Có nên tách ‘tội phạm ma túy’ ra khỏi khái niệm ‘tệ nạn ma túy’
Cả trên khía cạnh khoa học và thực tiễn cần xem xét thấu đáo tội phạm ma túy có nằm trong nội hàm của tệ nạn ma túy hay không.
Cũng như mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan, lạm dụng rượu bia…thì lâu nay tệ nạn ma túy được coi là một tệ nạn xã hội (TNXH) và xếp vào loại TNXH nghiêm trọng nhất.
Một đường dây ma túy bị triệt phá. Ảnh internet |
Dù có nhiều cách diễn đạt nhưng trong xã hội cơ bản đã thống khái niệm về TNXH, đó là: hiện tượng có tính tiêu cực, phổ biến, biểu hiện thông qua các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm pháp luật, đạo đức, phá vỡ thuần phong mỹ tục, lối sống lành mạnh, tiến bộ xã hội, gây những hậu quả nghiêm trọng cho các cá nhân, gia đình và xã hội.
Như vậy, TNXH có những đặc trưng: Là hiện tượng xã hội, tức là nó có thể phát sinh, phát triển và tàn lụi trong từng giai đoạn phụ thuộc vào các điều kiện khách quan, chủ quan, vào thái độ và quyết tâm chính trị của nhà nước trong việc phòng ngừa và khắc phục; có số lượng nhiều người ở các nhiều thành phần xã hội, lứa tuổi … tham gia (chứ một vài trăm người, thậm chí vài nghìn người chưa thể gọi là TNXH); là các hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, vi phạm pháp luật, đạo đức, phá vỡ thuần phong mỹ tục, lối sống lành mạnh, tiến bộ trong xã hội; gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhiều mặt cho cá nhân, gia đình và xã hội hiện tại và lâu dài về sức khỏe, tính mạng, kinh tế, đạo đức truyền thống, an ninh trật tự xã hội…
Các chủ thể tham gia vào một TNXH với nhiều hành vi khác nhau. Với tệ nạn mại dâm bao gồm người bán dâm, người mua dâm, người chứa, môi giới, tổ chức, bảo kê mại dâm… Với tệ nạn cờ bạc, bao gồm: người chơi bạc, người tổ chức, gá bạc…Với tệ nạn ma túy là người sử dụng, nghiện ma túy,người sản xuất, người mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tổ chức sử dụng, cưỡng đoạt ma túy…Qua đó cho thấy, mọi vấn đề do ma túy gây ra, mọi chủ thể có hành vi tham gia vào hiện tượng xã hội ấy đều là thành tố tạo lên hiện tượng gọi là tệ nạn ma túy. Hay nói cách khác, tệ nạn ma túy là khái niệm lớn bao trùm lên toàn bộ các vấn đề liên quan và các đối tượng trên.
Do vậy, nếu chúng ta tách ra và quy định: Tội phạm về ma túy là các hành vi phạm tội được quy định tại Chương Các tội phạm về ma túy trong Bộ luật Hình sự; Tệ nạn ma túy là tình trạng nghiện ma túy, sử dụng trái phép chất ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật về ma túy mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ có nhiều điều đáng bàn luận.
Tội phạm ma túy vốn chỉ là một thành tố của tệ nạn ma túy, nay được xếp ngang với tổng thể tệ nạn ma túy là thiếu logic. Đồng thời, nếu bỏ đi một thành phần quan trọng là tội phạm ma túy, đối tượng vừa là nguyên nhân, vừa gắn kết hữu cơ với người sử dụng, nghiện ma túy thì với những thành phần còn lại (người sử dụng, người nghiện) không thể nguyên vẹn là tệ nạn ma túy nữa.
Nói tệ nạn ma túy là hành vi vi phạm pháp luật, gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng thì không chỉ do người sử dụng, người nghiện gây ra mà còn chủ yếu là do hành vi của tội phạm ma túy. Tách ra như vậy cũng có nghĩa tội phạm ma túy gây hậu quả xã hội ít hơn.
Có ý kiến lý giải tệ nạn ma túy là hiện tượng xã hội còn tội phạm ma túy là hành vi cụ thể cần tách riêng để thuận lợi cho nhận biết và xử lý. Ở đây rõ ràng có sự nhầm lẫn. Tệ nạn ma túy xét ở khía cạnh tổng thể là “hiện tượng xã hội” nhưng nó biểu hiện bằng những “hành vi” cụ thể mà công tác phòng chống ma túy phải xử lý với từng hành vi. Có đối tượng thì dùng biện pháp kinh tế hỗ trợ, quản lý, giáo dục, có đối tượng thì chữa bệnh, điều trị; có đối tượng thì xử lý, xử phạt hành chính, có đối tượng xử lý hình sự. Trước đây, người nghiện từng bị xử lý hình sự nay chuyển xuống xử lý hành chính. Nhưng không ít người nghiện chuyển thành tội phạm hình sự. Có thời gian hơn 40% đối tượng trong các trại giam, tạm giam, nhà tạm giữ là tội phạm ma túy, trong đó số có tiền sử sử dụng ma túy là hơn 28%. Như vậy, nếu tách tội phạm ma túy ra thì thường xuyên xảy ra tình trạng: Hôm nay người nghiện là đối tượng tệ nạn ma túy do nghiện nhưng ngày mai họ vi phạm tội hình sự thì sẽ "cắt đuôi" được chữ "tệ nạn" dù vẫn đang nghiện.
Mặt khác, không thể nói vấn đề “thuận lợi” hay “khó khăn” trong việc xử lý hình sự với tội phạm ma túy để tách tội phạm ma túy ra khỏi phạm trù tệ nạn ma túy. Bởi vì, từ trước đến nay, các lực lượng chức năng, chiếu theo các điều khoản phạm tội về ma túy quy định trong Bộ Luật Hình sự để xử lý, không xẩy ra nhầm lẫn hay khó khăn gì.
Nếu tách đối tượng hình sự ra khỏi tệ nạn ma túy thì tương tự, với các TNXH khác như tệ nạn mại dâm, người ta có thể tách ra như: Tội phạm về mại dâm là các hành vi phạm tội được quy định tại các Điều về tội phạm về mại dâm trong Bộ luật Hình sự; Tệ nạn mại dâm là hành vi mua dâm, bám dâm và các hành vi vi phạm pháp luật về mại dâm mà chưa đến mức hoặc không bị truy cứu.
Sẽ rất bất hợp lý vì tệ nạn mại dâm không thể không bao gồm chủ chứa, môi giới, bảo kê… Nói cho cùng, trong phòng chống ma túy, dù quan trọng đến mấy thì xử lý hình sự cũng chỉ là một biện pháp tương tự như hành chính, y tế, giáo dục…Không thể lấy 1 loại đối tượng xử lý bằng 1 biện pháp (hình sự) mà đặt ra ngoài phạm vi của tệ nạn đó.
Ở khía cạnh khác cũng cần chú ý, dù còn nhiều tranh cãi: vài năm nay, từ khi đổi mới công tác cai nghiện, nhiều cán bộ, đặc biệt là người nghiện ma túy đề nghị xóa bỏ khái niệm “tệ nạn” đối với họ vì họ là “người bệnh”, người nghiện cần được giảm kỳ thị, hỗ trợ, giúp đỡ để hòa nhập cộng đồng…Nếu khái niệm “tệ nạn” chỉ còn họ và người sử dụng ma túy, họ sẽ thất vọng hơn trước.
Như vậy, không thể coi các đối tượng tội phạm hình sự trong các TNXH nằm ngoài cấu thành của TNXH. Hơn nữa phải coi tội phạm ma túy là đối tượng chủ chốt của tệ nạn ma túy do những "hậu quả nghiêm trọng" do nó gây ra. Không thể coi đối tượng "chưa đến mức" hoặc "không bị truy cứu trách nhiệm hình sự" để xác định họ có phải là đối tượng tệ nạn ma túy hay không. Cần đảm bảo tính đúng đắn khoa học và thực tiễn của khái niệm tệ nạn ma túy để không làm yếu đi động lực và sự thống nhất trong phòng chống ma túy.
Đưa tội phạm ma túy ra khỏi phạm trù tệ nạn ma túy còn gây khó khăn cho các hoạt động phòng chống sau này từ nhận thức cho đến công tác kế hoạch và triển khai thực hiện, ví dụ, phải tách bạch nguồn lực (nhân lực, tài lực), giải pháp, hoạt động: nguồn này cho tội phạm ma túy, nguồn kia cho tệ nạn ma túy trong khi trong thực tế, đặc biệt là cấp cơ sở, phòng chống ma túy là chung cho toàn bộ chương trình; giảm cung, giảm cầu, giảm hại đều do một lực lượng thực hiện.