Chuyện nghề của Cảnh sát hình sự đặc nhiệm
Với mỗi chiến công của Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM đều có những dấu ấn đậm nét của mỗi chiến sĩ trinh sát hình sự đặc nhiệm … Trong đó, Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm …
1. Tiếp nối truyền thống của lực lượng săn bắt cướp của Công an TPHCM, tháng 4/2008, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM chính thức ra mắt. Thành phần nòng cốt của Đội là các cán bộ, chiến sĩ của Đội Phòng, chống cướp giật đường phố.
Theo đó, chức năng của Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm là tuần tra 24/7, truy bắt tội phạm vừa gây án, đồng thời xác lập chuyên án đối với những băng nhóm tội phạm có tổ chức nguy hiểm, cướp giật, cướp có vũ khí với phương châm là "chặn bắt tội phạm tốt hơn là đuổi bắt" nhằm đảm bảo an toàn cho người dân... Sau khi thành lập, Đội đã bắt giữ được hàng trăm tên cướp, tội phạm đường phố, tội phạm ma túy; khám phá nhiều vụ án lớn, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành trong một lần trực tiếp truy bắt tội phạm
Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành là một trong những trinh sát đầu tiên của Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm những ngày đầu thành lập. Quê gốc Nam Định, sau khi tốt nghiệp Đại học Cảnh sát nhân dân năm 1999, anh Lành về công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự.
Đặc thù công việc của trinh sát hình sự đặc nhiệm là thời gian thất thường, bất kể lúc nào cũng trong tâm thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Những ca tuần tra, tham gia những chuyên án, những chuyến đi công tác xa nhà nhiều ngày là chuyện rất thường tình. Làm trinh sát hình sự đặc nhiệm là phải luôn đối mặt với đủ loại tội phạm trên đường phố. Có tận mắt chứng kiến những pha bắt cướp, trấn áp, truy đuổi tội phạm trên đường phố với tốc độ chóng mặt của các chiến sĩ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm mới có thể cảm nhận được nguy hiểm của công việc này.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành chia sẻ rằng dù chuyên môn nghiệp vụ có giỏi cỡ nào đi nữa thì khi di chuyển với tốc độ cao và những việc bất ngờ xảy ra trên đường truy bắt tội phạm không thể lúc nào cũng có thể dự liệu hết được, chưa kể những hành động bộc phát hoặc bất chấp hậu quả của các đối tượng tội phạm nên chuyện gặp nguy hiểm là thường trực. Tình hình tội phạm hình sự như cướp tài sản, cướp giật... vẫn đang diễn biến ngày càng phức tạp.
Thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi và táo tợn, trước những tên cướp nghiện ngập và mang căn bệnh thế kỷ luôn liều lĩnh và chống trả bất chấp hậu quả, do đó chuyện bị tội phạm tấn công, hay phơi nhiễm nhiễm HIV là chuyện khó tránh khỏi, vì thế chiến sĩ Cảnh sát hình sự đặc nhiệm cũng luôn phải đối đầu với không ít khó khăn, nguy hiểm, đòi hỏi không chỉ dũng cảm, vững nghiệp vụ mà phải thực sự tinh nhuệ, nhạy bén mới có thể trấn áp được tội phạm.
2. 12 năm gắn bó với công việc này, Thiếu tá Nguyễn Xuân Lànhđã trực tiếp bắt giữ hàng trăm đối tượng, nhưng đáng nhớ nhất là vụ anh cùng đồng đội bắt giữ băng nhóm chuyên giả danh lực lượng Cảnh sát hình sự gây ra 20 vụ cướp tài sản trên địa bàn TPHCM và các tỉnh giáp ranh như Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
Để thực hiện hành vi phạm tội, Trịnh Minh Vương (SN 1995, nơi cư trú phường Phước Long B, quận 9) cùng đồng bọn đã chuẩn bị công cụ, phương tiện gồm 1 súng dạng rulô bắn đạn cao su, 3 còng số 8, 3 bộ đàm, 5 roi điện, 1 bình xịt hơi cay và 1 giấy chứng nhận Công an nhân dân nhằm mục đích giả danh lực lượng Cảnh sát hình sự để đe dọa, khống chế các bị hại nhằm chiếm đoạt tài sản (xe máy, tiền).
Khi nhận nhiệm vụ này, anh và đồng đội quyết tâm phải triệt phá vụ án trong thời gian sớm nhất, bởi việc các đối tượng giả danh Cảnh sát hình sự đặc nhiệm khiến người dân hoang mang mỗi khi ra đường. Vì thế phương án triệt phá băng cướp này đã được Ban chỉ huy Đội hình sự đặc nhiệm nhanh chóng triển khai. Và vào cuối tháng 11/2019, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm đã bắt truy xét 7 đối tượng trong băng nhóm của Trịnh Minh Vương tại đường số 5 khu đô thị SaLa, phường An Lợi Đông, quận 2.
Một trong những vụ án gần đây nhất, Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành phải nhắc tới là vụ Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm bắt 9 đối tượng có hành vi "Cướp tài sản" vào đầu tháng 5/2020. Đáng nói đây là băng cướp nhí, gây án rất táo tợn tại khu vực trung tâm thành phố. Đối tượng cầm đầu băng nhóm tội phạm nhí này là Nguyễn Chí Cường (17 tuổi, ngụ quận 4). Cường từng phải đi trường Giáo dưỡng vào các năm 2018-2019 khi đang trong độ tuổi vị thành niên.Hết thời gian ở trường giáo dưỡng, khi trở về địa phương, Cường tiếp tục chọn con đường sống lang thang và lấy Công viên 23-9 (phường Phạm Ngũ Lão, quận 1) làm nơi tá túc.
Cường đã cùng nhiều đối tượng kết thành băng nhóm rồi bàn tính việc đi cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản lấy tiền sinh nhai.Chỉ trong thời gian ngắn, băng nhóm do Cường cầm đầu đã nhanh chóng tăng quân số lên hơn chục thành viên, chủ yếu ở độ tuổi 15 đến 17. Phương thức hoạt động của băng cướp này là gây án với số đông áp đảo, sử dụng dao uy hiếp, khống chế nạn nhân để cướp xe, lục soát thân thể lấy các tài sản khác...
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm từng bước lần ra băng cướp nhí và sau đó đã bắt được 10 thành viên. Qua đấu tranh, nhóm thanh thiếu niên khai nhận đã thực hiện 4 vụ cướp tài sản tại Công viên 23-9. Ngoài ra, Thịnh, Hùng và đồng bọn còn thực hiện 5 vụ cướp giật điện thoại, bóp tiền của người dân tại quận 1 và quận 3…
Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành (thứ 4 từ phải sang) nhận Bằng khen của Bộ Công an về thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm ma túy
3. Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành cho biết, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19, Ban Giám đốc Công an TPHCM và Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự đã đánh giá đây là thời điểm các băng nhóm tội phạm hoạt động mạnh. Nguyên nhân hầu hết số tượng phạm tội đều có liên quan đến việc sử dụng ma túy.
Sau thời gian cách ly xã hội, để có điều kiện sử dụng ma túy, các đối tượng hoạt động phạm tội rất liều lĩnh, manh động và nguy hiểm, sẵn sàng chống trả lại nạn nhân, lực lượng Công an, người dân, khi bị phát hiện hoặc truy đuổi. Do đó, công tác kiểm tra, rà soát địa bàn được các trinh sát hình sự đặc nhiệm phối hợp cùng Công an quận, huyện, phường bố trí cẩn trọng hơn.
Từ thực tế công tác, Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành đã đúc kết được một số kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm cướp, cùng tập thể đơn vị nỗ lực thực hiện tốt các mặt công tác nghiệp vụ cơ bản, công tác tuần tra nhằm chủ động phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm xâm phạm sở hữu, nâng cao hiệu quả đấu tranh các loại án cướp, cướp giật và trộm cắp tài sản, góp phần ngăn chặn và kéo giảm tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn thành phố.
Vì vậy, từ năm 2015 đến năm 2019, án cướp tài sản trên địa bàn thành phố xảy ra 847 vụ, tỷ lệ giảm trung bình qua các năm 11,07%, đã điều tra khám phá 601 vụ đạt tỷ lệ 70,96%. Án cướp giật tài sản xảy ra 4.272 vụ, tỷ lệ giảm trung bình qua các năm 7,96%, đã điều tra khám phá 3.304 vụ, đạt tỷ lệ 77,34%... Cũng trong khoảng thời gian này, bản thân Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành đã chỉ đạo, khám phá 9 hồ sơ chuyên án, bắt 87 tên; cùng đồng đội khám phá 128 vụ trong công tác đấu tranh băng ổ nhóm tội phạm.
Với sự đam mê và gắn bó với nghề,vượt qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành cũng như các đồng đội ở Đội Cảnh sát HÌNH SỰ ĐẶC NHIỆM nhiều năm qua đã luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Bản thân Thiếu tá Nguyễn Xuân Lành nhiều năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua (2016/2019), là Điển hình tiên tiến của Công an TPHCM 2015-2020, được tặng nhiều Bằng khen, giấy khen của Bộ Công an, Công an TPHCM…