Cuộc ‘cách mạng’ trong lĩnh vực truyền máu

27/02/2017 16:48

Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo đảm an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và bảo đảm đủ máu dự trữ cho điều trị” đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép bổ sung kỹ thuật NAT vào sàng lọc HIV, viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV). NAT là kỹ thuật hiện đại nhất thế giới hiện nay, được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động giúp sàng lọc virus HBV, HCV, HIV cho độ chính xác, độ nhạy cao, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các virus gây bệnh.

Sản xuất hồng cầu mẫu tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương

Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo đảm an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và bảo đảm đủ máu dự trữ cho điều trị” của các nhà khoa học Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương vừa đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực khoa học và công nghệ. Đến nay, cụm công trình không chỉ được ứng dụng tại Viện mà còn được ứng dụng tại nhiều tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc.

Theo PGS, TS Bùi Thị Mai An, Trưởng Khoa huyết thanh học - nhóm máu, đồng tác giả cụm công trình cho biết, đây là một cụm công trình đồ sộ với đầy đủ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc các cấp, bao gồm một dự án thử nghiệm cấp Nhà nước; 4 nhiệm vụ khoa học cấp Bộ và 46 nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở. Cụm công trình được xuất phát từ thực tiễn và đã ứng dụng những công nghệ hiện đại, tiên tiến của thế giới về cả chuyên môn kỹ thuật, cũng như tổ chức hệ thống, có sáng tạo, cải tiến cho phù hợp với hoàn cảnh của Việt Nam nhằm bảo đảm an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và có đủ máu dự trữ cho điều trị. Cụm công trình có giá trị cao về khoa học và công nghệ được thể hiện qua sáng kiến về tổ chức hệ thống, vận động được một phong trào hiến máu tự nguyện bền vững; ứng dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong việc sản xuất các chế phẩm máu; sản xuất được bộ hồng cầu mẫu, bộ panel hồng cầu sàng lọc, định danh kháng thể bất thường bằng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước; ứng dụng công nghệ xét nghiệm sinh học phân tử (NAT) vào sàng lọc thường quy cho người hiến máu...

Trong 12 năm triển khai (từ năm 2004 đến năm 2015), Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận gàn 1,5 triệu đơn vị và sản xuất hơn 2,6 triệu đơn vị chế phẩm với quy mô công nghiệp, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đến năm 2015, Viện đã tiếp nhận được số máu tăng gấp 8 lần so với năm 2003; cơ cấu người hiến máu của Viện cũng đã thay đổi một cách căn bản, với tỷ lệ người hiến máu tình nguyện tăng từ 27% (năm 2003) lên 98,3% (năm 2015). Lượng máu tiếp nhận được không chỉ đáp ứng tốt nhu cầu điều trị ở thành phố, các đô thị lớn mà còn chú trọng đến công tác an toàn truyền máu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhờ việc xây dựng lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả, bền vững.

Cùng với mô hình "ngân hàng máu sống”, "Câu lạc bộ nhóm máu hiếm”, mô hình "Cung cấp máu tập trung” cũng đã được triển khai để cung cấp máu và chế phẩm máu cùng chất lượng tới nhiều bệnh viện. Không chỉ bảo đảm đủ máu cho khu vực trung tâm, đô thị, Viện còn tới tận các vùng biên giới, hải đảo để nghiên cứu và triển khai “Mô hình xây dựng lực lượng hiến máu dự bị thực chất, hiệu quả, bền vững tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo”. Đây là một mô hình hợp lý được xây dựng thành công ở nhiều vùng như: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Điện Biên Đông (Điện Biên), Phú Quốc (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi)... Nhờ đó, nhiều người bệnh được cứu sống, đồng thời cho thấy tính nhân văn, hiệu quả, dễ triển khai đối với một đất nước có nhiều vùng biên giới, hải đảo như nước ta. Thống kê cho thấy, đến nay, Viện bảo đảm cung cấp máu cho nhu cầu cấp cứu, điều trị của 170 bệnh viện trực thuộc 27 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc, với tổng số khoảng hơn 30 triệu người dân.

Hiện, cụm công trình đã nghiên cứu và kiến nghị Bộ Y tế cho phép bổ sung kỹ thuật NAT vào sàng lọc HIV, viêm gan B (HBV), viêm gan C (HCV). NAT là kỹ thuật hiện đại nhất thế giới hiện nay, được thực hiện trên máy xét nghiệm sinh học phân tử hoàn toàn tự động giúp sàng lọc virus HBV, HCV, HIV cho độ chính xác, độ nhạy cao, đem lại hiệu quả rõ rệt trong việc rút ngắn thời gian cửa sổ phát hiện các virus gây bệnh.

Kỹ thuật này đã được áp dụng thành công tại Viện từ cuối năm 2014 và đang được áp dụng nhân rộng trên toàn quốc, cho phép rút ngắn thời gian cửa sổ từ 90 ngày xuống còn từ 30 đến 40 ngày đối với viêm gan C; từ 60 ngày xuống còn 20 đến 30 ngày đối với viêm gan B...

Đáng chú ý, với kỹ thuật NAT có thể phát hiện HIV chỉ 11 ngày sau khi nhiễm bệnh, thay cho 20 ngày như trước đây. Năm 2016, kỹ thuật xét nghiệm NAT được thực hiện với 100% đơn vị máu… Việc triển khai kỹ thuật này là một bước đột phá, mở ra kỷ nguyên mới về xét nghiệm sàng lọc, bảo đảm an toàn truyền máu, góp phần cung cấp nguồn máu an toàn kịp thời.

Một thành tựu quan trọng khác mà cụm công trình mang lại là việc giúp Viện hoàn thiện quy trình sản xuất, bảo quản và cung cấp bộ panel hồng cầu sàng lọc và định danh kháng thể bất thường; giúp người thầy thuốc thực hiện truyền máu hòa hợp kháng nguyên nhóm máu và nâng cao an toàn truyền máu về mặt miễn dịch cho người bệnh. Bộ hồng cầu mẫu có chất lượng quốc tế, nhưng mang tính đặc thù của người Việt Nam, được sản xuất bằng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước mà giá thành chỉ bằng khoảng một phần tư đến một phần hai so với sản phẩm nhập ngoại.

Với những kết quả thu được, cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ nhằm bảo đảm an toàn truyền máu, phục vụ cho cấp cứu và bảo đảm đủ máu dự trữ cho điều trị” làm nên một cuộc cách mạng đổi mới rất nhiều công nghệ trong lĩnh vực truyền máu, mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội cho người dân và cộng đồng.

}
Top