Cơ hội cho những người quyết tâm làm lại cuộc đời

17/03/2020 15:36

Tròn 4 năm trước, chị P. N. A. P, trú phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu), Đà Nẵng như chết đứng khi nhận được kết quả xét nghiệm chị bị nhiễm HIV/AIDS. Nhớ lại thời điểm đó, chị A.P tâm sự: “Khi nhận kết quả, tôi thấy trời đất như sụp xuống, đứa con gái tôi mới một tuổi ai lo, khi cả ba và mẹ đều bị nhiễm HIV/AIDS”.

 Lãnh đạo phường Bình Hiên gặp mặt, tặng quà người sau cai dịp cuối năm 2019

Tuy nhiên, rất nhanh chóng, chị lấy lại được tinh thần khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường, rồi cán bộ Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quận Hải Châu đến động viên chị vượt qua cú sốc, giữ gìn sức khỏe để lo cho đứa con nhỏ. Chính họ đã giúp chị hoàn tất hồ sơ để xin vay vốn ưu đãi làm ăn. Mặc dù sau đó, chị không nhận được nguồn vốn vay này, vì chuyển nhà về bên chồng ở quận khác để sinh sống, nhưng với chị, những cán bộ Hội LHPN phường, Phòng LĐ-TB&XH quận Hải Châu đã trở thành ân nhân không bao giờ quên.

Với anh P. Đ. M, trú tổ 43, phường Thuận Phước (quận Hải Châu), sự quan tâm, động viên của các cán bộ phụ nữ, cán bộ xã hội phường, cán bộ Phòng LĐ-TB&XH quận Hải Châu, chính là động lực để anh thoát cảnh nghiện ngập, tập trung làm ăn chăm lo cho gia đình. Một thời nghiện ngập, bỏ bê gia đình, kinh tế gia đình anh đã lâm vào cảnh sa sút trầm trọng. Trong lúc khó khăn nhất, anh M. đã được các cán bộ Hội LHPN phường, cán bộ xã hội của phường động viên anh từ bỏ ma túy, đồng thời giới thiệu lên Phòng LĐ-TB&XH quận, hướng dẫn làm thủ tục để được hỗ trợ phương tiện sinh kế. Nhờ vậy, mới đây anh M. đầu tư được chiếc xe máy để chạy dịch vụ Grab.

Anh M. vui vẻ cho biết: “Trước đây tôi chạy xe ôm, nhưng chiếc xe cũ quá, chạy được bao nhiêu trừ xăng xe ra bỏ vô sửa chữa nên chẳng có đồng nào cho vợ con. Nhờ giữa năm 2019 đến nay, tôi được hỗ trợ 10 triệu đồng mua chiếc xe mới để chạy Grab nên thu nhập hiện nay khá ổn”.

Anh Vũ Thế Hân, cán bộ phụ trách lĩnh vực tệ nạn xã hội của Phòng LĐ-TB&XH quận Hải Châu cho biết, hầu hết những trường hợp được chính quyền địa phương quan tâm động viên về tinh thần cũng như đứng ra tư vấn, giới thiệu tiếp cận phương kế sinh nhai đều từ bỏ được ma túy, tập trung làm ăn kinh tế, chăm lo cho gia đình. Điều đáng ghi nhận là công tác tuyên truyền ở các phường, tổ dân phố đã sâu sát với từng đối tượng nên hiệu quả đạt được ngày càng cao. Trên địa bàn quận Hải Châu, các phường Bình Hiên, Hải Châu 2, Hải Châu 1 được đánh giá làm rất tốt công tác tuyên truyền thông qua mô hình câu lạc bộ sau cai.

Thông qua hoạt động này, các cán bộ Hội LHPN, Nông dân, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên từ phường đến tổ dân phố luôn theo sát những người sau cai để kịp thời động viên và giúp đỡ họ tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Trong khi đó, các phường Hòa Thuận Đông, Hòa Thuận Tây, song song với việc tuyên truyền vận động, các trường hợp sau cai được yêu cầu phải ký cam kết không sử dụng ma túy, chất kích thích.

Với những trường hợp tái phạm sẽ chuyển hồ sơ đi cai nghiện, trường hợp cai nghiện tốt sẽ được giới thiệu học nghề, giới thiệu việc làm hoặc được tặng sinh kế. Đặc biệt, hầu hết các phường đều làm tốt công tác hỗ trợ tư vấn sau cai bằng việc bố trí cán bộ xã hội lắng nghe tâm tư nguyện vọng của những người sau cai trở về địa phương; từ đó, giúp họ ổn định tâm lý, quyết tâm từ bỏ con đường nghiện ngập, hội nhập tốt vào cuộc sống gia đình, địa phương.

Nhờ những nỗ lực kể trên mà trong  năm 2019, trong 87 người thuộc diện quản lý sau cai tại địa bàn quận Hải Châu đã có 57 người có việc làm, 44 người được xếp loại có tiến bộ.  Đây là tỷ lệ khá cao so với những năm trước đây, khi không những quận Hải Châu mà các địa phương khác ở thành phố đều gặp khó khăn trong việc ngăn ngừa tái phạm của người sau cai khi trở về địa phương.

Tuy nhiên, trước mắt, quận vẫn còn nhiều việc phải làm khi trong 87 người sau cai được quản lý tại địa phương vẫn còn 21 người xếp loại chưa tiến bộ, 13 người có nguy cơ tái nghiện và 9 người không đủ điều kiện để xếp loại. Khó khăn chính vẫn là tạo công ăn việc làm ổn định cho người sau cai, vì hầu hết họ sức khỏe không tốt, khó đảm nhận được công việc phổ thông đòi hỏi nhiều sức lực; trình độ văn hóa còn nhiều hạn chế, nên rất khó giúp họ trong việc học nghề. Bên cạnh đó, thói quen liên tục di chuyển, đổi chỗ ở của những người sau cai cũng là một trở ngại với các cơ quan chức năng trong việc quản lý, hỗ trợ. Chỉ khi giải quyết được những tồn tại này, công tác quản lý người sau cai mới thực sự đạt hiệu quả cao và bền vững.
}
Top