Có thể tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng nhờ xét nghiệm HIV sớm cho phụ nữ mang thai
(Chinhphu.vn) - Việc xét nghiệm sớm HIV, điều trị sớm ARV cho phụ nữ mang thai có thể giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng so với chi phí phải bỏ ra cho việc điều trị suốt đời trẻ nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỷ lệ phụ nữ mang thai được làm xét nghiệm HIV trong quá trình mang thai vẫn chỉ đang ở mức 52%.
PGS. TS Nguyễn Hoàng Long. Ảnh: Thùy Chi |
Để làm rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Trang tin Tiếng Chuông có cuộc phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhân Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Xét nghiệm sớm HIVcho phụ nữ mang thai chính là chìa khóa trong việc phát hiện tình trạng bệnh, tuy nhiên hiện tỷ lệ này mới đạt mức gần 52%, xin ông cho biết nguyên nhân của việc xét nghiệm sàng lọc HIV ở giai đoạn mang thai chưa cao là gì?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Theo số liệu báo cáo năm 2020, có 1.297.229 phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV, phát hiện 742 phụ nữ mang thai nhiễm HIV (chiếm tỷ lệ 0,06%), trong đó xét nghiệm HIV trong thời kỳ mang thai 671.421 (chiếm tỷ lệ 51,8% số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV); xét nghiệm HIV trong lúc chuyển dạ, sinh con 625.808 (chiếm tỷ lệ 48,2% số phụ nữ mang thai được xét nghiệm HIV).
Trong thời gian qua, công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, song công tác công tác này vẫn còn nhiều thách thức. Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai được làm xét nghiệm HIV trong quá trình mang thai chưa cao (ở mức 52%) khiến cho công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa phát huy hiệu quả cao nhất.
Nguyên nhân của việc xét nghiệm sàng lọc HIV ở giai đoạn mang thai chưa cao là do việc tư vấn của cán bộ y tế còn hạn chế; nguồn kinh phí xét nghiệm HIV miễn phí cho phụ nữ mang thai không đáp ứng nhu cầu, trong khi bảo hiểm y tế chưa chi trả xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai mà coi đây là xét nghiệm sàng lọc. Đáng chú ý là việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai là chìa khóa để biết được tình trạng nhiễm HIV của bà mẹ, từ đó bà mẹ được điều trị ARV sớm và làm giảm lây nhiễm HIV ở trẻ em. Đây là một chiến lược được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo thực hiện ngay cả đối với các nước có tỷ lệ bà mẹ mang thai nhiễm HIV thấp và được đánh giá là một chi phí hiệu quả quan trọng. Theo ước tính việc xét nghiệm sớm HIV, điều trị sớm ARV cho phụ nữ mang thai ở nước ta có thể giúp tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng so với chi phí phải bỏ ra cho việc điều trị suốt đời của các trẻ em bị nhiễm HIV do lây truyền HIV từ mẹ.
Việc phối hợp trong phòng, chống lây truyền mẹ con khi chuyển đầu mối sang hệ sức khỏe sinh sản thực hiện ở một số tỉnh còn lúng túng. Ngoài ra, nhận thức của người dân, đặc biệt là các phụ nữ mang thai còn nhiều hạn chế trong việc cần đi khám thai sớm, khám thai 3 lần trong 3 thai kỳ. Trong khi đó, sự kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn là rào cản cho việc tiếp cận dịch vụ phòng lây truyền mẹ con, nhiều bà mẹ nhiễm HIV còn sợ bị kỳ thị nên không đi làm xét nghiệm HIV.
Theo ông chúng ta cần phải thực hiện các giải pháp nào để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác này?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Theo tôi để công tác dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt được kết quả cao hơn nữa, chúng ta cần tăng cường hơn nữa sự tham gia của cả hệ thống chính trị và của toàn dân nhằm thực hiện mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” đã được đề ra trong Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, vợ của những người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có hành vi nguy cơ cao về lợi ích của xét nghiệm HIV sớm và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con sớm.
Giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với phụ nữ mang thai nhiễm HIV và trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội trong dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Tăng cường cung cấp các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con như xét nghiệm phát hiện nhiễm HIV cho phụ nữ mang thai, cung cấp thuốc ARV cho phụ nữ nhiễm HIV bao gồm phụ nữ nhiễm HIV mang thai, cung cấp thuốc ARV điều trị dự phòng lây nhiễm HIV cho con, chẩn đoán sớm nhiễm HIV ở trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, đẩy mạnh các can thiệp và tăng cường chất lượng các dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Bảo đảm nguồn tài chính cho việc xét nghiệm HIV cho phụ nữ thai theo Luật Phòng, chống HIV sửa đổi (số 71/2020/QH14) trong đó quy định phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV theo chỉ định chuyên môn được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả, ngân sách nhà nước chi trả phần chi phí Quỹ bảo hiểm y tế không chi trả theo mức hưởng quy định của pháp luật bảo hiểm y tế và chi trả cho người không có thẻ bảo hiểm y tế.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, xin ông cho biết ngành Y tế sẽ chú trọng vào các hoạt động gì trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Thực hiện công văn số 1477/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm và chương trình công tác năm 2021 của của Uỷ ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, trong đó giao Bộ Y tế chủ trì tổ chức triển khai các hoạt động nhân tháng hành động quốc gia phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Bộ Y tế đã ban hành văn bản số 3795/BYT-AIDS, hướng dẫn triển khai Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2021. Trong bối cảnh dịch COVID-19 tại Việt Nam còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ cao lây nhiễm cho cộng đồng, các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong tháng cao điểm năm 2021 cần chú trọng vào các hoạt động sau:
Cụ thể, ban hành văn bản hướng dẫn: Ban Chỉ đạo phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trực thuộc tăng cường triển khai các hoạt động trong Tháng cao điểm dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2021 phù hợp với điều kiện và chức năng, nhiệm vụ cụ thể của từng đơn vị, địa phương và tình hình dịch COVID-19.
Về truyền thông, vận động hưởng ứng Tháng cao điểm Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, chúng tôi yêu cầu tổ chức linh hoạt và đa dạng phong phú các hình thức truyền thông phù hợp với nguồn lực sẵn có của địa phương nhưng không tổ chức các sự kiện tập trung đông người.
Bên cạnh truyền thông đại chúng thì cần tăng cường tăng cường truyền thông trên hệ thống mạng xã hội và các trang thông tin điện tử; phát triển và phổ biến các phương tiện và tài liệu truyền thông phù hợp.
Mở rộng và nâng cao chất lượng dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, bảo đảm dự phòng lây nhiễm COVID-19 trong các cơ sở cung cấp dịch vụ và ngoài cộng đồng.
Chú trọng bảo đảm cung ứng dịch vụ liên tục về cung cấp xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, điều trị ARV cho mẹ và điều trị dự phòng lây truyền HIV cho con,... để không bị ngắt quãng trong bối cảnh COVID-19. Đặc biệt, khi cơ sở y tế bị phong tỏa hoặc phụ nữ mang thai bị cách ly, giãn cách xã hội.
Ngoài ra, chúng tôi cũng thiết lập nhóm hỗ trợ kỹ thuật từ Trung ương đến địa phương để kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khó khăn vướng mắc do COVID-19 gây ra đối với việc triển khai các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con trong bối cảnh COVID-19.
Ông có khuyến cáo, lưu ý gì đối với những phụ nữ mang thai nhiễm HIV và những phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhiễm HIV trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tiếp tục hoành hành tại Việt Nam?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Đối với phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được duy trì điều trị ARV liên tục theo đúng chỉ định chuyên môn của bác sỹ, tăng cường việc tuẩn thủ điều trị ARV, thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV trước ngày dự kiến sinh từ 4 tuần - 6 tuần để đánh giá nguy cơ lây truyền HIV cho con. Điều trị dự phòng ARV cho con ngay sau sinh và thực hiện chẩn đoán sớm nhiễm HIV cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đối với phụ nữ mang thai có nguy cơ cao nhiễm HIV cần được xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt ngay trong lần khám thai đầu tiên trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Trường hợp không được xét nghiệm HIV trong 3 tháng đầu thai kỳ thì cần được xét nghiệm HIV trong kỳ khám thai kế tiếp. Nếu kết quả xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV thì phụ nữ mang thai nhiễm HIV cần được điều trị ARV ngay và điều trị suốt đời.
Trường hợp kết quả xét nghiệm HIV âm tính nhưng phụ nữ mang thai vẫn có nguy cơ cao cần được tiếp cận các chương trình dự phòng lây nhiễm HIV như bao cao su, bơm kim tiêm, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP),…
Theo ông chúng ta cần phải làm gì để đạt được mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” đã được đề ra trong Chiến lược quốc gia phòng, chống AIDS vào năm 2030?
PGS. TS. Nguyễn Hoàng Long: Để đạt được mục tiêu “Loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030” chúng ta cần tập trung vào 4 nội dung. Thứ nhất, về chính sách và vận động xã hội. Trong đó, chúng ta cần vận động sự cam kết và ủng hộ của Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các cấp, các ban ngành đoàn thể trong việc thực hiện chủ trương, chính sách về loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng và loại trừ viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030.
Bên cạnh đó, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh và ban hành các văn bản, hướng dẫn chuyên môn tạo điều kiện để người dân, phụ nữ mang thai được tiếp cận sớm nhất có thể với dự phòng, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đồng thời, tạo môi trường thuận lợi, phát huy tối đa vai trò và sự tham gia của cộng đồng trong phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Thứ hai là tăng cường công tác thông tin, giáo dục và truyền thông. Chúng ta cần nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng và cán bộ y tế về nguy cơ nhiễm HIV, các biện pháp dự phòng, lợi ích khám thai sớm, xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai, lợi ích của điều trị ARV và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Các hình thức truyền thông cần được đa dạng hóa, ứng dụng những loại hình truyền thông mới như internet, tin nhắn, mạng xã hội, truyền hình tương tác, phát thanh tương tác…trong thông tin, giáo dục về dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Thứ ba là nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật. Chúng ta cần mở rộng và tăng cường chất lượng các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, chẩn đoán, chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; mở rộng xét nghiệm HIV tại trạm y tế xã phường và chi trả xét nghiệm HIV từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế; bảo đảm tính sẵn có, liên tục của sinh phẩm xét nghiệm HIV, thuốc ARV điều trị cho bà mẹ, điều trị dự phòng cho trẻ em sinh ra từ mẹ nhiễm HIV; đẩy mạnh liên kết thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản với phòng chống, điều trị HIV/AIDS và chuyển tuyến đối với dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Thứ tư là tăng cường bảo đảm tài chính cho việc triển khai các biện pháp can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Trong đó, kinh phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai theo chỉ định chuyên môn được bảo hiểm y tế chi trả, ngân sách nhà nước chi trả cho phần không được bảo hiểm y tế chi trả ngoài mức hưởng của ngưởi có thẻ bảo hiểm y tế và người không có thẻ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Phòng, chống HIV/AIDS sửa đổi (Luật số 71/2020/QH14).
Bảo đảm ngân sách nhà nước cho việc mua thuốc ARV để điều trị miễn phí cho phụ nữ và trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con…Đồng thời, huy động và tăng cường tính chủ động của địa phương trong việc phân bổ kinh phí thực hiện các hoạt động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại địa phương.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thùy Chi