Cộng đồng dân cư là nền tảng phòng chống HIV/AIDS

26/11/2012 17:55

(Chinhphu.vn) - Hiện có hơn 3 triệu hộ gia đình ký cam kết tham gia phòng, chống HIV/AIDS một số địa phương như Thái Bình đạt 95%, Đà Nẵng 99%, Bình Thuận 96%...

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Hôm nay 26/11, tại Đà Nẵng, Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã tổ chức Hội nghị Tổng kết 5 năm phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư giai đoạn 2008 – 2012; triển khai Chiến lược quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và ký kết Chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư giai đoạn 2012 - 2020.
 
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm đã đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Phòng, chống HIV/AIDS hiệu quả tại cộng đồng dân cư

Theo ông Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, công tác phòng chống HIV/AIDS luôn đòi hỏi có sự tham gia và nỗi lực vào cuộc của các cấp ngành mà phong trào toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư là một điển hình.

Năm 2009, chỉ có 41,22% huyện, thị tham gia phong trào thì đến tháng 6/2012, con số này tăng lên 69,49%, với 5.023 xã, phường triển khai tại 31.689 tổ, cụm dân cư. các địa phương ở khu vực Tây Nguyên, Nam Trung Bộ đã thành lập 17.386 nhóm nòng cốt với gần 100.000 thành viên tổ chức truyền thông trực tiếp về phòng, chống HIV/AIDS đến hơn 7,6 triệu lượt người, phát hơn 16,3 triệu tờ rơi, tổ chức hơn 227.000 buổi truyền thông lưu động …

Hiện có hơn 3 triệu hộ gia đình ký cam kết tham gia phòng, chống HIV/AIDS một số địa phương như Thái Bình đạt 95%, Đà Nẵng 99%, Bình Thuận 96%...

Phong trào đã góp phần mạnh mẽ vào việc nâng cao nhận thức cũng như huy động người dân tham gia tích cực hơn vào các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa bàn dân cư, tiếp tục kiềm chế và giảm tỷ lệ người nhiễm mới trong năm, xây dựng một môi trường trong sạch, lành mạnh không có người nhiễm.

Việc triển khai Nghị định 96/2012/NĐ-CP về Quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế ngày 15/11/2012 sẽ là cơ sở vững chắc để Việt Nam nhanh chóng mở rộng hơn nữa phương pháp điều trị nghiện, đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc làm giảm tình trạng sử dụng ma túy trái phép, giảm tội phạm và giảm lây nhiễm HIV.

Hiện Việt Nam đang có khoảng 20.000 người được điều trị bằng phương pháp này. Mục tiêu đến 2015, sẽ có khoảng 80.000 người tiêm chích ma túy được điều trị nghiện bằng chương trình Methadone.

Do đó, bên cạnh phát triển các trung tâm điều trị, nên chú trọng việc đẩy mạnh xã hội hóa các mô hình điều trị bằng Methadone và phù hợp với đặc điểm từng khu vực.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 7 tập thể thực hiện tốt phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư - Ảnh: VGP/Hồng Hạnh.

Mở rộng mạng lưới phòng, phòng chống HIV/AIDS

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sáng kiến liên kết giữa Mặt trận Tổ quốc, Bộ Y tế, Bộ VHTTDL với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng.

Để triển khai tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS và phòng chống ma túy, mại dâm trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các địa phương phải lên kế hoạch bố trí ngân sách, nguồn lực, chỉ đạo quyết liệt, tăng cường quản lý tại địa phương, phối hợp lồng ghép với các chương trình tại địa phương.

Để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS xuống dưới 0,3% dân số vào năm 2020,  Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành và 63 địa phương trong cả nước chú trọng đến một số nhiệm vụ chủ yếu: tổ chức tổng kết và ký kết Chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư giai đoạn 2012 - 2020"; thực hiện cam kết “ba không” tại địa phương (không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS, không còn kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS); tổ chức học tập mô hình phòng chống HIV/AIDS hiệu quả…

Thay mặt Chính phủ Phó Thủ tướng cảm ơn sự giúp đỡ song phương, đa phương, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ đã giúp đỡ Việt Nam trong công tác phòng chống dịch bệnh HIV/AIDS. Đồng thời, cam kết Việt Nam sẽ quản lý tốt hơn nguồn lực để công tác phòng chống HIV/AIDS được hiệu quả hơn.

Tại Hội nghị, ông Vũ Trọng Kim, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Tuấn Anh đã  ký kết chương trình phối hợp đẩy mạnh phong trào "Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư giai đoạn 2012 – 2020". 

Theo đó, một số mục tiêu quốc gia về phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020 là: 80% người dân trong độ tuổi từ 15-49 tuổi có hiểu biết đầy đủ về HIV/AIDS; không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS; giảm 50% số trường hợp nhiễm mới HIV do lây truyền qua đường tình dục; nhiễm mới HIV trong nhóm nghiện chích ma túy, vào năm 2015 và 80% vào năm 2020 so với năm 2010; giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 5% vào năm 2015 và dưới 2% vào năm 2020; 80% người nhiễm HIV được điều trị thuốc kháng virus HIV.

Top