Cùng hành động mạnh mẽ vì người nhiễm HIV

03/09/2015 18:16

“Tất cả chúng ta phải cùng hành động, mạnh mẽ hơn, trúng đích hơn để chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS. Chúng ta phải hành động ngay không chậm trễ”.

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Thùy Chi

TS. Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/ AIDS (Bộ Y tế) đã khẳng định như trên tại “Hội thảo vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV” do Cục Phòng, chống HIV/ AIDS (Bộ Y tế) phối hợp với Sở Y tế Hà Nội và Chương trình phối hợp phòng chống HIV/ AIDS của Liên Hợp Quốc (UNAIDS) tổ chức ngày 03/9, tại Hà Nội.

Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, tuy thực trạng kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã giảm trong những năm qua nhưng không thể phủ nhận là tình trạng đó vẫn tồn tại ở mức độ khác nhau tại trường học, gia đình, cơ sở y tế và cộng đồng. Thực trạng này ảnh hưởng đến quyền sống, lao động, học tập của người nhiễm HIV. Đây cũng là một trong những rào cản lớn khiến cho người nhiễm HIV và người nghi nhiễm HIV không tiếp cận được với các biện pháp dự phòng và điều trị.

Theo TS Kristan Schoultz, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam, kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV đồng nghĩa với “cái chết” về mặt xã hội. Khi người nhiễm HIV bị chính gia đình, cộng đồng và các quan hệ xã hội của mình cô lập và chối bỏ, họ sẽ có nguy cơ bị mất việc làm, bị chối bỏ quyền sở hữu đất và nhà, bị từ chối nhận vào trường học, bị bạo hành, bị các dịch vụ y tế và xã hội từ chối hỗ trợ và không tiếp cận được trợ giúp về pháp lý.

TS. Kristan Schoultz, Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam - Ảnh: Thùy Chi

Đáng lo ngại hơn, kỳ thị và phân biệt đối xử không chỉ ảnh hưởng đến các cá nhân người nhiễm HIV mà điều này còn khiến HIV lây lan nhiều hơn trong cộng đồng. Khi người nhiễm HIV e sợ những gì người khác nghĩ về mình hoặc sợ người khác có thể đối xử tệ với mình thì họ sẽ không muốn đi xét nghiệm hay sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV. Như vậy, họ có thể vô tình truyền HIV sang những người thân của mình.

Thậm chí, nhiều người nhiễm HIV còn trì hoãn hay hoàn toàn từ chối tiếp cận dịch vụ chăm sóc và điều trị. “Chúng ta đã biết nhiều câu chuyện về người nhiễm HIV chấp nhận đi xa khỏi nơi mình sinh sống để được nhận dịch vụ chăm sóc và điều trị của những cán bộ y tế hoàn toàn xa lạ, cốt để tránh bị lộ danh tính nhiễm HIV tại cơ sở y tế ở địa phương nơi mình cư trú. Nhiều người chỉ chịu tham gia điều trị khi họ đã bệnh quá nặng và không thể giấu được các triệu chứng. Những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV như: người tiêm chích ma túy, nam quan hệ tình dục đồng giới hay người bán dâm còn phải chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử nặng hơn trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế, xã hội và pháp lý”, TS TS Kristan Schoultz khẳng định.

TS Kristan Schoultz nhận định, Chính phủ Việt Nam, các tổ chức xã hội dân sự, các đối tác phát triển quốc tế và cộng đồng những người dễ bị tổn thương đã nỗ lực rất nhiều trong những năm qua để thay đổi tình hình, nhưng kỳ thị và phân biệt đối xử vẫn còn phổ biến và vẫn đang cản trở tiến độ của các hoạt động phòng, chống HIV.

Vì vậy, theo TS. Kristan Schoultz để có thể thực hiện được mục tiêu 90-90-90 và hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030, Việt Nam cần phải cùng hành động mạnh mẽ hơn, trúng đích hơn để chống kỳ thị và phân biệt đối xử.

Tại hội thảo các đại biểu đã trình bày về trình bày về tổng quan tình hình dịch HIV/AIDS tại tỉnh, thành phố, tổng quan luật pháp chính sách phòng, chống kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS; quy chế trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV; trao đổi, chia sẻ với đại diện nhóm cộng đồng về kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV…

Toàn cảnh hội thảo - Ảnh: Thùy Chi

Xuất phát từ tình trạng dễ tổn thương, để giảm sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS, các đại biểu tại hội thảo đã khuyến nghị thời gian tới cần tăng cường hơn nữa các hoạt động tiếp cận cộng đồng để hỗ trợ cho các cá nhân bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Đồng thời, tiến hành tập huấn ở cộng đồng để nâng cao nhận thức về quyền không bị kỳ thị đối xử và quyền tiếp cận các dịch vụ chăm sóc dự phòng HIV, sức khỏe sinh sản và các dịch vụ y tế khác.

Nhiều ý kiến nhấn mạnh, tại các cơ sở y tế cần thiết lập các cơ chế phối hợp để có thể giới thiệu, chuyển gửi và hỗ trợ người nhiễm HIV khi họ bị cán bộ y tế kỳ thị và phân biệt đối xử. Cần có các biện pháp để nâng cao tính bảo mật của kết quả xét nghiệm HIV…
Top