Chuyên gia LHQ: Ma túy từ Tam giác Vàng đi qua Việt Nam sẽ lên mức kỷ lục
Chuyên gia từ cơ quan chống ma túy Liên Hợp Quốc cảnh báo các đường dây buôn ma túy đá từ Tam giác Vàng đang dịch chuyển về phía Việt Nam và chúng ta phải sẵn sàng để đối phó.
Khu vực Tam giác Vàng trên bản đồ. Đồ họa: maps4news.com |
“Chúng tôi dự đoán Lào và Việt Nam trong năm nay sẽ chứng kiến sự gia tăng kỷ lục về số vụ bắt giữ ma túy. Các nước này cần phải sẵn sàng. Điều này đã và đang diễn ra”, ông Inshik Sim, chuyên gia nghiên cứu chất cấm thuộc Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC) nói trong cuộc phỏng với Zing.vn qua điện thoại từ Bangkok, Thái Lan, ngày 29/3.
Chỉ cách đây hơn một tuần, lực lượng chức năng Việt Nam đã bắt giữ 300 kg ma túy đá tại quận Bình Tân. Tối 27/3, CA TP.HCM lại bắt được 895 bánh heroin ở cầu vượt An Sương. Cùng trong tuần qua, cảnh sát Philippines, có sự phối hợp từ công an Việt Nam, đã bắt giữ 276 kg ma túy đá ở thủ đô Manila.
Hai vụ bắt giữ TP.HCM đều do các đối tượng nước ngoài cầm đầu và nguồn ma túy đều là từ vùng Tam giác Vàng, nơi biên giới các nước Myanmar, Thái Lan và Lào cắt nhau, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ Việt Nam và TP.HCM có thể trở thành trung tâm trung chuyển ma túy từ Tam giác Vàng sang các thị trường khác.
"Nguy cơ Việt Nam trở thành nơi trung chuyển ma túy là không mới. Đây không phải lỗi của chúng ta mà do chúng ta chưa đối phó tương thích với tình hình", thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP. HCM phát biểu tại lễ khen thưởng vụ bắt giữ.
Chuyển tuyến vận chuyển từ Thái Lan qua VN
Cho đến năm ngoái, ma túy đá (methamphetamine) chủ yếu được buôn lậu từ nguồn cung cấp ở Myanmar, qua Chiang Mai và Bangkok ở Thái Lan, rồi sang Malaysia để đến các nước tiêu thụ. Tuy nhiên, sự trấn áp quyết liệt của chính quyền Thái Lan đã buộc những kẻ buôn ma túy thay đổi tuyến vận chuyển.
“Chúng muốn giảm thiểu tổn thất, vì vậy đường dây buôn lậu dịch chuyển về phía đông, và sẽ có nhiều ma túy hơn được buôn lậu theo tuyến Myanmar, sang Lào, Campuchia, rồi qua Việt Nam”, ông Sim nói.
Thái Lan trong năm 2018 đã bắt giữ số lượng kỷ lục 515 triệu viên ma túy đá, hơn 17 lần so với lượng ma túy bắt giữ được một thập kỷ trước, theo báo cáo của UNODC.
“Họ đã rất nỗ lực bảo vệ biên giới”, ông Sim cho biết.
Ông Inshik Sim, chuyên gia nghiên cứu chất cấm thuộc Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC). Ảnh: UNODC. |
Theo một báo cáo tháng 3/2019 của UNODC, lượng ma túy đá bị bắt giữ ở Đông Á và Đông Nam Á năm 2018 đạt kỷ lục 116 tấn, tăng 210% so với năm năm trước đây. Lượng bắt giữ năm 2017 là 82 tấn, và dựa vào số liệu tổng hợp của các nước ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Thị trường ma túy Đông Á và Đông Nam Á đã chuyển từ thuốc phiện sang ma túy đá. Năm 2018, ngoại trừ Việt Nam, tất cả các nước Đông Nam Á và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều báo cáo ma túy đá là chất gây nghiện đáng lo ngại nhất ở nước mình, so với con số chỉ năm quốc gia cách đây một thập kỷ.
Khu vực Tam giác Vàng đã không còn là nguồn cung cấp thuốc phiện chính cho cả thế giới sau khi bị thay thế bởi Afghanistan đầu thế kỷ 21. Tuy nhiên, Tam giác Vàng lại trở thành nơi bào chế và xuất khẩu ma túy đá lớn nhất thế giới, tập trung quanh bang Shan hỗn loạn của Myanmar, nơi các nhóm phiến quân kiểm soát thay vì chính phủ.
Đường đi của ma túy đá tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang dần dịch chuyển sang hướng đông và Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Đồ họa: CNN dựa trên dữ liệu của UNODC. |
Ông Sim cho rằng Việt Nam sẽ vừa là nước tiêu thụ, vừa là nước trung chuyển trong khi Malaysia tiếp tục là điểm trung chuyển lớn. Ma túy sang tới Việt Nam sẽ tiếp tục được bán sang Philippines.
“Các băng nhóm buôn ma túy luôn có thêm các mạng lưới ở các nước tiếp theo”, ông Sim nói.
Theo chuyên gia của UNODC, các băng nhóm xuyên quốc gia là thủ phạm chính của nạn buôn bán ma túy trong khu vực, và các nước cần phối hợp và chia sẻ thông tin tình báo.
Khi nguồn lực của các cơ quan có hạn, “vẫn nên ưu tiên triệt phá các băng nhóm lớn đằng sau việc sản xuất và buôn bán”, ông Sim nói. “Chỉ bắt giữ những kẻ buôn bán trên phố sẽ không giải quyết vấn đề”.
Trong những lô ma túy bị Công an TP. HCM bắt giữ trong vài tuần vừa qua, có hai lô hàng đang được chuyển sang Philippines và sang Đài Loan.
Những kẻ buôn ma túy chọn Việt Nam là nơi trung chuyển do địa thế, hệ thống giao thông gồm các cảng biển, cảng hàng không kết nối tốt với các nước. "Nếu tình hình như thế này thì sắp tới TP.HCM khen thưởng nữa, tôi e sợ vụ sau còn lớn hơn vụ trước", thiếu tướng Minh nói.
Càng có nhiều ma túy được vận chuyển qua Việt Nam, số người sử dụng ma túy cũng sẽ tăng lên. Những kẻ buôn bán sẽ không chỉ vận chuyển, mà còn bán ma túy ở Việt Nam, đẩy giá xuống thấp, khiến ngày càng nhiều người sử dụng, ông Sim phân tích.
Thái Lan, quốc gia từng nhiều năm là nơi chuyển tiếp của ma túy, có vấn đề nghiêm trọng về ma túy. Nước này đang cải thiện chính sách theo hướng chữa trị tốt hơn đối với các con nghiện, theo ông Sim.
Thiếu tướng Phan Anh Minh: "Nếu tình hình như thế này thì sắp tới TP.HCM khen thưởng nữa, tôi e sợ vụ sau còn lớn hơn vụ trước". Ảnh: Lê Quân. |
Cần kiểm soát các tiền chất tạo ra ma túy đá
Bất chấp lượng bắt giữ kỷ lục, giá ma túy đá vẫn đang giảm, và nguyên nhân có thể vì lượng cung ma túy đá quá nhiều trên thị trường, theo báo cáo của UNODC. Ở nguồn cung cấp tại Myanmar, ma túy đá còn được pha với các chất làm loãng. Riêng ở Việt Nam, giá ma túy đá năm 2017 giảm 40% so với năm 2016, báo cáo của UNODC dẫn số liệu của các cơ quan chức năng.
Việc giá giảm bất chấp số vụ bắt giữ kỷ lục có thể là dấu hiệu của việc còn nhiều cơ sở bào chế ma túy chưa bị phát hiện. Theo một ước tính của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG), tỷ lệ bắt giữ ma túy trong khu vực là dưới 10%, có nghĩa 116 tấn ma túy thu giữ được năm 2018 mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm.
Lượng ma túy cảnh sát vừa được thu giữ tại TP.HCM. Ảnh: Thái Linh. |
Biên giới giữa các nước dọc sông Mekong thuộc loại “mềm”, dễ vượt qua, và việc tuần tra biên giới cần phải được tăng cường, cũng theo chuyên gia của UNODC.
“Các lực lượng biên phòng của Việt Nam, ngoài việc chú trọng các trường hợp bắt giữ cụ thể, cần phải hiểu rõ xu hướng sắp tới để có sự chuẩn bị”, ông Sim nói.
“Cần phải hiểu rõ các loại tiền chất dùng để tạo ra ma túy đá, để có thể nhận dạng và bắt giữ. Giống như ma túy, các chất đó đi theo những dòng buôn bán xuyên biên giới”.
Ông Sim cho biết thêm số lượng lớn các tiền chất dễ dàng mua được là một trở ngại lớn đối với nỗ lực chống ma túy. Các quốc gia trong khu vực có dữ liệu về ma túy, nhưng đã “bỏ quên” việc thu thập dữ liệu về buôn bán tiền chất.
Các tiền chất có số lượng lớn trong khu vực vì một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ, là trung tâm cung cấp hóa chất của thế giới. Các tiền chất không bị cấm, mà được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp dược phẩm, hóa học.
Mỗi khi một tiền chất được Liên Hợp Quốc liệt vào dạng kiểm soát, những kẻ buôn ma túy luôn tìm ra những chất mới để tạo ra ma túy đá. Vì vậy, các nước cần phối hợp chặt chẽ, và thường xuyên cập nhật danh sách các hóa chất cấm, ông Sim nói.