Có nên cho phép người đồng tính kết hôn?

13/07/2012 16:26

Đó là câu hỏi mà Bộ Tư pháp đưa ra để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.

Pháp luật Việt Nam cấm kết hôn cùng giới, song thực tế ngày càng nhiều người đồng tính muốn lập gia đình và làm đám cưới công khai. Nếu xét về đảm bảo quyền tự do cá nhân thì việc kết hôn của những người cùng giới tính cần được công nhận. Vấn đề là cần có quy định phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của người Việt.

Xét về văn hóa tập quán của gia đình Việt Nam, tính nhạy cảm xã hội của vấn đề, hậu quả xã hội của quy định pháp luật chưa được dự báo hết. Tuy nhiên, từ thực tế việc chung sống giữa những người đồng tính dẫn tới các vấn đề phát sinh về nhân thân, tài sản, con cái… nếu không thừa nhận hôn nhân của người đồng tính thì cũng phải có cơ chế pháp lý điều chỉnh để giải quyết những hệ quả liên quan khi họ quyết định chấm dứt cuộc sống chung.

Có nên cho phép người đồng tính kết hôn? Ảnh minh hoạ

Vấn đề này hiện đang thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ xã hội, cũng như từ các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan.

Tại Hội thảo “Nhận diện những bất cập trong Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 từ góc nhìn thực tiễn” do Bộ Tư pháp tổ chức, đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này.

Kết quả khảo sát của Bộ Tư pháp từ ý kiến của 106 cơ quan, tổ chức có liên quan cho thấy, hiện có 3 quan điểm lớn về vấn đề kết hôn giữa những người cùng giới tính. Thứ nhất, không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính nhưng cần quy định cụ thể về hậu quả chung sống giữa người cùng giới tính. Thứ hai, nên cân nhắc việc kết hôn giữa những người đồng tính. Thứ ba, giữ nguyên quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính và không quy định về hậu quả của việc chung sống giữa họ.

Theo ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), việc sửa đổi Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 cần xem xét và hợp pháp hoá quan hệ đồng giới. Đây sẽ là một bước tiến lớn nhằm giải quyết các hậu quả về pháp lý, hậu quả xã hội và bảo vệ quyền bình đẳng cho người đồng tính ở Việt Nam.

Ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE). Ảnh Nhật Thy

Theo kết quả nghiên cứu của iSEE năm 2012 trên hơn 2000 người đồng tính nam và đồng tính nữ thì 71% trong số đó muốn được cho phép kết hôn đồng giới. Trên thực tế, khi sống chung có nhiều vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của các cặp đôi đồng tính như sở hữu tài sản, đầu tư chung hoặc sinh con và nuôi con. Họ muốn được công nhận để mong được pháp luật bảo vệ. Một điều nên xem xét khi công nhận hôn nhân đồng tính là vấn đề che giấu thân phận của người đồng tính. Vì sợ bị kỳ thị, người đồng tính thường tạo cho mình một bình phong bằng cách kết hôn với những người có xu hướng tình dục bình thường. Điều này làm gia tăng sự đổ vỡ hôn nhân của các cặp đôi khi vợ, chồng của họ biết sự thât.

Ông Bình cũng kiến nghị các nhà làm luật cần tiếp xúc, tham vấn và lắng nghe cộng đồng người đồng tính để đảm bảo quyền tham gia của họ cũng như nội dung Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi đáp ứng được nhu cầu cũng như quyền bình đẳng của người đồng tính.

Tiến sỹ Nguyễn Phương Lan, Đại học Luật Hà Nội thì cho rằng, việc chung sống với nhau là quyền tự nhiên của người đồng tính, pháp luật không nên cấm. Tuy nhiên việc công nhận quan hệ vợ chồng giữa hai người đồng tính lại là một vấn đề khác. Theo Tiến sỹ Phương Lan, việc công nhận quan hệ hôn nhân của người đồng tính trong điều kiện hiện nay của Việt Nam là chưa phù hợp. Việc thừa nhận quyền chung sống của người đồng tính đã thể hiện sự tôn trọng quyền con người của họ. Đó là cơ sở để tạo ra những nhận thức đúng mức,cách ứng xử phù hợp với người đồng tính, khắc phục và hạn chế sự kỳ thị, phân biệt đối xử, từng bước tạo ra sự cảm thông chia sẻ của xã hội đối với họ. Bên cạnh đó, hệ quả pháp lý của việc chung sống giữa những người cùng giới tính cần được điều chỉnh theo nguyên tắc: Tôn trọng những quyền nhân thân thuộc về cá nhân của họ nhưng không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của những người khác có liên quan.

Bác sỹ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Nguyên Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đồng quan điểm là chưa đến thời điểm công nhận hôn nhân đồng tính. Việc công nhận hiện nay chưa phù hợp với phong tục, tập quán của người Việt Nam. Tuy nhiên, Bác sỹ Trâm ủng hộ việc người đồng tính có thể tổ chức lễ cưới như một hình thức thông báo việc sống chung với nhau.

Bác sỹ, Luật gia Trịnh Thị Lê Trâm. Ảnh Nhật Thy

Còn theo bà Phan Thị Vân Hương, Phó Trưởng phòng Giám đốc thẩm xét xử án dân sự, Toà án Nhân dân tối cao, việc công nhận hôn nhân đồng giới chưa nên đưa vào ngay. Vấn đề này pháp luật cũng đã có quy định và vẫn đáp ứng tốt.

Vấn đề hôn nhân đồng giới đang là một trong những vấn đề nhạy cảm của xã hội, để đưa được vào Luật hay không còn cần những nguyên cứu chuyên sâu với sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học, nhà lập pháp, và các cơ quan có liên quan.

}
Top