Cộng đồng CBOs có thể đóng góp gì cho mục tiêu 90-90-90?
Một số ý kiến cho rằng, các tổ chức dựa vào cộng đồng của những người sống chung với HIV và cộng đồng chịu ảnh hưởng chính bởi HIV (CBOs) có thể đóng góp đáng kể cho mục tiêu 90-90-90 thông qua các hoạt động thiết thực và cụ thể như: Nâng cao năng lực, tham gia bảo hiểm y tế, cung cấp dịch vụ tại cộng đồng...
Một trong những mục tiêu chiến lược để tiến tới kết thúc dịch HIV/AIDS từ nay đến năm 2030 là mục tiêu 90-90-90, có nghĩa là từ nay đến năm 2020, 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được tiếp cận với điều trị và 90% người nhiễm sau khi tiếp cận với điều trị có đáp ứng tốt và có tải lượng HIV trong máu dưới ngưỡng phát hiện.
![]() |
Một hoạt động của CBO Glink kêu gọi cộng đồng sử dụng bao cao su để phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục - Ảnh do Glink cung cấp |
Tuy nhiên, thách thức lớn hiện nay là sau năm 2017, các nhà tài trợ quốc tế sẽ rút khỏi Việt Nam. Một trong những giải pháp được cân nhắc và đã được nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức quốc tế đã đề cập đến vấn vấn đề này đó là, nên chăng các tổ chức xã hội như là CBO của những người sống chung với HIV và các nhóm chịu ảnh hưởng bởi HIV có thể được coi như một trong những đối tác nhận thực hiện các dịch vụ công từ ngân sách của nhà nước.
Theo ý kiến của ông Trần Tiến Đức, nguyên Trưởng đại diện Dự án Sáng kiến Chính sách tại Việt Nam (USAID| HPI - kiêm Phó chủ tịch Hội phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội: “Muốn vậy, các CBOs cần được nâng cao năng lực một cách toàn diện bao gồm: Năng lực về kỹ thuật, về quản lý cũng như lãnh đạo và quản trị. Vậy thì vai trò của Hội sẽ đóng góp như thế nào? Cách làm như thế nào để hiệu quả và trong năm tới có điểm gì mới. Tất cả các giải pháp can thiệp đưa ra cần dựa trên các kết quả đánh giá kể cả đánh giá mang tính định tính. Ví dự như, tại sao những người sử dụng ma túy chưa sẵn sàng tiếp cận điều trị thay thế Methadone”.
Bên cạnh đó, để góp phần đạt được mục tiêu 90-90-90, người nhiễm HIV/AIDS cần ý thức tham gia sử dụng bảo hiểm y tế đầy đủ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội (PAC), hiện nay trên toàn quốc mới có 30% người nhiễm HIV và tại Hà Nội mới có 21% người nhiễm đã tham gia BHYT.
Bác sĩ, luật gia Trịnh Thị Lê Trâm, Chủ tịch Hội phòng, chống HIV/AIDS thành phố Hà Nội khẳng định. Bảo hiểm y tế không những điều trị mà còn là chiến lược về dự phòng HIV nhằm đạt mục tiêu 90-90-90 tại thành phố Hà Nội, chính vì vậy, trong năm 2016, hội chú trọng triển khai các hoạt động thúc đẩy người nhiễm HIV tham gia bảo hiểm y tế. Việc này hứa hẹn nhiều kết quả khả quan, vì hiện nay hội đang phối hợp hoạt động với 36 nhóm đồng đẳng viên, có khoảng 2.000 thành viên đang hoạt động cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Mục tiêu trong năm 2016 hội đưa ra là phấn đấu, 100% các thành viên trong các nhóm đồng đẳng viên đều sử dụng thẻ bảo hiểm y tế và khoảng 80% người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn sử dụng thẻ bảo hiểm y tế.