Chuyện về những người chiến sĩ với vết thương không mảnh đạn

31/12/2024 13:09

(Chinhphu.vn) - Những ngày cuối năm, cái rét buốt của mùa đông gợi lại những câu chuyện đã qua nhưng chưa bao giờ cũ… Trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm đầy cam go, thử thách, có những người cán bộ, chiến sĩ vô tình bị phơi nhiễm, bị nhiễm HIV trong quá trình tiếp xúc với đối tượng, có trường hợp không biết lại vô tình lây sang người thân, thậm chí có trường hợp đã hy sinh.

Chuyện về những người chiến sĩ với vết thương không mảnh đạn- Ảnh 1.

Trung tá Nguyễn Quang Ánh, cán bộ Trại giam Thủ Đức. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Hiểm nguy rình rập

Chúng tôi liên lạc với Trung tá Nguyễn Quang Ánh, cán bộ trại giam Thủ Đức khi trời trở gió. Trung tá Ánh kể lại câu chuyện của hơn 20 năm về trước. Đó là năm 2001, anh bị nhiễm HIV khi cấp cứu phạm nhân Bùi Văn Phú. Tuy bị phạm nhân hất thẳng ca máu vào người song với tinh thần trách nhiệm cao của một bác sĩ, anh vẫn mải lo cấp cứu cho đối tượng.

Đến 3 năm sau, khi đưa vợ đi làm thủ tục sinh ở Bệnh viện 30-4 (Bộ Công an), các bác sĩ bất ngờ thông báo anh và vợ bị nhiễm HIV. Ngay sau đó, Bệnh viện Từ Dũ đã tiến hành mổ bắt con và câu chuyện vẫn được giấu kín với vợ anh. 

Tuy nhiên, một ngày về nhà anh thấy vợ đã lạnh ngắt, chị không chịu nổi sức ép sau khi phát hiện mình bị HIV; anh cũng uống nốt chỗ thuốc ngủ còn lại. Vợ mất, anh cũng hôn mê… Anh được cứu sống, nhưng vẫn không ít lần muốn tìm đến cái chết. Nhưng may mắn có tình yêu thương của gia đình, của con gái đã níu kéo anh trở lại, để anh có thêm nghị lực chiến đấu, tiếp tục đương đầu với thử thách.

Anh chia sẻ: "Ông trời còn thương, con gái anh may mắn không bị nhiễm, đây là động lực chính để anh phấn đấu mỗi ngày". Hiện nay, anh vẫn đang phải điều trị theo phác đồ để chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, vẫn có những khi mệt rã người vì tác dụng phụ của thuốc nhưng với quyết tâm và nghị lực của người chiến sĩ Công an, anh vẫn cùng đồng đội hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, tiếp tục trên con đường mình đã chọn. 

Thường xuyên phải đối mặt với hiểm nguy khi trực tiếp truy bắt các đối tượng, những người lính hình sự hay ma túy có nguy cơ bị lây nhiễm HIV cao hơn người khác. Và không may, một số đồng chí đã bị phơi nhiễm HIV từ đối tượng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, như: Ngày 6/6/2018, khi khám nhà đối tượng Huyền, anh trai của đối tượng (người nhiễm HIV, có 2 tiền án tiền sự mua bán ma túy) đã chống trả quyết liệt, tự cứa cổ tay và xông vào tấn công khiến 8 cán bộ, chiến sĩ của Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an tỉnh Hưng Yên bị phơi nhiễm khi dính máu của đối tượng; hay ngày 9/1/2020, 5 cán bộ, chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang bị thương và phải uống thuốc phơi nhiễm khi truy bắt một nam thanh niên táo tợn xông vào nhà dân cướp giữa ban ngày... 

Đặc biệt, nêu cao tinh thần thép và ý chí chiến đấu kiên cường của người chiến sĩ Công an nhân dân, có những đồng chí hơn một lần bị phơi nhiễm song vẫn dũng cảm, quên mình, kiên quyết đấu tranh trấn áp tội phạm, như: Đồng chí Nguyễn Ngọc Huy, Công an phường Long Phước, thành phố Thủ Đức, TPHCM, người từng 2 lần bị phơi nhiễm HIV trong một năm khi truy bắt tội phạm; đồng chí Lê Thanh Vủ, Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm Phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM 3 lần phải uống thuốc chống phơi nhiễm…

Chia sẻ về chuyện nghề, Thượng tá Đinh Tiên Hoàn, Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an tỉnh Điện Biên, người với 25 năm truy bắt tội phạm về ma túy, cũng đã từng bị phơi nhiễm khi làm nhiệm vụ, chia sẻ: "Chẳng có đối tượng nào để yên cho mình còng tay". Dù rất cảnh giác nhưng anh Hoàn cũng không thể nhớ nổi bao nhiêu lần bị đối tượng cào cấu, cắn xé khi điên cuồng chống trả bởi chúng hiểu điều gì đang chờ đợi sau chiếc còng số 8.

Đối với các trinh sát nam là thế nhưng với các cán bộ nữ, nỗi lo còn tăng lên gấp bội, nhất là khi họ đang mang thai như trường hợp của Trung tá Cao Thị Minh Toàn, Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo, Công an TP. Thái Bình. Khi còn là cán bộ trinh sát ma túy của Công an thành phố Thái Bình, lúc bắt giữ đối tượng Phạm Thị Lan, chị nhanh chóng áp sát, khi thọc tay vào túi quần đối tượng để tịch thu tang vật thì không may va phải kim tiêm dính máu của đối tượng. Trong khi đó, đối tượng bị HIV còn chị đang mang thai đứa con đầu lòng. 

Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Cao Thị Minh Toàn vẫn nhớ như in cái cảm giác khi phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn: Uống thuốc phơi nhiễm để phòng tránh căn bệnh thế kỷ cho bản thân mình hay không uống thuốc để giữ cho con... Đứng giữa sự lựa chọn nghiệt ngã, cuối cùng chị đã không uống thuốc và may mắn, cả chị và con đều khỏe mạnh.

Thế nhưng cuộc sống này không phải lúc nào cũng vẹn toàn, có những đồng chí không may mắn như thế, đã hy sinh… Đó là trường hợp đồng chí Nguyễn Thành Dũng, nguyên Trung úy Đội Cảnh sát hình sự, Công an Quận 11, TPHCM. Quá trình truy bắt tội phạm, Trung úy Nguyễn Thành Dũng cũng không nhớ mình bị nhiễm HIV trong trường hợp nào. 

Trong cuốn hồi ký để lại cho cậu con trai nhỏ, anh nhớ năm 1998 có lần bị một tên tội phạm ma túy đâm; đến đầu năm 2000, khi trinh sát tại Công viên Lãnh Binh Thăng, anh lại bị một đối tượng dùng kim tiêm đâm lén từ phía sau rồi bỏ chạy. Đến năm 2002 anh mới phát hiện bị HIV. Tờ giấy xét nghiệm trên tay khiến anh chết lặng nhưng càng day dứt hơn vì không biết nên đã để lây sang vợ. Niềm an ủi duy nhất của vợ chồng anh là cậu con trai 10 tuổi không bị lây nhiễm. Vợ anh ra đi vào tháng 12/2005; đến tháng 6/2006, anh cũng hy sinh.

Những trường hợp trên chỉ là một trong số rất ít các chiến sĩ Công an bị phơi nhiễm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Đối với người chiến sĩ Công an, mỗi một lần tiếp xúc với đối tượng là một lần nguy hiểm. Người đó có thể là bất cứ ai, dù là cán bộ nam hay nữ, dù là cán bộ trinh sát trẻ hay những người đã dày dạn kinh nghiệm bởi tính chất của tội phạm luôn là manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả đến cùng để vẫy vùng tìm lối thoát. Vì vậy, việc nâng cao tinh thần cảnh giác và trang bị cho mình những kiến thức nghiệp vụ là hết sức cần thiết.

Chuyện về những người chiến sĩ với vết thương không mảnh đạn- Ảnh 2.

Thượng tá Đinh Tiên Hoàn (ngoài cùng bên trái), Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, Công an tỉnh Điện Biên trong chuyên án triệt phá một đường dây ma túy lớn

Đồng cảm và sẻ chia

Theo thống kê của Cục Y tế Bộ Công an, từ năm 2005 đến nay, trong toàn lực lượng Công an nhân dân có 1.180 trường hợp phơi nhiễm với HIV, trong đó 02 đồng chí bị nhiễm HIV (01 đồng chí đã tử vong); tập trung nhiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.

Thời gian tới, rất cần sự chung tay, chủ động của các cấp, các ngành trong công tác phòng, chống HIV/AIDS đối với quần chúng nhân dân nói chung, với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói riêng. 

Trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền thông qua tổ chức các buổi tọa đàm, các lớp tập huấn kiến thức dự phòng về phòng, chống phơi nhiễm cho cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân. 

Đồng thời, để hạn chế và phòng ngừa trường hợp bị lây nhiễm, cần trang bị đầy đủ các phương tiện phòng hộ (như khẩu trang, găng tay, trang bị y tế, thuốc, hóa chất) cho lực lượng trực tiếp đấu tranh trong công tác phòng chống tội phạm, nhất là lực lượng Cảnh sát điều tra về ma túy, Cảnh sát hình sự và Cảnh sát trại giam. 

Đối với các cơ sở chăm sóc y tế nói chung, cơ sở y tế của Bộ Công an nói riêng cần được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại trong phục vụ chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS; mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, chăm sóc, điều trị bệnh nhân AIDS; xây dựng mô hình quản lý, chăm sóc và tư vấn khép kín cho cán bộ, chiến sỹ Công an bị phơi nhiễm HIV. Đội ngũ cán bộ y tế Công an cần phân cấp quản lý, xác nhận phơi nhiễm cho cán bộ, chiến sĩ để đảm bảo việc điều trị được chủ động, kịp thời.

Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm các chế độ, chính sách quy định đối với cán bộ, chiến sĩ Công an bị phơi nhiễm hoặc nhiễm HIV/AIDV trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo các quy định của Nhà nước. Điển hình như: Quy định điều kiện xác định người bị phơi nhiễm với HIV, người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp tại Quyết định số 24/2023/QĐ-TTg, ngày 22/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ; Quy định chế độ chế độ bồi dưỡng đối với cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trực tiếp làm công tác quản lý, giáo dục, khám chữa bệnh với đối tượng bị nhiệm HIV/AIDS tại Quyết định số 43/2015/QĐ-TTg, ngày 16/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ...

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy, Thạc sỹ, bác sĩ Nguyễn Đình Vạn, Phó trưởng phòng 2 Cục Y tế Bộ Công an, cho biết: "Đối với các trường hợp cán bộ, chiến sĩ bị phơi nhiễm với HIV, phải được uống thuốc điều trị dự phòng phơi nhiễm sớm nhất có thể và phải trước 72 giờ kể từ thời điểm bị phơi nhiễm, đồng thời thực hiện quy trình, thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận bị phơi nhiễm với HIV theo quy định tại Quyết định số 24/2023/QĐ-TTg ngày 22/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ". Đối với các trường hợp cán bộ, chiến sĩ bị phơi nhiễm, phải coi đây là trường hợp cấp cứu và cần được xử lý kịp thời.

Trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm, dẫu còn lắm gian nan, dù phải trải qua những thời khắc lo âu, những phút giây lựa chọn giữa sinh tử, dù phải chịu biết bao đau đớn khi bị phơi nhiễm, bị nhiễm HIV nhưng những người cán bộ, chiến sĩ Công an không hề chùn bước. Họ không kể công, chẳng một lời than vãn mà vẫn tiếp tục cần mẫn trong công việc. 

Minh Huyền

}
Top