Công đoàn tăng cường tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm qua mạng xã hội

01/08/2023 00:02

(Chinhphu.vn) - Với 800 trang, nhóm mạng xã hội do Công đoàn cấp quận/huyện, khu công nghiệp quản lý; trên 19.000 trang, nhóm mạng xã hội do công đoàn cơ sở quản lý, tổ chức Công đoàn đã tập trung tuyên truyền những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mại dâm, ma túy, mua bán người, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, kỹ năng phòng ngừa và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Công đoàn tăng cường tuyên truyền phòng chống ma túy, mại dâm qua mạng xã hội - Ảnh 1.

Một buổi sinh hoạt của Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân phường Bách Quang, TP. Sông Công, tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: TL

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch, hướng dẫn các cấp công đoàn thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn xã hội (phòng, chống mại dâm, ma túy, mua bán người) trong tình hình hiện nay. 

Đồng thời  chỉ đạo triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trong khu công nghiệp; hướng dẫn công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong công nhân, viên chức, lao động năm 2023; phối hợp với Bộ Công an trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự; kế hoạch về tăng cường phòng, chống tội phạm, ma túy cho công nhân lao động tại khu công nghiệp, khu chế xuất năm 2023; một số giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trong công nhân lao động; tổ chức tọa đàm về phòng, chống ma túy…

Các cấp công đoàn đã đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, tinh thần cảnh giác, ý thức chủ động phòng ngừa trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trước những phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy, mại dâm, mua bán người; tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh báo trong công nhân lao động, nhất là người lao động tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm dễ phát sinh hoạt động mại dâm, phổ biến các thông tin tránh rủi ro, lừa gạt hoặc bị bán trong việc giới thiệu việc làm, thông tin rộng rãi về thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt của các đối tượng xấu trong việc lôi kéo người lao động, công nhân tại các khu công nghiệp làm việc tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh tệ nạn mại dâm và các tệ nạn xã hội. 

Các cấp công đoàn đã tuyên truyền, giáo dục nhận thức, tinh thần cảnh giác, ý thức chủ động phòng ngừa trong đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trước những phương thức hoạt động của các loại tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, hành vi lừa đảo, lợi dụng lòng tin chiếm đoạt tài sản…ảnh hưởng đến đời sống cán bộ đoàn viên, công nhân lao động.

Tổng Liên đoàn đã thực hiện khảo sát, đánh giá tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động trong các doanh nghiệp năm 2023; tổ chức Hội thảo “Giải pháp phòng chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động” nhằm phát huy hiệu quả mô hình hoạt động tài chính vi mô (quỹ CEP) của tổ chức công đoàn trong phòng chống “tín dụng đen”.

Triển khai Tháng hành động phòng, chống ma túy trong công nhân, viên chức, lao động năm 2023, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Ngăn chặn ma túy từ sớm, từ xa để bảo vệ công nhân lao động”. Nội dung cuộc tọa đàm nhằm cảnh báo về tác hại nhiều mặt của ma túy và tính nguy hiểm cho xã hội của các hành vi liên quan đến ma túy, phương thức, thủ đoạn của tội phạm ma túy. 

Kết quả cuộc tọa đàm đã nhận được sự quan tâm, lan tỏa, chia sẻ của xã hội, các cấp công đoàn, công nhân lao động và sự đón nhận tích cực của cộng đồng mạng xã hội đối với công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy và tệ nạn xã hội cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, góp phần chăm lo, bảo vệ, vì cuộc sống bình yên và sức khỏe của người lao động, tạo môi trường lao động, sản xuất an toàn và lành mạnh, giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Hình thức, biện pháp tuyên truyền được chú trọng và phát huy tốt vai trò hiện nay là các phương tiện truyền thông tại cơ sở, các tiện ích của mạng xã hội (zalo, facebook…). Với 800 trang, nhóm mạng xã hội do Công đoàn cấp quận/huyện, khu công nghiệp quản lý; trên 19.000 trang, nhóm mạng xã hội do công đoàn cơ sở quản lý, tổ chức Công đoàn đã tập trung tuyên truyền những phương thức, thủ đoạn của tội phạm mại dâm, ma túy, mua bán người, nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, kỹ năng phòng ngừa và hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Các cấp công đoàn phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức mít tinh hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, trọng tâm là các đối tượng đang độ tuổi lao động, các công nhân trẻ đang làm việc xa nhà, tại các khu nhà trọ, những người có nguy cơ bị dụ dỗ, lôi kéo và trẻ vị thành niên đang muốn tìm việc làm.

Trong 6 tháng cuối năm, các cấp Công đoàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông qua mạng internet, mạng xã hội, zalo, truyền thông trực tiếp có tính tương tác cao tại khu công nghiệp, nhà trọ công nhân, tổ chức các cuộc thi trực tuyến trên các nền tảng số của tổ chức công đoàn Việt Nam. Tăng cường hoạt động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, để chủ động, kịp thời giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của người lao động các chế đôụ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của Tổng Liên đoàn đối với đoàn viên, người lao động.

Tổ chức triển khai hiệu quả Quyết định số 1629/QĐ-TTg ngày 28/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mại dâm giai đoạn 2021-2025; Quyết định số 3248/QĐ-TLĐ ngày 24/9/2021 phê duyệt Dự án tăng cường phòng, chống ma túy cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất giai đoạn 2021-2025.

Đẩy mạnh công tác nâng cao chất lượng chăm lo phúc lợi, lợi ích cả về vật chất và tinh thần cho đoàn viên, người lao động nhằm kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ đoàn viên, người lao động vượt qua khó khăn. Nhân rộng các mô hình thiết thực chăm lo cho đoàn viên, người lao động ở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, các khu công nghiệp, khu chế xuất...

Hoàng Giang


}
Top