Công an các địa phương tiếp tục cảnh báo về các dạng ma túy núp bóng

06/05/2024 15:27

(Chinhphu.vn) - Công an các địa phương liên tục phát đi cảnh báo về các dạng ma túy núp bóng để người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, phát hiện và phòng tránh.

Công an các địa phương tiếp tục cảnh báo về các dạng ma túy núp bóng- Ảnh 1.

Hiện nay với nhiều kiểu ngụy trang, dễ tìm kiếm, dễ mua, dễ sử dụng, các loại ma túy mới âm thầm len lỏi và đang tấn công vào giới trẻ, gây nhiều khó khăn cho cơ quan chức năng

Trước đây, ma túy “núp bóng” chủ yếu được sản xuất ở nước ngoài và nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ, số lượng không lớn, phần lớn qua đường xách tay. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã xuất hiện các đường dây, băng nhóm nhập lậu chất ma túy, hóa chất, bao bì, các bộ phận riêng lẻ của sản phẩm “núp bóng” với số lượng rất lớn từ nước ngoài về Việt Nam, sau đó, tổ chức pha trộn, cô nấu, phun tẩm, ướp và sản xuất, đóng gói thành các sản phẩm “núp bóng ” có chứa chất ma túy, tiêu thụ tại địa bàn trong nước.

Ma túy tổng hợp như: Methamphetamin, MDMA, Ketamine, Bromazepam, Nimetazepam, GHB (nước biển)... thường được dùng để tạo ra dạng đồ uống, như: “Nước vui”, nước dâu, cà phê (White Coffee), CHALI ....

Việc sử dụng các sản phẩm “núp bóng” đồ uống này thường kèm với môi trường có âm thanh, ánh sáng thích hợp, đi theo nhóm, do đó chủ yếu được sử dụng trong vũ trường, quán bar, karaoke hay trong các căn hộ cao cấp, khu resort được trang bị hệ thống loa, đèn và cách âm tốt.

Cần sa (THC), cần sa tổng hợp (ADB-BUTINACA, MDMB-4en-PINACA, XLR-11...) tạo ra các loại ma túy “núp bóng” là: Bánh kẹo, thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu, thuốc lá sợi, thảo mộc (hay gọi là cỏ Mỹ) và sản phẩm chức năng chăm sóc sức khoẻ, làm đẹp. Việc sử dụng các loại này có thể diễn ra ở bất kỳ đâu, như: Quán bar, cà phê, nước chè, nhà riêng...

Hỗn hợp các chất Heroin, MDMA và Ketamine thường được đóng gói trong các gói cà phê.

Các đối tượng phạm tội liên tục tạo ra chất ma túy “núp bóng” mới với nhiều tên gọi, mẫu mã, hương vị khác nhau, đi liền với các quảng cáo gây hiểu lầm (có tác dụng thần kỳ, tạo khoái cảm, tăng lực, không có chất cấm, không có tác hại...) nhằm thu hút khách hàng (tập trung chủ yếu vào giới trẻ). Nếu chỉ nhìn bề ngoài rất khó phân biệt được đâu là ma tuý “núp bóng”, đâu là sản phẩm tiêu dùng bình thường.

Để phân biệt, thông thường phải dựa vào tên gọi (Pod Chill, Soul Chill, Chill Max, “nước vui”, White coffee...), mẫu mã, các lời quảng cáo với tác dụng thần kỳ (tăng lực, vui vẻ, sảng khoái....), giá thành cao hơn rất nhiều so với sản phẩm cùng loại không chứa ma túy, sau khi sử dụng sẽ gây nghiện như sử dụng ma túy.

Chỉ riêng loại hình thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu có chứa chất ma túy đã có hàng chục tên gọi khác nhau (Ampire, Gangster, Roma, lougle, Playboy, Amtestdam, dominix, thuốc lá thơm...) với các kiểu dáng, bao bì đa dạng, nhiều màu sắc. 

Thời gian gần đây còn xuất hiện sản phẩm thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp có chứa chất ma túy (cần sa THC) được nhập lậu và tiêu thụ tại Việt Nam (từ Đông Âu). Nếu như trước đây ma túy “cỏ Mỹ” chủ yếu là được tạo ra từ thảo mộc phun tẩm chất XLR-11, thì hiện nay “cỏ Mỹ” được làm từ thảo mộc (thường gọi là cỏ xanh), từ thuốc lá sợi (thường gọi là cỏ vàng) phun tẩm các chất cần sa tổng hợp khác, như ADB-BUTINACA, MDMB-4en-PINACA.

Tại Nam Định, trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Nam Định đã phát hiện, bắt giữ 2 vụ, 2 đối tượng đang vận chuyển 300 túi “nước vui”; 18 lọ thủy tinh có chứa chất ma túy ADB-FUTINACA để đổ vào POD thuốc lá điện tử…. 

Để chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn thủ đoạn pha trộn ma túy dưới dạng thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử.., vừa qua, Công an tỉnh Nam Định đã tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh có công văn chỉ đạo các Sở, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật phòng, chống ma túy năm 2021; tập trung tuyên truyền cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên về tác hại của ma tuý, nhất là các loại ma túy tổng hợp; phương thức thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ sử dụng trái phép chất ma túy “núp bóng” đồ uống, thực phẩm, thuốc lá điện tử, shisha, khí N2O...

Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị Công an trong tỉnh tập trung nắm chắc tình hình địa bàn, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn ma túy, xử lý nghiêm các hành vi mua bán, sử dụng trái phép ma túy dưới dạng pha trộn vào thực phẩm, đồ uống, thuốc là, dược phẩm…

Trong khi đó, Công an tỉnh Đắk Lắk cũng phát đi thông báo cảnh giác với ma túy “nước vui” núp bóng thực phẩm. Tương tự như thủ đoạn trà trộn ma túy (cần sa, cần sa tổng hợp) trong các loại thuốc lá điếu và thuốc lá điện tử,.... đây là một hình thức, thủ đoạn mới của tội phạm ma tuý. 

Qua công tác giám định cho thấy, phần lớn các mẫu ma túy “nước vui” đều chứa hỗn hợp các chất ma túy gồm: MDMA, Ketamine và Nimetazepam, một số trường hợp có trộn thêm ma túy đá (Methamphetamine). Trong đó, MDMA thường chiếm tỷ lệ rất lớn trong mẫu (khoảng 10 đến 40,5%), tiếp đến là Ketamine (khoảng 5 đến 7,5%) và Nimetazepam chiếm tỷ lệ rất nhỏ (khoảng 0,5 đến 10,5%), do vậy khi sử dụng ma túy “nước vui” cũng tương tự như việc sử dụng thuốc lắc (ecstasy), thường làm cho đối tượng sử dụng hưng phấn, kích động mạnh đặc biệt là khi sử dụng cùng rượu mạnh và có nhạc lớn. 

Tuy nhiên, do không xác định được liều lượng, nhiều trường hợp sử dụng ma túy “nước vui” đã bị ngộ độc cấp, hôn mê, co giật, rối loạn tâm thần, loạn nhịp tim, tăng huyết áp, suy hô hấp,... thậm chí tử vong. Đặc biệt với những người trẻ, nghiện ma túy sẽ làm giảm khả năng nhận thức và học tập. Giảm quá trình hồi phục trí nhớ, giảm khả năng tập trung, giảm chức năng điều hành (giảm kiểm soát nhận thức và hành vi).

Trong năm 2023, số vụ ma túy “nước vui” thu giữ tại các tỉnh phía Bắc là 71 vụ, khu vực miền Trung, Tây Nguyên là 19 vụ và khu vực miền Nam là 8 vụ. 

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), năm 2023, toàn quốc phát hiện, bắt giữ 442 vụ, 808 đối tượng có liên quan đến các loại ma túy “núp bóng” và thuốc lá điện tử. Trong đó, đã khởi tố 345 vụ án, hơn 600 bị can phạm tội mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy dạng “núp bóng” (tăng gần 7 lần so với năm 2022). 

Để phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy, đặc biệt là việc bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm hoạ của các loại ma túy mới, mỗi người dân cần hết sức cảnh giác và chú ý thường xuyên cập nhật thông tin về âm mưu, thủ đoạn mới của tội phạm ma túy thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó, chủ động nhận biết ma túy "núp bóng" thực phẩm, đồ uống, thuốc lá điện tử. Không sử dụng các loại thực phẩm, đồ uống không rõ nguồn gốc, xuất xứ để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình. Khi phát hiện nghi vấn liên quan đến ma túy "núp bóng", cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

Hoàng Giang

}
Top