Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 HN: Nâng cao chất lượng điều trị nghiện ma túy

22/05/2018 08:57

Dừng chân tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 2 Hà Nội vào một buổi trưa hè tháng 5. Dù đã được nghe giới thiệu từ trước nhưng tôi vẫn không khỏi bất ngờ với cảnh vật và con người nơi đây. Ấn tượng đặc biệt sâu sắc có lẽ là bầu không khí mát lành, không gian xanh sạch nối dài từ ngoài cổng đơn vị vào các khu làm việc và sinh hoạt. Không gian ấy khiến tôi cảm thấy gần gũi và thân thiện vô cùng, nó khác xa với nhịp sống ồn ào, nhộn nhịp có phần ngột ngạt nơi phố phường mà tôi đang sống.

Tiếp đón tôi, ông Phạm Đình Giang, Giám đốc Cơ sở chia sẻ: Đơn vị tiền thân là Đoàn 21 - Quân khu Thủ đô, sau chuyển thành Trung tâm Bảo trợ xã hội 2, trải qua trên 25 năm hình thành và phát triển, đơn vị đã trải qua nhiều thời kỳ, nhiều tên gọi và nhiệm vụ khác nhau. Đến tháng 8/2017 đơn vị được chuyển đổi thành Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 2 Hà Nội với nhiều chức năng nhiệm vụ: Tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện; giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách; dạy nghề, lao động sản xuất; tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy có quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (cai nghiện bắt buộc), người nghiện ma túy có nhu cầu được cai nghiện tự nguyện (cai nghiện tự nguyện); Quản lý, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ổn định tâm lý, sức khỏe; phòng, chống tái nghiện; tổ chức dạy văn hóa, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất và hỗ trợ người sau cai nghiện ma túy chuẩn bị các điều kiện tái hòa nhập cộng đồng.

Chăm sóc sức khỏe cho học viên cai nghiện

Được biết, trong những năm qua, cán bộ nhân viên Cơ sở đã phát huy vai trò, trách nhiệm, quản lý, giáo dục, chữa trị cho hàng chục nghìn người mại dâm, người nghiện ma tuý, người sau cai nghiện ma tuý để họ tái hoà nhập cộng đồng ổn định cuộc sống. Hiện tại cơ sở đang quản lý 386 học viện gồm 110 học viên cai nghiện bắt buộc (100 học viên nữ, 10 học viên nam), còn lại hơn 276 học viên cai nghiện tự nguyện. Đại đa số là học viên có hộ khẩu tại Hà Nội, một số ít còn lại là người cai nghiện ở các tỉnh lân cận. Điều đáng chú ý là những người đăng ký cai nghiện tự nguyện có hộ khẩu Hà Nội được thành phố hỗ trợ 2/3 kinh phí. Số học viên cai nghiện bắt buộc chủ yếu là những người không có nơi cư trú ổn định.

Các học viên tham gia lao động trị liệu để có thể tăng gia, sản xuất, lấy tiền công

Theo ông Phạm Đình Giang, Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội có một số điểm khác với những cơ sở cai nghiện khác trong ngành Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội là đơn vị quản lý, chữa bệnh cho nhiều diện đối tượng nhất: Đối tượng người cai nghiện cả nam và nữ; tiếp nhận quản lý người cai nghiện dưới 2 hình thức cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc; chăm sóc, nuôi dưỡng, điều trị cho trẻ em nhiễm HIV, người nhiễm HIV.

Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cũng có đặc thù là đơn vị quản lý nhiều người cai nghiện là nữ giới. (Ảnh: Một hoạt động vui chơi giải trí cho học viên tại cơ sở)

Một trong những khó khăn hiện nay đối với công tác cắt cơn, điều trị cho người nghiện ma tuý của đơn vị là 80% đối tượng cả nam, nữ được đưa vào Cơ sở là sử dụng các loại ma túy tổng hợp, ảnh hưởng nặng nề về thần kinh, người nghiện có nhiều biểu hiện tâm lý bất ổn, hoang tưởng, tinh thần rất phức tạp, rối loạn hành vi, mất ngủ, nhiều tác hại về sức khoẻ... Ông Giang cho biết, nhiều trường hợp vào Cơ sở đã 3, 4 tháng những vẫn biểu hiện như những ngày mới vào, tinh thần không ổn định, nhiều trường hợp nếu cán bộ lơ là việc giám sát là họ có thể tự thương bản thân, có người nghiện không chịu phối hợp với cán bộ trong việc khai hồ sơ bệnh án, lấy các xét nghiệm xác minh tình trạng nghiện, có người la hét chống đối, gây gổ với cán bộ....

Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội cũng có đặc thù là đơn vị quản lý nhiều người cai nghiện là nữ giới. Có nhiều học viên ở nhiều tỉnh thành khác nhau trong cả nước, cai nghiện bắt buộc theo Quyết định của Tòa án và thường là có thời gian cai nghiện ít hơn học viên nam. Học viên nữ khi vào Cơ sở thường có nhiều em học vấn thấp, không nghề nghiệp, sức khoẻ suy giảm, mắc nhiều bệnh xã hội...Hoàn cảnh gia đình, nhân thân phức tạp, ít thăm nuôi, nhất là học viên ngoại tỉnh. Chính vì lẽ đó, đơn vị đã triển khai và tăng cường công tác giáo dục, tư tưởng, nâng cao nhận thức, tư vấn, tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, nói chuyện với chị em vì qua khảo sát các học viên nữ thường thiệt thòi trong cuộc sống. Các em  nghiện ma túy vừa phải chịu cái nhìn nặng nề của xã hội cũng như sự bỏ mặc của một số gia đình, không thăm nuôi, thăm hỏi. Bản thân học viên nữ cũng mặc cảm, tự ty, cam chịu, ít khi nói về đời tư. Thời gian đầu, bộ phận tư vấn giáo dục của cơ sở phải tư vấn, nắm tình hình, động viên, chia sẻ các em cung cấp thông tin, hoà nhập, ổn định tư tưởng, yên tâm cai nghiện chữa trị. Nhiều học viên nữ vào Cơ sở đã 3, 4 lần vì khi về cộng đồng vấp phải sự kỳ thị từ cộng đồng nên tìm lại con đường cũ. Tính sơ bộ, khoảng 25% học viên nữ đã quay về cơ sở sau một thời gian tại cộng đồng.

Về chính sách cai nghiện tự nguyện hiện tại của cơ sở, theo ông Phạm Đình Giang, đây là chính sách ưu việt, kịp thời, thể hiện sự quan tâm của thành phố Hà Nội và của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, vì trên thực tế các địa phương đang rất khó khăn khi đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện ma túy bắt buộc do còn có một số vấn đề khó khăn về hồ sơ thủ tục…Thành phố Hà Nội là một trong những địa phương tiên phong khi vừa ban hành Đề án cai nghiện tự nguyện đã có chính sách hỗ trợ người nghiện cũng như giảm thiểu thủ tục cho gia đình người nghiện cũng như thủ tục đối với các cơ quan chức năng khi đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện.

Hiện nay số người vào đơn vị cai nghiện tự nguyện cao hơn người cai nghiện bắt buộc nhiều, mặc dù không có sự khác biệt nhiều về công tác quản lý, chăm sóc, điều trị. Khi người nghiện và gia đình họ tự ý thức được việc phải đi cai theo đúng nghĩa chữa bệnh thì họ sẽ tự nguyện đăng ký. So với cai nghiện bắt buộc thì tâm lý học viên cai tự nguyện thoải mái hơn, thời gian ngắn hơn, họ cũng không gặp nhiều kỳ thị khi tránh được cái “tiếng” phải bị bắt buộc đi cai theo quyết định của Toà án. Về mặt hành chính, hầu như chỉ cần phường xác nhận, hồ sơ nhân thân đầy đủ, xác định tình trạng nghiện…là người nghiện có thể vào cai nghiện tự nguyện. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng có điều chỉnh ban hành một số chương trình cai nghiện mới phù hợp với từng loại đối tượng.

Tiền ăn của học viên được tính theo phần trăm lương cơ bản

Cũng theo ông Phạm Đình Giang, nhằm thực hiện tốt các giải pháp nâng cao chất lượng tại các cơ sở cai nghiện ma tuý, đơn vị đã tổ chức, rà soát xây dựng các quy chế, quy định quản lý mới theo hướng văn minh, chuyên nghiệp, thân thiện, lấy công tác chăm sóc phục vụ chất lượng đối với người cai nghiện lên hàng đầu, đổi mới cung cách phục vụ, từ tiếp nhận, cắt cơn, chăm sóc, điều trị, giáp dục, tổ chức nhiều hoạt động nhằm thu hút người nghiện vào cai nghiện tự nguyện. Cơ sở vật chất cũng được cải tạo, chỉnh trang xanh sạch đẹp, từ khuôn viên, phòng làm việc, sinh hoạt, học tập, các chế độ học viên luôn bảo đảm, nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần cho học viên. Đội ngũ cán bộ cũng được nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, tính kỷ luật, đặc biệt là thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ trong việc thực thi công vụ....

Một điểm mới nữa là chế độ tiền ăn của học viên hiện nay cũng được thành phố Hà Nội quan tâm và nâng lên rõ rệt, tiền ăn bây giờ được tính theo phần trăm lương cơ bản. Riêng trong những dịp lễ, tết, tiền ăn của học viên cũng được hỗ trợ tiền ăn lớn hơn so với ngày thường. Đối với nhiều học viên ngoài việc được hỗ trợ tiền ăn, sinh hoạt phí... từ ngân sách nhà nước, học viên có thể đăng ký tham gia lao động trị liệu để có thể tăng gia, sản xuất, lấy tiền công, khi đó họ có thêm một phần kinh phí dùng cho tiền ăn, sinh hoạt và các hoạt động khác khi cai nghiện tại đơn vị...

Tư vấn hướng nghiệp cho học viên

Hiện nay, tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 2 Hà Nội, học viên cai nghiện bắt buộc được Thành phố hỗ trợ tiền học nghề. Khi học xong, học viên được nhận chứng chỉ nghề để sau này hòa nhập cộng đồng có cơ hội tìm việc làm phù hợp. Đối với học viên cai nghiện tự nguyện, do thời gian điều trị ngắn nên cơ sở mới chỉ thực hiện tư vấn, giới thiệu và kết nối học viên với những đơn vị tuyển dụng. Tuy nhiên, khi lao động trị liệu, học viên cũng đã có những kỹ năng cơ bản, nếu thành thạo có thể áp dụng được vào cuộc sống.

Chia tay Cơ sơ cai nghiện ma tuý số 2 Hà Nội với nhiều hình ảnh cán bộ, học viên với những hoạt động đa dạng từ học tập, lao động, học nghề, khám bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho học viên.... Quang cảnh môi trường sạch đẹp với những con người luôn thân thiện, nhiệt tình, các em học viên nề nếp còn đọng lại mãi trong tôi. Tôi tin rằng với những cố gắng của Cơ sở cùng với sự quan tâm của Thành phố Hà Nội, Sở Lao động - Thương bình và Xã hội Hà Nội, công tác cai nghiện phục hồi tại Cơ sở Cai nghiện ma tuý số 2 sẽ tiếp tục đạt được những kết quả đáng khích lệ, là niềm tin là địa chỉ tin cậy cho những gia đình, những người không may mắc phải tệ nạn ma tuý để họ cố gắng đứng lên tìm lại chính mình.

}
Top