả; New Zealand: 1993).
Riêng ở châu Phi, hiện mới chỉ có Nam Phi hợp pháp hoá quyền này (từ năm 2003). Theo pháp luật của Nam Phi, việc chuyển đổi giới tính không bắt buộc phải phẫu thuật.